Bảo vệ đa dạng sinh học dựa vào cộng đồng

Bảo vệ đa dạng sinh học (ĐDSH) là nhiệm vụ chiến lược nhằm đảm bảo các mục tiêu phát triển hiện tại cũng như sự bền vững cho tương lai. Với ý nghĩa đó, công tác bảo vệ ĐDSH trên địa bàn tỉnh ngày càng được quan tâm, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Người dân xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn chăm sóc, bảo tồn giống chè Shan tuyết, góp phần bảo vệ ĐDSH.

Người dân xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn chăm sóc, bảo tồn giống chè Shan tuyết, góp phần bảo vệ ĐDSH.

Trong đó, nâng cao nhận thức để chuyển biến thành hành động thiết thực, cụ thể của mỗi người dân, cộng đồng trong công tác bảo vệ ĐDSH đã, đang được thực hiện, phát huy hiệu quả. Phú Thọ được đánh giá là địa phương có giá trị ĐDSH cao với 5 khu bảo tồn tập trung có tổng diện tích 17.278,6ha; trên 200.000ha đất có rừng, bao gồm rừng phòng hộ, đặc dụng, sản xuất với hệ sinh thái đa dạng.

Thực tế cho thấy, dựa vào cộng đồng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ ĐDSH là giải pháp hiệu quả, bền vững, chi phí không cao, mang lại nhiều lợi ích. Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân, cộng đồng về bảo vệ ĐDSH được tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành triển khai theo phương án bảo tồn thiên nhiên và ĐDSH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được tích hợp trong quy hoạch tỉnh với mục tiêu bảo vệ giá trị của các hệ sinh thái, các loài, các nguồn gen quý hiếm trên địa bàn, phát triển kinh tế - xã hội bền vững và Đề án “Tăng cường phòng, chống tội phạm về ĐDSH đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.

Hàng năm, ngành Nông nghiệp, Lâm nghiệp, các địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức các chương trình, lớp tập huấn nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ ĐDSH bằng các nội dung, kỹ năng cụ thể như: Trồng cây, trồng rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; bảo vệ động vật hoang dã; bảo tồn giống gen quý, hiếm...

Vườn Quốc gia Xuân Sơn, huyện Tân Sơn là nơi có giá trị ĐDSH cao, lưu giữ, bảo tồn các loài động, thực vật đặc hữu, các nguồn gen quý, mẫu chuẩn hệ sinh thái có giá trị trong nước cũng như trên thế giới.

Theo số liệu công bố, tại đây đã xác định được gần 1.300 loài thực vật bậc cao có mạch thuộc 699 chi của 185 họ trong 6 ngành thực vật; 370 loài động vật thuộc 76 họ, 23 bộ thuộc các lớp xương sống ở cạn, trong đó khu hệ thú có 94 loài, khu hệ chim có 223 loài, khu hệ bò sát có 30 loài, khu hệ lưỡng cư có 23 loài. Khu hệ chim có số lượng loài nhiều nhất, chiếm trên 60% tổng số loài động vật của Vườn.

Đồng chí Trần Ngọc Cường - Giám đốc Vườn Quốc gia Xuân Sơn cho biết: Cộng đồng dân cư trong vùng lõi, vùng đệm Vườn Quốc gia đã tích cực tham gia công tác bảo vệ ĐDSH gắn với phát triển kinh tế, đảm bảo cuộc sống. Người dân đã chủ động trồng rừng gắn với bảo vệ rừng, bảo vệ hệ sinh thái rừng; tự nguyện giao nộp, thả cá thể động vật hoang dã về môi trường tự nhiên. Đặc biệt, người dân xã Xuân Sơn đã chủ động chăm sóc, bảo tồn, phát triển giống chè Shan tuyết bản địa gắn với phát triển kinh tế nông, lâm nghiệp, du lịch sinh thái, giúp đồng bào có thêm thu nhập, từng bước ổn định đời sống...

Không chỉ người dân sống gần rừng, bám rừng, công tác bảo vệ ĐDSH đã được các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, Nhân dân các địa phương trong tỉnh hưởng ứng thực hiện. Tăng cường nhận thức, nâng cao kỹ năng, chuyển biến thành hành động cụ thể, chung tay bảo vệ ĐDSH của cộng cồng là nhiệm vụ mang tính chiến lược. Vì vậy, các cấp, ngành, địa phương bên cạnh việc đa dạng hóa, thường xuyên đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến cần nghiên cứu tổ chức nhiều hoạt động, chương trình, phong trào cụ thể, phù hợp để thu hút đông đảo người dân tham gia vào công tác bảo vệ ĐDSH, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Lệ Oanh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/bao-ve-da-dang-sinh-hoc-dua-vao-cong-dong-215222.htm