Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân bằng chính sách bảo hiểm y tế

'Ngày BHYT Việt Nam' (1/7) năm nay có thông điệp 'Sử dụng hiệu quả quỹ BHYT và nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT tại y tế cơ sở' đang được ngành BHXH, ngành Y tế phối hợp với các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền nhằm lan tỏa sâu rộng về ý nghĩa, giá trị nhân văn của chính sách BHYT, đồng thời tiếp tục nâng cao hơn nữa trách nhiệm và năng lực tổ chức thực hiện chính sách BHYT.

Bác sỹ Khoa Chấn thương-Chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thăm khám cho bệnh nhân.

Bác sỹ Khoa Chấn thương-Chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thăm khám cho bệnh nhân.

BHYT- Tấm thẻ đồng hành cùng hành trình khám, chữa bệnh của nhiều người

Đây là lần thứ 2 ông Đinh Văn Thư (xã Gia Hòa, Gia Viễn) vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh để đặt stent mạch vành. Sức khỏe đang dần hồi phục, trên giường bệnh ông Thư đã chia sẻ với chúng tôi về căn bệnh hiểm nghèo của mình.

Cách đây 3 năm, thấy người thường xuyên mệt mỏi, có những cơn đau tức ngực, khó thở nên ông Thư vào viện khám thì được chẩn đoán phải can thiệp mạch vành bị tắc nghẽn bằng cách đặt stent. Lần này ông nhập viện với những cơn đau tức ngực không ổn định, chụp kiểm tra động mạch vành thì 2 stent đã đặt từ lần trước có 1 stent tái hẹp.

Bệnh hiểm nghèo nhưng được khám và điều trị kịp thời nên sức khỏe ông Thư dần ổn định. Điều mừng nhất là với việc sở hữu tấm thẻ BHYT nên mọi chi phí điều trị, đặt stent của ông Thư đều được bảo hiểm chi trả. "Nếu không tham gia BHYT, chi phí mỗi lần đặt stent của tôi phải vài chục triệu đồng…"-ông Thư cho biết.

Đang nằm điều trị tại Khoa Chấn thương-Chỉnh hình (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), bà Vũ Thị Hoa (huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) cho biết: Tôi chẳng may bị tai nạn giao thông ở Ninh Bình nên được gia đình đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh cấp cứu, điều trị. Với chẩn đoán đứt dây chằng khớp gối, bà Hoa đang điều trị bớt sưng nề vết thương để phẫu thuật.

Bà Hoa tâm sự: Thật may mắn là tôi đã tham gia BHYT tự nguyện cho 3 mẹ con từ năm 2023 nên giờ yên tâm khi có tấm thẻ BHYT. Trước đây, gia đình tôi hưởng chế độ từ Chương trình 135 nên được cấp thẻ BHYT. Sau khi hết chương trình, tôi quyết định vẫn tiếp tục tham gia vì nhận thấy được ý nghĩa của việc tham gia BHYT. Lúc mình khỏe mạnh thì nguồn quỹ sẽ dành cho những người không may ốm đau, tai nạn. Còn khi mình chẳng may đi viện thì đã có sự đồng hành, chi trả của BHYT. Hơn nữa, với việc thông tuyến khám, chữa bệnh (KCB) BHYT nên dù ở tỉnh Hòa Bình sang Ninh Bình điều trị, tôi và gia đình cũng không phải lo lắng nhiều về chi phí…

Theo bác sỹ Nguyễn Hoàng Thanh, Phó trưởng Khoa Chấn thương-Chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Khoa Chấn thương-Chỉnh hình có lượng bệnh nhân điều trị đông, trung bình hàng ngày có từ 100-110 bệnh nhân nằm điều trị, công suất sử dụng giường bệnh luôn đạt 100%. Bệnh nhân vào điều trị tại đây phần lớn là các trường hợp bị tai nạn giao thông, chấn thương xảy ra trong sinh hoạt, lao động… Chi phí điều trị, phẫu thuật cho các trường hợp thường cao, có trường hợp đa chấn thương chi phí lên tới 100 triệu đồng. Đặc thù người bệnh vào đây đều là những trường hợp đột xuất, bất ngờ nên kinh phí để chữa trị là vấn đề quan trọng, nhất là đối với những người có thu nhập thấp, có hoàn cảnh khó khăn. Do đó, trong quá trình tiếp nhận, điều trị bệnh nhân, các y, bác sỹ tại Khoa đều cố gắng tuyên truyền, hướng dẫn để người bệnh hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của tấm thẻ BHYT…

Nhiều giải pháp đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT

Những năm qua, để đáp ứng nhu cầu KCB chất lượng cao của người dân trong và ngoài tỉnh, việc tiếp nhận các kỹ thuật mới trong khám, điều trị tiếp tục được các đơn vị y tế trong tỉnh triển khai hiệu quả.

Các kỹ thuật như: Chụp và điều trị giãn tĩnh mạch dạ dày (dưới DSA), dẫn lưu đường mật dưới DSA, sinh thiết tiền liệt tuyến qua trực tràng dưới hướng dẫn siêu âm, phẫu thuật toàn bộ tuyến giáp trong ung thư tuyến giáp, phẫu thuật nội soi cắt 1 thùy tuyến giáp, tiêm cồn tuyệt đối điều trị nang vú, vi khuẩn nuôi cấy và định danh hệ thống tự động, vi khuẩn kháng thuốc hệ thống tự động, vi khuẩn kháng thuốc định lượng, điện di huyết sắc tố, đo nhĩ lượng đồ… được các bệnh viện trong tỉnh triển khai hiệu quả. Do đó, bệnh nhân được tiếp cận các ứng dụng kỹ thuật mới trong khám và điều trị ngay tại địa phương, tiết kiệm chi phí điều trị, không phải lên tuyến trên.

