Bảo vệ chủ quyền bằng 'sức mạnh mềm'
Chúng ta cần tận dụng sức mạnh mềm của văn hóa để phát triển kinh tế, nâng cao vị thế đất nước, góp phần thực hiện thành công mục tiêu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ
Đã không ít lần tôi tự vấn rồi tìm câu trả lời: Nếu cả 8 tỉ người trên thế giới biết về đất nước Việt Nam, yêu mến con người Việt Nam thì chúng ta sẽ có "chủ quyền mềm", "biên giới mềm" mang sức mạnh lớn lao.
Từ những câu chuyện ở Văn Miếu...
Câu chuyện của tôi ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, nơi nhiều bậc cha mẹ đều muốn con cái ghé một lần để cầu cho đường học hành thuận lợi. Tết đến, xuân về, nơi đây tràn ngập màu sắc và sự linh thiêng.
Có khá nhiều du khách quốc tế đến đây tham quan. Một số nữ du khách nước ngoài mặc áo dài, thích thú với nét đẹp văn hóa, biểu tượng đặc trưng cho người phụ nữ Việt. Họ hòa mình cùng nền văn hóa độc đáo của đất nước Việt Nam xinh đẹp, giàu lòng mến khách.
Chiko, một nữ sinh viên Nhật Bản, kể rằng cô mong ngóng được đón Tết Việt Nam. Được tham gia vào các hoạt động, phong tục Tết như gói bánh chưng, lì xì đầu năm mới rồi thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cô hiểu hơn về Việt Nam và mong muốn hai nước thắt chặt mối quan hệ tốt đẹp. Đến trường đại học đầu tiên của Việt Nam, Chiko cũng cầu các bậc hiền nhân phù hộ độ trì cho công thành danh toại như bao cô gái trẻ Việt Nam.
Trò chuyện với các du khách quốc tế khác, họ nói ngay Văn Miếu - Quốc Tử Giám là kết tinh của tinh thần học hỏi và cầu tiến thời xưa, nay lại trở thành biểu tượng tâm linh động viên bao sĩ tử trên bước đường học tập. Đây là phong tục có nét giống với một số quốc gia nhưng lại có bản sắc riêng độc đáo.
Dòng người nối đuôi nhau cầu khấn, thành khẩn bày tỏ mong ước của mình trước các vị tiên tổ. Dù là thời đại nào thì tinh thần hiếu học của dân Việt luôn là điều đáng để tự hào với cả những vị khách đến từ phương Tây. Anh John, một người tự nhận là rất yêu quê hương của mình ở Mỹ, chỉ biết thông tin về một đất nước từng bị Mỹ xâm lược nhưng khi đến đây, anh có cái nhìn khác về đất nước, con người và văn hóa đặc sắc của mảnh đất này: "Một đất nước xinh đẹp thế này, người dân đáng mến như vậy thì xứng đáng được hưởng hòa bình và hạnh phúc".
Điều gì nói lên cảm nhận của người nước ngoài khi đến Văn Miếu - Quốc Tử Giám? Đó chính là bản sắc văn hóa, khát vọng vươn lên của người Việt. Nó kết tinh thành "sức mạnh mềm", biểu thị lòng tự hào, tự tôn dân tộc của chúng ta.
... đến ẩm thực vỉa hè
Trong công việc, tôi cũng tiếp xúc với khá nhiều du khách quốc tế. Họ đến từ nhiều quốc gia với văn hóa khác nhau nhưng đều rất thích thú khi tìm hiểu đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.
Đó là cảm xúc tuyệt vời của nhiều du khách quốc tế đến Hà Nội để trải nghiệm văn hóa ẩm thực vỉa hè. Một du khách người Anh còn thể hiện quan điểm rằng phải bảo tồn bằng được văn hóa ẩm thực đặc sắc này.
Hay như du khách đến từ Đức tôi gặp và trò chuyện trong một quán bia hơi "rất Việt Nam". Ông nói đi uống bia hơi vỉa hè ở Hà Nội giống như đi lễ hội bia ở quê hương. Ở đó là không khí vui vẻ, thân thiện và hòa đồng, bất kể người bản xứ hay du khách quốc tế.
Trong thời đại hội nhập, sự giao lưu văn hóa là mảnh ghép không thể thiếu nếu muốn lan tỏa hình ảnh của đất nước thân thiện, mến khách như Việt Nam. Việc bạn bè quốc tế đánh giá cao bản sắc văn hóa ẩm thực của Việt Nam cũng góp phần giới thiệu hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam trên trường quốc tế.
Một nam du khách người Brazil thán phục trước vị ngon cà phê Đắk Lắk của Việt Nam. Anh chia sẻ nhiều về cà phê ở quê hương mình và nói rằng mình may mắn khi được biết đến "một thiên đường cà phê khác".
Điều này cũng đúng với vô số sản vật, đặc sản và món ăn của nước ta. Nếu được quảng bá và lan tỏa tốt hơn trên thế giới thì danh tiếng của Việt Nam sẽ tăng lên nhiều và cùng với đó là nguồn thu từ du lịch quay lại giúp kinh tế phát triển hơn.
Văn hóa ẩm thực cũng chính là "sức mạnh mềm" mà chúng ta cần phát huy hơn nữa.
Tăng cường hội nhập và giao lưu văn hóa quốc tế
Những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn coi trọng tăng cường ngoại giao nhân dân, giao lưu nhân dân; đẩy mạnh các hoạt động quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam thông qua các hoạt động văn hóa, du lịch. Nhiều khi chỉ cần một nụ cười trên môi là đủ để khách cảm thấy được tôn trọng và thoải mái. Đó là nét đẹp văn hóa, là mảnh ghép hoàn hảo vào bức tranh du lịch của nước ta. Những năm qua, việc phát triển du lịch gắn với lịch sử, văn hóa cộng đồng được các địa phương khai thác có chiều sâu, làm cho ngày càng nhiều du khách quốc tế hiểu và cảm nhận sâu sắc hơn bản sắc văn hóa của nước ta.
Giao lưu văn hóa gắn với hội nhập về kinh tế đã và đang giúp chúng ta tạo nền tảng vững chắc để từng bước xây dựng một đất nước Việt Nam tự lực, tự cường, hùng mạnh. Thực tiễn cho thấy trong quá trình hội nhập văn hóa, những danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử, ẩm thực... đóng vai trò là điểm nhấn quan trọng, có tác dụng thúc đẩy phát triển kinh tế. Chúng ta hội nhập nhưng không hòa tan, mà càng bảo tồn, gìn giữ và nâng tầm nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Văn hóa là hồn cốt của dân tộc và cũng chính là "sức mạnh mềm" mà chúng ta phải phát huy hơn nữa. Với một đất nước ngàn năm văn hiến, chúng ta cần tận dụng "sức mạnh mềm" của văn hóa để phát triển kinh tế, nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, góp phần thực hiện thành công mục tiêu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ.
“Sức mạnh mềm” của Việt Nam được tạo dựng trên các yếu tố truyền thống lịch sử, văn hóa dân tộc, đặc biệt là truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Việc phát huy “sức mạnh mềm” đã và đang được cụ thể hóa trong đường lối, chủ trương của Đảng, nhằm góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/bao-ve-chu-quyen-bang-suc-manh-mem-20231118201249029.htm