Sẽ điều chỉnh phân luồng giao thông xung quanh Nhà ga T3

TP.HCM đang rà soát những bất cập trong việc tổ chức, phân luồng giao thông xung quanh Nhà ga T3 và sắp tới sẽ thực hiện hàng loạt điều chỉnh, đảm bảo kết nối liền mạch và giảm xung đột giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân lưu thông.

Sau hơn một tháng chính thức thông xe (từ ngày 19-4), tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa - một trong những công trình giao thông trọng điểm của TP.HCM - đã bước đầu phát huy hiệu quả, giúp giảm áp lực giao thông tại khu vực cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất, đặc biệt là Nhà ga T3.

Tuy nhiên, hiệu quả tổng thể của tuyến đường vẫn chưa đạt như kỳ vọng do chưa có kết nối trực tiếp, đồng bộ với các trục đường chính và phương án tổ chức giao thông còn nhiều bất cập.

 Hạ tầng xung quanh Nhà ga T3 đã hoàn thiện.

Hạ tầng xung quanh Nhà ga T3 đã hoàn thiện.

 Các tuyến đường xung quanh Nhà ga T3.

Các tuyến đường xung quanh Nhà ga T3.

3 hồi đèn chưa qua được giao lộ Cộng Hòa - Tân Kỳ Tân Quý

Với tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỉ đồng, tuyến đường dài khoảng 4 km được kỳ vọng sẽ là “lối thoát” cho tình trạng kẹt xe nghiêm trọng tại khu vực cửa ngõ sân bay, đặc biệt là tuyến đường Cộng Hòa - vốn luôn trong tình trạng quá tải.

Thực tế ghi nhận, tình trạng ùn tắc tại các nút giao như Hoàng Văn Thụ, Trường Sơn, vòng xoay Lăng Cha Cả đã phần nào được cải thiện. Xe cộ giờ đây có thể dễ dàng rẽ vào Nhà ga T3 thông qua tuyến đường mới, hoặc lưu thông trên đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa để đi đến Mũi Tàu, góp phần tạo nên một luồng lưu thông thay thế cho các tuyến cũ vốn quá tải.

 Vòng xoay Lăng Cha Cả lúc 16 giờ 30 chiều 21-5, giao thông ổn định.

Vòng xoay Lăng Cha Cả lúc 16 giờ 30 chiều 21-5, giao thông ổn định.

Tuy nhiên, song song với đó là những bất cập còn tồn tại trong cách tổ chức, phân luồng giao thông, khiến dự án chưa phát huy tối đa hiệu quả, đặc biệt là hướng từ phía Tây Bắc đi vào trung tâm TP.HCM.

Ghi nhận của PLO trong giờ cao điểm sáng 22-5 cho thấy một nghịch lý là tuyến đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa với quy mô 6 làn xe lại khá vắng phương tiện. Trong khi đó, các trục đường như Cộng Hòa, Trường Chinh - đặc biệt khu vực Mũi Tàu hướng vào trung tâm TP - vẫn xảy ra kẹt xe nghiêm trọng.

 Khu vực Mũi Tàu - Cộng Hòa - Trường Chinh ùn ứ sáng 22-5.

Khu vực Mũi Tàu - Cộng Hòa - Trường Chinh ùn ứ sáng 22-5.

Chị Lê Ngọc Như Huỳnh (quận Tân Phú) cho biết để di chuyển từ giao lộ Trường Chinh - Chế Lan Viên, đến Mũi Tàu, rồi vượt qua giao lộ Cộng Hòa - Tân Kỳ Tân Quý, có hôm chị phải mất 15 phút, dù đoạn đường chỉ khoảng 500 m.

"Có khi 3 hồi đèn liên tục mà dòng phương tiện vẫn chôn chân, chưa vượt qua được giao lộ Cộng Hòa - Tân Kỳ Tân Quý vào các khung giờ cao điểm. Phương tiện từ Trường Chinh - Cộng Hòa hiện vẫn chưa thể rẽ trái trực tiếp vào đường nối, buộc người dân phải vòng qua các tuyến đường nhỏ hoặc phải quay đầu tại giao lộ Cộng Hòa - Tân Kỳ Tân Quý rồi mới rẽ vào… vừa mất thời gian, vừa ùn ứ" - chị Huỳnh nói.

 3 hồi đèn nhưng người dân vẫn chưa vượt qua được giao lộ Cộng Hòa - Tân Kỳ Tân Quý.

3 hồi đèn nhưng người dân vẫn chưa vượt qua được giao lộ Cộng Hòa - Tân Kỳ Tân Quý.

Ông Đoàn Lưu Minh, sống gần khu vực Mũi Tàu - Trường Chinh - Cộng Hòa kiến nghị: “Cần tháo dỡ một phần dải phân cách cứng, hoặc thiết kế vòng xuyến, tiểu đảo tại nút giao để phương tiện có thể dễ dàng rẽ trái từ Cộng Hòa vào tuyến đường mới. Khi đó, người dân sẽ có hai lựa chọn là đi thẳng vào trung tâm TP hoặc rẽ vào đường nối để đến Nhà ga T3, giảm tải đáng kể cho trục Cộng Hòa”.

 Đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa khá vắng phương tiện lưu thông.

Đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa khá vắng phương tiện lưu thông.

Mặt khác, ghi nhận của PLO, bất cập do việc phân luồng ô tô từ đường 18E hoặc đoạn nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa được phép di chuyển vào Nhà ga T3, riêng xe máy buộc phải quay đầu dưới chân cầu, không được đi thẳng hay rẽ trái vào Nhà ga T3 dưới chân cầu vượt Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa, vẫn chưa được khắc phục.