Kết quả này cũng là tiền đề quan trọng giúp các đơn vị y tế tạo đột phá về nâng cao chất lượng KCB, đem lại sự hài lòng cho người bệnh, đáp ứng kỳ vọng của người dân về việc KCB BHYT tại các đơn vị y tế trong tỉnh.

Cán bộ BHXH huyện Yên Khánh tuyên truyền cho người dân về chính sách BHYT.

Cán bộ BHXH huyện Yên Khánh tuyên truyền cho người dân về chính sách BHYT.

Theo đồng chí Phạm Thị Phương Hạnh, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Y tế: Thời gian qua, ngành Y tế đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH tỉnh để quản lý, sử dụng quỹ hiệu quả BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người dân khi đi KCB BHYT. Sở đã cùng với cơ quan BHXH thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở các đơn vị thực hiện nghiêm các quy định vể chính sách BHYT, về các quy định chuyên môn do Bộ Y tế ban hành.

Sở đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các đơn vị phải xây dựng lộ trình để nâng cao chất lượng KCB cho người dân, trong đó đảm bảo đội ngũ nhân viên y tế thực hiện đúng các quy định trong giấy phép hành nghề, xây dựng các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế phục vụ cho công tác KCB. Việc chỉ định thuốc, dịch vụ y tế đúng theo quy định.

Hàng tháng, hàng quý, Sở Y tế đều thực hiện phối hợp với BHXH tỉnh giám sát việc tổ chức KCB BHYT và giải quyết các vấn đề vướng mắc trong thực hiện chính sách BHYT. Chủ động phân tích, xác định nguyên nhân khách quan, chủ quan và từ chối thanh toán những chi phí KCB BHYT không hợp lý, đặc biệt đánh giá việc chỉ định các dịch vụ kỹ thuật cao, các chi phí bất thường có biểu hiện lạm dụng quỹ BHYT; phối hợp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện chính sách BHYT trên địa bàn nhằm đảm bảo đầy đủ, đúng quyền lợi của người dân tham gia KCB BHYT...

Tại Ninh Bình, thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới, 15 năm qua, BHXH tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi để người dân tích cực tham gia BHYT.

Đến hết năm 2023, toàn tỉnh có 276.696 người tham gia BHYT, trong đó có 193.356 người tham gia thuộc hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình được ngân sách nhà nước hỗ trợ đóng và 83.340 người tham gia thuộc hộ gia đình khác. Đến nay, toàn tỉnh có trên 948.000 người tham gia BHYT, đạt tỷ lệ gần 94%.

Đồng chí Bùi Thị Lan Hương, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Để sử dụng quỹ BHYT, đảm bảo quyền lợi cho người bệnh tham gia BHYT, BHXH tỉnh đã có nhiều giải pháp như: Thường xuyên phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở KCB BHYT trong công tác giám định BHYT, thực hiện theo dõi, giám sát các cơ sở y tế trong quản lý, sử dụng quỹ BHYT. Đồng thời, chủ động phân tích chi phí KCB, đánh giá kiểm soát chi phí định kỳ của từng cơ sở KCB BHYT. Thông qua công tác giám định BHYT, phát hiện các nguyên nhân chủ quan gây gia tăng chi phí, thông báo và đề nghị cơ sở KCB điều chỉnh kịp thời, bảo đảm tính khách quan, minh bạch giữa cơ quan BHXH với cơ sở KCB.

Bên cạnh đó, BHXH tỉnh đã tổ chức các buổi làm việc trực tiếp với từng cơ sở KCB về việc phối hợp kiểm soát chi phí KCB BHYT; xây dựng kế hoạch kiểm tra các cơ sở KCB BHYT phòng tránh trục lợi quỹ KCB BHYT. Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong công tác KCB BHYT, trong công tác đấu thầu thuốc nhằm đảm bảo quyền lợi cho người bệnh BHYT.

Đồng thời, BHXH tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong KCB BHYT theo hướng cải cách, đơn giản, tiết kiệm thời gian cho người bệnh như: sử dụng thẻ CCCD, thẻ BHYT trên ứng dụng VNeID để đi KCB BHYT thay cho thẻ giấy tại cơ sở KCB BHYT đã và đang được người dân, các cơ sở KCB BHYT hưởng ứng, đánh giá cao.

Trước những quyền lợi được hưởng và sự thuận lợi trong KCB BHYT, người dân trong tỉnh ngày càng tin tưởng vào chính sách BHYT, số người bệnh sử dụng thẻ BHYT đến khám tại các cơ sở KCB ngày càng tăng: Năm 2009, có 1.147.371 lượt KCB BHYT thì đến năm 2023 toàn tỉnh có 1.748.006 lượt KCB BHYT, tăng 65,54% so với năm 2009. Tính đến hết tháng 5/2024, đã có 744.202 lượt người KCB BHYT (tăng 39.299 lượt KCB so với cùng kỳ năm 2023) với số chi KCB BHYT hơn 509 tỷ đồng (tăng 99 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2023).

Bài, ảnh: Bùi Diệu

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/bao-ve-cham-soc-suc-khoe-nguoi-dan-bang-chinh-sach-bao-hiem/d20240629222443162.htm