Bảo vệ động vật hoang dã từ ý thức, trách nhiệm của người dân

Thực hiện Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 23/7/2020 về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) đã vào cuộc quyết liệt với nhiều giải pháp đồng bộ và đã hạn chế căn bản tình trạng đánh bắt, giết mổ, tiêu thụ động vật hoang dã và tạo được ý thức của người dân trên lĩnh vực này.

Trong một lần vào Quảng Trị thăm người thân, ông Nguyễn Tiến Y ở thôn Lạc Tiến (Kỳ Bắc) gặp một nhóm người đi rừng mang theo 2 con khỉ đuôi dài vừa bắt được, rao bán. Ông đã mua 2 con khỉ này đem về nuôi nhốt tại nhà với mục đích làm cảnh. Sau này, mọi người mới biết cả 2 cá thể khỉ này có tên khoa học là Macaca fascicularis, thuộc nhóm IIB, mỗi con nặng gần 3 kg.

Ông Nguyễn Tiến Y (người đứng giữa) ở thôn Lạc Tiến (Kỳ Bắc) bàn giao 2 cá thể khỉ đuôi dài cho lực lượng chức năng và chính quyền địa phương.

Ông Nguyễn Tiến Y (người đứng giữa) ở thôn Lạc Tiến (Kỳ Bắc) bàn giao 2 cá thể khỉ đuôi dài cho lực lượng chức năng và chính quyền địa phương.

Cũng ở xã Kỳ Bắc, gia đình ông Dương Văn Hùng (thôn Nam Tiến) cũng vô tình mua 1 con khỉ vàng (khoảng 5kg) về nuôi làm cảnh, trong một lần lên vùng thượng của huyện Kỳ Anh.

Ông Dương Văn Hùng (người đứng thứ 4, phải sang) ở thôn Nam Tiến (xã Kỳ Bắc) bàn giao 2 ca thể khỉ đuôi dài cho lực lượng chức năng và chính quyền địa phương.

Ông Dương Văn Hùng (người đứng thứ 4, phải sang) ở thôn Nam Tiến (xã Kỳ Bắc) bàn giao 2 ca thể khỉ đuôi dài cho lực lượng chức năng và chính quyền địa phương.

Sau một thời gian nuôi nhốt, khi được cán bộ Kiểm lâm huyện tuyên truyền, vận động, nhận thức được khỉ đuôi dài, khỉ vàng là động vật được quy định trong danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý hiếm, các gia đình đã tự nguyện bàn giao cho cơ quan chức năng để chăm sóc và thả về tự nhiên.

Ông Dương Văn Hùng chia sẻ: “Ban đầu, gặp người đi rừng mang theo con khỉ, thấy thích thì tôi hỏi mua về nuôi cho vui chứ chưa biết được đây là loài động vật quý hiếm, nguy cấp (tên khoa học là Macaca Mulatta, thuộc nhóm IIB). Được cán bộ kiểm lâm giải thích, chúng tôi đã nhận thức được và sẵn sàng giao nộp cho lực lượng kiểm lâm để thả về rừng".

Không chỉ nâng cao nhận thức cá nhân, chính những người được vận động giao nộp lại trở thành tuyên truyền viên tích cực trong cộng đồng. Ngoài lan tỏa về ý thức bảo vệ động vật hoang dã, họ còn cung cấp các kiến thức về trách nhiệm pháp lý khi nuôi nhốt, buôn bán hoặc giết thịt động vật hoang dã cho bà con.

Cá thể chà vá chân nâu đi lạc vào gia đình ông Nguyễn Xuân Nin (thôn Phúc Độ, xã Kỳ Thượng) vào ngày 19/3/2023, đã được gia đình bàn giao cho lực lượng chức năng.

Cá thể chà vá chân nâu đi lạc vào gia đình ông Nguyễn Xuân Nin (thôn Phúc Độ, xã Kỳ Thượng) vào ngày 19/3/2023, đã được gia đình bàn giao cho lực lượng chức năng.

Kỳ Anh là địa phương có diện tích đất rừng rộng lớn với hệ động vật rừng khá phong phú, theo đó, tình trạng săn, bắt, giết mổ, vận chuyển, kinh doanh, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động vật hoang dã cũng diễn biến phức tạp.

Để chấn chỉnh và từng bước đẩy lùi thực trạng trên, bảo đảm thực thi nghiêm pháp luật về quản lý động vật hoang dã, thời gian qua, huyện Kỳ Anh đã có nhiều giải pháp tăng cường công tác kiểm soát các hành vi khai thác, săn, bắt, vận chuyển, tàng trữ, buôn bán, tiêu thụ và sử dụng động vật hoang dã.

Cá thể chà vá chân nâu được ông Nguyễn Xuân Nin (người đứng giữa) bàn giao cho lực lượng chức năng.

Cá thể chà vá chân nâu được ông Nguyễn Xuân Nin (người đứng giữa) bàn giao cho lực lượng chức năng.

Trong đó, đã tổ chức triệt phá dứt điểm các đường dây buôn bán động vật hoang dã trái phép; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra và thanh tra các cơ sở nuôi, kinh doanh động vật hoang dã về tuân thủ nguồn gốc hợp pháp, vệ sinh thú y. Đồng thời, tổ chức triển khai cho các cơ sở kinh doanh trên địa bàn ký cam kết về việc không mua bán, sử dụng, tiêu thụ, trưng bày, quảng cáo mẫu vật động vật hoang dã, các loài chim trời; kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Cá thể trăn đất được Đồn BP Kỳ Khang (BĐBP Hà Tĩnh) tiếp nhận trong cộng đồng và tiến hành bàn giao cho Vườn Quốc gia Vũ Quang vào ngày 27/3/2023.

