Bảo vệ cơ quan số, công dân số

Trong số báo hôm qua (3-7), Báo Quân đội nhân dân có bài 'Bảo vệ người cao tuổi trên không gian mạng' và nhận được nhiều phản hồi của bạn đọc rằng, hiện nay, người cao tuổi là đối tượng rất dễ bị tổn thương trong quá trình chuyển đổi số.

Tuy nhiên, bạn đọc cũng cho rằng, không chỉ người cao tuổi mà mọi cơ quan, tổ chức, mọi công dân đều có thể bị tổn thương nếu thiếu các biện pháp phòng vệ trên môi trường số, nhất là khi tội phạm số ngày càng phổ biến.

Có thể thấy, cùng với những lợi ích rõ ràng mà công cuộc chuyển đổi số mang lại thì cũng xuất hiện ngày càng nhiều rủi ro đối với từng đơn vị, từng cá nhân. Ấy là tình trạng lừa đảo trên mạng, lừa đảo qua tin nhắn, điện thoại và tấn công mạng rất phổ biến, đến mức dường như bất cứ ai có điện thoại đều đã từng nhận các cuộc gọi có dấu hiệu lừa đảo, cơ quan nào cũng có thể trở thành mục tiêu của tin tặc. Khi dữ liệu của cơ quan, cá nhân được lưu trữ dưới dạng số hóa thì hiện tượng tội phạm tấn công chiếm dữ liệu số trở thành vấn đề nóng.

Ảnh minh họa / Vietnam+

Ảnh minh họa / Vietnam+

Thủ đoạn lừa đảo của tội phạm số, tội phạm mạng hết sức tinh vi, với công nghệ cao và thiệt hại do chúng gây ra ngày càng lớn. Nhiều cơ quan đã bị tin tặc tấn công, bị cướp các dữ liệu quan trọng. Nhiều người dân đã bị tin tặc lừa đảo mất trắng số tiền mồ hôi, nước mắt dành dụm cả đời. Lực lượng an ninh mạng thời gian qua đã ghi nhận gần 16.000 phản ánh lừa đảo trực tuyến với số tiền mà nạn nhân bị thiệt hại lên tới 390.000 tỷ đồng, tương đương 3,6% tổng sản phẩm trong nước (GDP).

Tội phạm số, tội phạm mạng có xu hướng hoạt động xuyên quốc gia, lợi dụng các kẽ hở của pháp luật và kẽ hở trong hệ thống công nghệ, rồi sự thiếu cảnh giác của người dân để thiết lập phương thức tấn công. Nhưng dường như lực lượng chức năng chưa có các biện pháp thực sự hiệu quả để ngăn ngừa, truy quét, răn đe tội phạm mạng. Nhiều vụ việc người dân phản ánh bị lừa đảo nhưng cơ quan chức năng bó tay trong việc tìm ra đối tượng, bởi chúng dùng điện thoại sim “rác”, tài khoản ngân hàng “rác”.

Do đó, quá trình chuyển đổi số nhất thiết phải đi kèm các biện pháp phòng ngừa hiệu quả đối với tội phạm số, tội phạm mạng. Điều này cũng giống như khi chúng ta xây một ngôi nhà to, với nhiều đồ đạc có giá trị bên trong thì đồng thời phải xây tường cao, cổng chắc.

Chúng ta cần phải tích cực học hỏi kinh nghiệm chống tội phạm số, tội phạm mạng từ những nước đã thực hiện chuyển đổi số trước đất nước ta. Cần phải lên phương án phòng, chống tội phạm số từ sớm, từ đầu, song song với quá trình xây dựng hệ thống số. Bởi nếu chậm trễ thì có thể tội phạm đã cài đặt các phần mềm gián điệp vào hệ thống công nghệ thông tin của các cơ quan, tổ chức, âm thầm thu thập các dữ liệu, lúc đó, rủi ro sẽ không thể lường hết được.

Mỗi cơ quan, mỗi công dân bên cạnh việc sử dụng các tiện ích số thì cũng cần phải có phương án, quy trình chống tội phạm số, được hướng dẫn kỹ năng phòng, chống tấn công mạng, lừa đảo mạng. Thế nhưng, cũng cần nhìn vào thực tế rằng, mỗi người dân không thể có đủ kỹ năng, kiến thức để phòng, chống tấn công mạng, lừa đảo mạng, bởi thủ đoạn của tội phạm mạng rất tinh vi, thường xuyên thay đổi chiêu thức, cùng với đó, công nghệ mà chúng sử dụng cũng rất hiện đại, ứng dụng cả trí tuệ nhân tạo, bắt chước được cả giọng nói, sao chép cả hình ảnh của mỗi người...

Không thể để người dân dễ bị tổn thương trước tội phạm mạng trong một cuộc đấu bất đối xứng như vậy! Vì thế, hành động của các cơ quan chức năng trong việc thiết kế thể chế chặt chẽ, xây dựng hệ thống hiện đại và lực lượng tinh nhuệ để phòng, chống tội phạm số, tội phạm mạng là quan trọng hàng đầu.

Cần phải làm cho các cơ quan và người dân cảm thấy thoải mái, yên tâm và an toàn trên môi trường số.

HỒ QUANG PHƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/cung-ban-luan/bao-ve-co-quan-so-cong-dan-so-783915