Bảo vệ doanh nghiệp trước hàng hóa xuyên biên giới
Thời gian gần đây, sự xuất hiện và quảng bá rầm rộ của sàn thương mại điện tử Temu đang gây xôn xao và được dư luận vô cùng quan tâm. Temu vốn là một sàn TMĐT xuyên biên giới, được thành lập bởi PDD Holdings (Trung Quốc). Được biết, sàn TMĐT này đã mở tính năng bán hàng tại Việt Nam và chạy quảng cáo rầm rộ. Điểm vượt trội của Temu khi so sánh với các đối thủ cạnh tranh khác là giá sản phẩm rẻ, nhờ vào mô hình kinh doanh kết nối trực tiếp giữa nhà sản xuất và khách hàng, loại bỏ các chi phí trung gian. Temu sẽ chi trả phần phí vận chuyển cho khách hàng, đặc biệt là giao hàng quốc tế. Nhờ đó, người mua được hưởng mức giá thấp mà không mất thêm phụ phí, khiến việc mua sắm trên sàn TMĐT này trở nên hấp dẫn hơn so với các đối thủ khác.
Sức ép đến từ đối thủ ngoại
Không chỉ Temu, Trung Quốc đã gia tăng xuất khẩu qua biên giới bằng nền tảng số và TMĐT, tiêu biểu như Tiktok Shop, Shopee, Lazada, Shein, Taobao, 1688… đã quen thuộc với người dân trong nước.
Các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là nhóm ngành sản xuất, đang rất e ngại trước làn sóng đổ bộ của các sàn TMĐT Trung Quốc như Temu với chính sách hàng hóa giá rẻ đang tràn vào thị trường Việt Nam.
Trao đổi với phóng viên, ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội đã phân tích các yếu tố khiến doanh nghiệp trong nước đang chịu áp lực lớn từ hàng nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt từ Trung Quốc. Đầu tiên chính là chi phí sản xuất cao. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, chi phí lao động, nguyên vật liệu và chi phí vận chuyển trong nước cao hơn so với Trung Quốc từ 10-20%.
Doanh nghiệp trong nước cũng bị thua kém về khả năng tiếp cận công nghệ so với các đối thủ từ nước ngoài. Theo ông Quốc Anh, tỷ lệ đầu tư vào công nghệ của doanh nghiệp Trung Quốc cao gấp 1,5-2 lần so với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong các ngành hàng tiêu dùng nhanh và điện tử.
Nhiều doanh nghiệp cũng gặp khó bởi các sàn TMĐT lớn như Alibaba, Taobao đang hỗ trợ mạnh mẽ cho doanh nghiệp Trung Quốc bán ra nước ngoài, bao gồm cả hỗ trợ về chi phí vận chuyển, giá ưu đãi và hỗ trợ pháp lý. Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn hơn khi muốn đưa hàng lên các sàn này do chi phí và rào cản ngôn ngữ, quy định nên chịu phần thiệt khi cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài.
Sớm can thiệp để bảo vệ doanh nghiệp trong nước
Trước thực trạng này, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, Chính phủ cần sớm đưa ra các biện pháp quản lý phù hợp đối với các sàn TMĐT xuyên biên giới. Đồng thời, cần sớm áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, điều tra chống bán giá để giúp doanh nghiệp “chống đỡ” trước sức tấn công mạnh mẽ từ hàng nhập ngoại giá rẻ. Đồng thời, cần sớm đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.
Mới đây, giải trình tại Quốc hội, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, Chính phủ sẽ bỏ quy định về miễn thuế VAT với hàng nhập giá trị nhỏ nhập khẩu. Việc Việt Nam không thu thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhỏ lẻ nhập khẩu có giá trị dưới 1 triệu đồng là thực hiện theo cam kết quốc tế tại Công ước Kyoto năm 1973 và được cụ thể hóa tại Quyết định số 78/2010.
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ sẽ đưa vào quy định tại dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng sửa đổi với nội dung: “Đối với hàng hóa có giá trị nhỏ, đều phải nộp thuế”. Điều này nhằm ngăn chặn tình trạng các sàn TMĐT xuyên biên giới thực hiện bán hàng giá rẻ vào thị trường, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Còn theo chia sẻ của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội, cần có các gói hỗ trợ tài chính, như ưu đãi vay vốn với lãi suất thấp, nhằm giúp doanh nghiệp cải tiến công nghệ và mở rộng sản xuất. Bên cạnh đó, cần sớm thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi số và phát triển hạ tầng logistics, qua đó phần nào hỗ trợ doanh nghiệp giảm bớt các chi phí.
Về lâu dài, bản thân các doanh nghiệp cần sớm tự nâng cao sức cạnh tranh, tạo lợi thế vững chắc trước hàng giá rẻ xuyên biên giới.