Khi vắng mặt lực lượng CSGT, hàng trăm xe máy tiếp tục nối đuôi nhau di chuyển vào đường cấm, hoặc chạy ngược chiều.

 Xe máy đi vào đường cấm.

Xe máy đi vào đường cấm.

Ông Hoàng, người dân lưu thông qua khu vực đề xuất khu vực sớm được phân luồng lại theo hướng cho các phương tiện được rẽ trái để đi vào đường Hoàng Hoa Thám hoặc đi thẳng đến đường Trường Chinh - Cộng Hòa nhằm giảm bớt lượng xe lưu thông trên đường Cộng Hòa và Hoàng Hoa Thám.

Sẽ triển khai hàng loạt giải pháp điều chỉnh

Lý giải về những bất cập người dân phản ánh thời gian qua, ông Nguyễn Kiên Giang - Phó trưởng Phòng Quản lý bảo trì và khai thác công trình giao thông (Sở Xây dựng TP.HCM), cho biết theo thiết kế ban đầu, dự án đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa không cho xe máy lưu thông dưới cầu vượt, ngang qua ga T3 theo hướng ra đường Hoàng Hoa Thám và Trường Chinh.

 Cầu vượt trước Nhà ga T3 với mục đích phục vụ cho các phương tiện đi về phía Tây Bắc TP.

Cầu vượt trước Nhà ga T3 với mục đích phục vụ cho các phương tiện đi về phía Tây Bắc TP.

"Trong khi đó, trước đây khi chưa thông cầu vượt, chưa khai thác Nhà ga T3, TP.HCM đã tạo điều kiện cho khu dân cư trong khu vực, giảm tải áp lực giao thông trên đường Cộng Hòa bằng cách cho xe máy được chạy dưới cầu vượt, ngang qua ga T3.

Sau khi 2 công trình trên đưa vào khai thác thì xe máy không được phép lưu thông vì vậy hiện nay người dân sinh sống trên đường Hoàng Hoa Thám phải đi vòng, người dân phản ánh là đúng thực tế" - ông Giang nói.

Mục tiêu ban đầu của dự án như sau: Đường dưới cầu vượt phục vụ chính cho hoạt động của Nhà ga T3, đường phía trên cầu vượt mới dùng cho các loại xe lưu thông ngang qua để đi các quận, huyện phía Tây Bắc.

Mục đích của dự án này không phải phục vụ cho người dân trên đường Hoàng Hoa Thám, người dân có nhu cầu nên đi trên cầu vượt rồi vòng ngược lại. Việc này dẫn đến tuy người dân có đi xa một chút nhưng sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của Nhà ga T3.

Ông Nguyễn Kiên Giang - Phó trưởng Phòng Quản lý bảo trì và khai thác công trình giao thông.

Phòng Quản lý bảo trì và khai thác công trình giao thông cho biết đã cùng các đơn vị liên quan rà soát những bất cập và sắp tới sẽ thực hiện điều chỉnh phân luồng giao thông. Đơn cử như khu vực trạm thu phí, nhu cầu phương tiện rẽ trái (đi về trung tâm TP) rất lớn nên phía đơn vị quản lý sân bay và Sở Xây dựng thống nhất điều chỉnh cho 10 làn xe rẽ trái và 4 làn xe rẽ phải (hướng ra đường Trường Chinh).

 Đường dưới chân cầu chủ yếu phục vụ cho Nhà ga T3.

Đường dưới chân cầu chủ yếu phục vụ cho Nhà ga T3.

Các bên thống nhất mở dải phân cách trước nhà giữ xe ga T3 để tạo lối rẽ trái, quay đầu giúp xe từ hướng đường Trường Chinh, Hoàng Hoa Thám thuận lợi ra vào nhà giữ xe Nhà ga T3. Hướng ra đường 18E sẽ cấm xe máy rẽ trái để quay đầu, nhằm tránh gây xung đột với luồng xe từ ga T3 đi ra.

Theo các đơn vị đánh giá, xe có nhu cầu vào thẳng ga T3 từ đường 18E chiếm khoảng 6-8% tổng lượng xe. Trong khi đó, xe từ đường 18E rẽ phải ra hầm chui Phan Thúc Duyện để vào trung tâm TP.HCM lại chiếm phần lớn.

 TP.HCM sẽ điều chỉnh phân luồng giao thông nhà ga T3.

TP.HCM sẽ điều chỉnh phân luồng giao thông nhà ga T3.

Theo ông Giang, TP sẽ điều chỉnh phương án phân luồng trên đường 18E nhằm kết nối giao thông liền mạch, ưu tiên cho xe trong ga T3 đi ra để vào trung tâm TP. Xe đi hướng Tây Bắc cũng được chạy xuyên suốt dưới cầu vượt đi Nhà ga T3 hoặc ra đường Cộng Hòa

Đối với xe chạy trên cầu vượt, hướng vào trung tâm TP sẽ không phải quay đầu trên đường 18E, chạy liền mạch từ đường Cộng Hòa ra hầm chui Phan Thúc Duyện. Hướng ngược lại, dòng xe chạy đến chân cầu vượt cũng không xung đột với luồng xe trên đường 18E theo hướng Cộng Hòa đi vào ga T3 và lên cầu vượt. Việc phân luồng theo phương án thiết kế ban đầu giúp không còn tạo giao cắt, xung đột nên đảm bảo an toàn, hạn chế ùn tắc giao thông.

ĐÀO TRANG - NHƯ NGỌC

Nguồn PLO: https://plo.vn/se-dieu-chinh-phan-luong-giao-thong-xung-quanh-nha-ga-t3-post851048.html