Bảo vệ đa dạng sinh học, hòa hợp với thiên nhiên để phát triển bền vững

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu diễn biến phức tạp, nguy cơ suy giảm đa dạng sinh học ngày càng cao, tỉnh Lào Cai đang tích cực thực hiện nhiều giải pháp gắn bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học với phát triển bền vững.

Tầm nhìn bền vững - từ chính sách đến hành động

Với tổng diện tích tự nhiên hơn 6.300 km2, tỉnh Lào Cai sở hữu hơn 395.000 ha đất lâm nghiệp có rừng, tỷ lệ che phủ rừng đạt gần 60%, đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa nguồn nước, bảo vệ sinh thái không chỉ đối với Lào Cai mà còn ảnh hưởng tới cả vùng Trung du, miền núi phía Bắc và đồng bằng sông Hồng. Có nguồn tài nguyên rừng phong phú, địa hình đa dạng và hệ sinh thái đặc trưng của vùng núi cao, Lào Cai được ví như “lá phổi xanh” của vùng Tây Bắc và là trung tâm quan trọng về đa dạng sinh học của cả nước.

Nổi bật trong số đó là dãy Hoàng Liên Sơn - nơi hội tụ nhiều hệ sinh thái rừng tự nhiên hiếm có cùng hàng nghìn loài động vật, thực vật đặc hữu. Kết quả điều tra cho thấy khu vực này sở hữu hơn 3.800 loài thực vật bậc cao và gần 1.000 loài động vật rừng, trong đó có tới 155 loài quý hiếm, 20 loài được ghi nhận trong Sách Đỏ Việt Nam và thế giới, 22 loài đặc hữu tiêu biểu cho hệ sinh thái vùng núi cao Hoàng Liên Sơn.

 Học sinh tham quan, tìm hiểu về đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Học sinh tham quan, tìm hiểu về đa dạng sinh học tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Nhận thức rõ vai trò của rừng và đa dạng sinh học, Lào Cai đã và đang triển khai đồng bộ nhiều chủ trương, chính sách quan trọng. Nổi bật là việc lồng ghép quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch tỉnh; thực hiện hiệu quả Đề án 09-ĐA/TU về tăng cường quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng rừng và năng lực tiếp cận, chia sẻ nguồn gen.

Lào Cai cũng đã đề xuất nâng cấp Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát thành Vườn quốc gia và mở rộng Khu Bảo tồn thiên nhiên Hoàng Liên - Văn Bàn thêm 20.000 ha. Những bước đi này khẳng định định hướng chiến lược lâu dài trong bảo tồn và phát triển bền vững.

 Tuần tra bảo vệ rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát.

Tuần tra bảo vệ rừng tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát.

Tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát, những năm qua, qua công tác tuần tra, kiểm tra và tuyên truyền cho người dân được tổ chức thường xuyên để nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ rừng và đa dạng sinh học. Hầu hết người dân trên địa bàn đã hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật liên quan đến bảo vệ rừng và đa dạng sinh học. Nhờ đó, các vi phạm liên quan đã giảm đáng kể, đặc biệt không có vi phạm lớn.

Ông Ngô Kiên Trung, Trưởng Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát cho biết: “Để bảo vệ đa dạng sinh học, chúng tôi xác định tăng cường tuần tra bảo vệ rừng, bảo vệ nguyên vẹn hệ sinh thái rừng để tạo tiền đề phát huy giá trị đa dạng, đa dụng của rừng. Trong đó, chúng tôi tập trung khai thác tiềm năng về nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế, đồng thời khai thác phát triển du lịch sinh thái trong Khu Bảo tồn thiên nhiên Bát Xát”.

Hài hòa giữa phát triển và bảo tồn

Quá trình bảo vệ đa dạng sinh học tại Lào Cai không tránh khỏi những khó khăn, nhất là trước tác động ngày càng rõ của biến đổi khí hậu. Các hiện tượng cực đoan như băng tuyết, mưa đá, sạt lở, cháy rừng… diễn ra thường xuyên hơn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái rừng. Năm 2023, tỉnh ghi nhận hơn 16 ha rừng bị cháy và năm 2024, con số này tăng lên hơn 25 ha tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Không chỉ thiên tai, áp lực từ phát triển kinh tế và dân số cũng đang tác động đến các khu rừng. Trước thực trạng đó, tỉnh đã và đang triển khai hàng loạt giải pháp cụ thể như: trồng mới hàng chục triệu cây xanh, ưu tiên các loài bản địa; bảo tồn các loài dược liệu quý trong bối cảnh biến đổi khí hậu; xây dựng các vườn thực vật tại thị xã Sa Pa, huyện Bát Xát, Văn Bàn; phát triển các mô hình du lịch sinh thái bền vững gắn với bảo tồn thiên nhiên.

 Giáo dục môi trường cho học sinh thông qua hoạt động ngoại khóa trải nghiệm thực tế tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Giáo dục môi trường cho học sinh thông qua hoạt động ngoại khóa trải nghiệm thực tế tại Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Ông Đinh Văn Thơ, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Lào Cai cho biết: Tỉnh Lào Cai luôn xác định phải hài hòa giữa việc phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Chúng tôi đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, xây dựng kế hoạch, định hướng rõ ràng theo từng giai đoạn, trong đó có những giải pháp không chỉ giữ vững tỷ lệ che phủ rừng mà còn nâng cao hơn nữa và hạn chế việc chuyển đổi diện tích rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên, rừng đặc dụng để đánh đổi vì lợi ích kinh tế.

Những năm qua, Lào Cai đã và đang thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, giúp người dân hưởng lợi từ chính việc bảo vệ rừng. Các mô hình cộng đồng tham gia quản lý rừng, bảo tồn nguồn gen quý cũng đang phát huy hiệu quả rõ nét, góp phần vào công cuộc gìn giữ tài nguyên sinh học lâu dài.

 Tuyên truyền về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học cho người dân sống trong vùng lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Tuyên truyền về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học cho người dân sống trong vùng lõi Vườn Quốc gia Hoàng Liên.

Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, giáo dục môi trường được đẩy mạnh thông qua nhiều hình thức: tọa đàm, hội nghị, chương trình truyền thông… nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng, doanh nghiệp. Việc lồng ghép nội dung bảo tồn vào chương trình giáo dục cũng được đẩy mạnh, hướng tới xây dựng lối sống hài hòa với thiên nhiên ngay từ trong trường học.

Lào Cai đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội bền vững trên nền tảng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là đa dạng sinh học. Bằng việc kết hợp giữa quy hoạch chiến lược, chính sách thiết thực và sự đồng thuận của cộng đồng, tỉnh đang tạo nên một mô hình tiêu biểu cho sự phát triển hài hòa giữa con người và thiên nhiên.

Mai Dương

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bao-ve-da-dang-sinh-hoc-hoa-hop-voi-thien-nhien-de-phat-trien-ben-vung-post402077.html