Chú trọng phân cấp, phân quyền và bổ sung trách nhiệm trong quy trình đầu tư công
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phạm vi sửa đổi luật, cơ bản thống nhất với những vấn đề lớn được cơ quan thẩm tra báo cáo.
Báo cáo tại phiên họp chiều 14-11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TCNS) Lê Quang Mạnh cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) giảm từ 109 điều xuống còn 103 điều, tập trung vào phân cấp, phân quyền và bổ sung trách nhiệm trong quy trình đầu tư công, đồng thời tăng cường tính hiệu quả của các chính sách đầu tư công hiện hành.
“Một số chính sách mới và đặc thù đã được thí điểm và điều chỉnh dựa trên các báo cáo đánh giá để bảo đảm tính khả thi. Ví dụ như việc tách công tác đền bù, tái định cư thành dự án riêng, và ủy quyền cho HĐND cấp tỉnh trong quản lý ngân sách”, ông Lê Quang Mạnh nêu rõ.
Liên quan nội dung phân cấp và phân quyền, dự thảo nâng mức phân cấp thẩm quyền quyết định đầu tư các dự án nhóm B, C từ HĐND sang UBND các cấp; và nâng quy mô vốn của các dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng (hiện nay là 10.000 tỷ đồng). Điều này giúp giảm bớt thủ tục hành chính, tăng tính linh hoạt trong quyết định các dự án đầu tư.
Đối với việc sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài, luật chỉ quy định các nguyên tắc chung, các chi tiết về thủ tục giao cho Chính phủ quyết định nhằm đảm bảo quy định tinh gọn và hiệu quả.
Về thời điểm có hiệu lực, Ủy ban TCNS đề nghị Quốc hội thông qua luật tại kỳ họp thứ 8 và có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, giúp các địa phương triển khai kịp thời các quy định mới trong kế hoạch đầu tư giai đoạn 2026-2030.
Góp ý về dự thảo luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng, sau khi hoàn thiện, luật đủ điều kiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8. Tuy nhiên, trong khi Luật Thủ đô vừa được thông qua, dự kiến cũng có hiệu lực từ ngày 1-1-2025, thì một số quy định của Luật Đầu tư công sửa đổi còn phân cấp mạnh mẽ hơn cả Luật Thủ đô, dẫn đến một số quy định của Luật Thủ đô trở nên ít ưu đãi hơn.
“Việc dùng 1 luật sửa 4 luật, 7 luật tại kỳ họp này cũng trong tình trạng tương tự, do đó rất cần rà soát toàn diện và có quy định áp dụng pháp luật phù hợp”, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn ủng hộ việc cải cách, rút gọn thủ tục đầu tư, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi nhất có thể. “Quốc hội sẽ tăng cường chức năng giám sát theo thẩm quyền”, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Phát biểu cuối phiên thảo luận, Phó Thủ tướng Lê Thành Long tiếp thu theo hướng, khi phân cấp, phân quyền thì nơi được phân cấp cũng phải có năng lực thực hiện và Chính phủ sẽ đảm bảo điều này khi triển khai.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, UBTVQH thống nhất với phạm vi sửa đổi luật, cơ bản thống nhất với những vấn đề lớn được cơ quan thẩm tra báo cáo. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến của UBTVQH, của các vị đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự thảo, trình Quốc hội xem xét, thông qua.