Bảo vệ đất thế nào khi thâm canh tăng vụ?
Ở nhiều địa phương đang tồn tại thực trạng nông dân thâm canh tăng vụ quá mức nhưng chưa quan tâm bảo vệ 'sức khỏe' của đất dẫn tới hậu quả khó tránh khỏi là sâu bệnh, mất mùa.
Thâm canh tăng vụ mang lại nhiều sản phẩm hơn trong sản xuất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho nông dân nhưng cũng đặt ra nhiều vấn đề khi đất đai bị khai thác kiệt quệ; phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bị lạm dụng.
Nhiều hệ lụy
Xã Phạm Kha (Thanh Miện) là vùng trồng rau màu nổi tiếng của tỉnh. Với trình độ thâm canh cao, nông dân đã và đang khai thác triệt để đất đai để trồng rau màu. Hệ số sử dụng đất ở đây đạt 3,1 lần, trong khi bình quân của huyện chỉ 2,5 lần. Nhờ thâm canh tăng vụ, người dân nơi đây có của ăn, của để, đời sống khá giả. Nhưng cũng do việc khai thác đất quá mức đã dẫn đến nhiều hệ lụy trong sản xuất nông nghiệp. Bà Nguyễn Thị Hương ở thôn Đỗ Thượng cho biết: "Không hiểu làm sao năm nay sâu bệnh nhiều thế. Cách đây hơn 1 tháng, lứa hành nhà tôi bị sâu ăn hết không cho thu hoạch. Tình trạng này đã giảm nhưng hiện vẫn còn rất nhiều sâu. Chúng tôi phun thuốc nhưng sâu không chết nên phải bắt bằng tay".
Vụ dưa vừa qua, nhiều người dân ở xã Hưng Đạo (Tứ Kỳ) bị mất trắng. Theo phản ánh của người dân, lúc mới trồng, các loại dưa hấu, dưa lê, dưa hồng... đều lên xanh tốt nhưng chăm bón được 1-2 tháng thì dưa bị chết. Có những nhà đến lúc gần thu hoạch dưa vẫn bị chết. Người dân không biết dưa bị bệnh gì để phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cho phù hợp. "Nhà tôi có gần 7 sào trồng đủ các loại dưa nhưng không ruộng nào cho thu hoạch. Mỗi ruộng dưa bị chết, chúng tôi lỗ cả triệu đồng chi phí cây giống, phân bón, thuốc trừ sâu, đó là chưa kể công sức làm đất, chăm sóc", chị Nguyễn Thị Thủy ở thôn Ô Mễ, xã Hưng Đạo than thở.
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, nguyên nhân dẫn đến tình trạng cây rau màu bị chết, xuất hiện nhiều sâu bệnh là do người dân không có thói quen luân canh cây trồng. Các loại sâu bệnh tồn tại trong đất có xu hướng biến đổi, ngày càng thích nghi với môi trường sống. Sau mỗi vụ, nông dân không cày phá luống, phơi đất mà chỉ dùng cuốc hoặc máy làm đất xới trên bề mặt, thậm chí giữ nguyên nilon che phủ trên bề mặt ruộng dẫn đến mầm bệnh vẫn tồn tại trong đất. Không những thế, khi trồng cây mới lại đặt đúng vị trí của cây cũ đã cho thu hoạch nên vô tình đưa cây vào đúng "ổ bệnh". Mặc dù phân bón hóa học sử dụng tiện lợi, tốn ít công sức và cây trồng nhanh xanh tốt nhưng ít nông dân biết việc sử dụng quá nhiều phân hóa học sẽ làm thay đổi kết cấu đất, làm độ pH của đất giảm mạnh, dẫn đến đất bị chai sạn, bạc màu. Tình trạng người dân lạm dụng thuốc BVTV, không theo hướng dẫn vừa gây lãng phí thuốc, vừa khiến sâu bệnh kháng thuốc.
Thay đổi thói quen canh tác
Để thâm canh tăng vụ đạt hiệu quả cao nhưng vẫn bảo vệ được độ phì nhiêu, màu mỡ của đất là mục tiêu quan trọng trong bối cảnh đất sản xuất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp. Để làm được điều này, nông dân cần phải thay đổi thói quen trong sản xuất, chủ động áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp.
Bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết giải pháp hữu hiệu, ít tốn kém nhất là người dân phải thực hiện các biện pháp luân phiên cây trồng khác họ. Trong 1 năm, trên cùng một diện tích nên kết hợp cây trồng cạn và cây trồng nước. Đây là 2 môi trường hoàn toàn trái ngược nhau nên sẽ tiêu diệt được các vi sinh vật, mầm bệnh. Đối với những diện tích không luân canh được thì người dân nên chủ động bơm nước vào ruộng để ngâm từ 1-1,5 tháng/năm. Việc này sẽ giúp tiêu diệt môi trường thích nghi của mầm bệnh trong đất. Ở những nơi độ pH của đất thấp, người dân cần chủ động cải tạo để nâng độ pH của đất lên. Tùy mức độ pH khác nhau mà lượng bón vôi phù hợp, thường ở mức từ 30-60 kg vôi/sào. Nên bón vôi kết hợp với ngâm ruộng. Người dân cần hạn chế sử dụng phân hóa học, tích cực sử dụng phân chuồng, phân sinh học dù hiệu quả chậm hơn nhưng về lâu dài sẽ giúp đất duy trì được sự màu mỡ. Đặc biệt, người dân không nên lạm dụng quá mức các loại thuốc BVTV, chỉ nên dùng vừa phải, đúng liều lượng, theo hướng dẫn của cơ quan chức năng; nghiêm cấm sử dụng các loại thuốc cấm, thuốc không có trong danh mục.
Cùng với các giải pháp trên, nông dân không nên thâm canh tăng vụ quá mức vì đất đai cũng cần được nghỉ ngơi để ''hồi sức" sau mỗi mùa vụ. Người dân nên hạn chế trồng các loại cây trái vụ, bởi khi trồng trái vụ sẽ phải áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, thậm chí là sử dụng các loại thuốc, phân bón kích thích cho cây ra hoa, kết quả phù hợp. Sau mỗi mùa vụ, nông dân nên vệ sinh đồng ruộng sạch sẽ, thu gom vỏ thuốc BVTV, rác trên đồng ruộng. Nông dân cần chủ động bảo vệ "sức khỏe" của đất, bởi đất có "khỏe" thì cây trồng mới ít sâu bệnh.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/nong-nghiep/bao-ve-dat-the-nao-khi-tham-canh-tang-vu-142906