Cá thể trăn đất được Đồn BP Kỳ Khang (BĐBP Hà Tĩnh) tiếp nhận trong cộng đồng và tiến hành bàn giao cho Vườn Quốc gia Vũ Quang vào ngày 27/3/2023.

Ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh cho biết, bên cạnh “mạnh tay” xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đánh bắt, mua bán, sử dụng, tiêu thụ động vật hoang dã, huyện đặc biệt coi trọng việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ động vật hoang dã. Nếu người dân không nhận thức được vai trò của mình và không hợp tác, tự nguyện tham gia bảo vệ động vật hoang dã thì lực lượng chức năng có mạnh đến đâu cũng không thể hoàn thành nhiệm vụ. Trong quá trình phối hợp thực hiện nhiệm vụ, huyện khuyến khích người dân nêu cao tinh thần đấu tranh tố giác các hành vi vi phạm pháp luật để bảo vệ môi trường, bảo vệ các loài động vật hoang dã, đặc biệt các loài đang có nguy cơ tuyệt chủng; đồng thời tích cực vận động người thân, bạn bè tham gia phòng ngừa, tố giác các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến động vật hoang dã nói chung, nhất là những loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ nói riêng".

Các cá thể rùa quý hiếm được chính quyền xã Kỳ Sơn và lực lượng chức năng tiếp nhận trong dân vào tháng 12/2022.

Các cá thể rùa quý hiếm được chính quyền xã Kỳ Sơn và lực lượng chức năng tiếp nhận trong dân vào tháng 12/2022.

Thời gian qua, lực lượng Kiểm lâm huyện Kỳ Anh đã phối hợp với các lực lượng chức năng trên toàn huyện tiến hành tuyên truyền, vận động, kiểm tra, truy quét và xử lý hàng trăm vụ việc liên quan đến công tác bảo vệ động vật hoang dã.

Tại xã Kỳ Phú, lực lượng chức năng đã ra quân phá bỏ các tụ điểm đánh bẫy chim trời trên các vòm cây...

Tại xã Kỳ Phú, lực lượng chức năng đã ra quân phá bỏ các tụ điểm đánh bẫy chim trời trên các vòm cây...

Riêng năm 2022, các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý 1 vụ tàng trữ, mua bán động vật hoang dã trái phép tại xã Lâm Hợp (69 cá thể còn sống; 23 cá thể đã chết); xử phạt 104 triệu đồng; 1 vụ tàng trữ 4 cá thể rùa hộp trán vàng miền Bắc tại xã Kỳ Thượng (đối tượng đã bị TAND huyện tuyên phạt 18 tháng tù cho hưởng án treo); 1 vụ nuôi nhốt trái phép 9 cá thể cầy vòi hương tại xã Kỳ Khang (đã xử phạt 65 triệu đồng); 1 vụ nuôi nhốt trái phép 4 cá thể cầy vòi hương tại xã Lâm Hợp (xử phạt 10 triệu đồng).

Vận động người dân tự nguyện giao nộp 27 cá thể động vật hoang dã (6 cá thể khỉ đuôi lợn, 5 cá thể khỉ vàng, 1 cá thể khỉ đuôi dài, 13 cá thể rùa (3 rùa hộp trán vàng miền Bắc; 8 rùa sa nhân; 1 rùa núi vàng; 1 rùa Sê-Pôn), 1 cá thể rắn hổ mang chúa, 1 cá thể trăn đất. Tổ chức bàn giao 86 cá thể (13 cầy vòi hương, 4 rùa hộp trán vàng, 69 cá thể các loài khác) do người dân giao nộp cho Vườn Quốc gia Vũ Quang tiếp nhận, chăm sóc để tái thả về môi trường tự nhiên.

... thu dọn các điểm đánh bắt chim trên cánh đồng...

... thu dọn các điểm đánh bắt chim trên cánh đồng...

Ngoài ra, các lực lượng chức năng của huyện cũng đã tiến hành kiểm tra, truy quét các điểm đánh bắt chim tự nhiên với 13 đợt cấp huyện, 18 đợt cấp xã với 315 lượt người tham gia; tổ chức 645 cuộc tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh; ký 18 bản cam kết; tiêu hủy 1.320 chim mồi giả, 70m2 lưới, 14.650 thẻ tre dính nhựa, phá dỡ 32 lùm lòi bẫy chim; thả về tự nhiên 88 con chim mồi sống.

Từ đầu năm 2023 đến nay, lực lượng chức năng phối hợp với chính quyền địa phương vận động người dân tự nguyện giao nộp hơn 10 cá thể động vật hoang dã quý hiếm: khỉ, rùa, trăn, chà vá..., sau đó bàn giao cho các đơn vị liên quan chăm sóc và thả về môi trường tự nhiên.

Phần lớn những kết quả trên đều có sự vào cuộc, hỗ trợ, tham gia tích cực của người dân, đặc biệt là trong việc tự nguyện giao nộp động vật hoang dã hay tố giác các hành vi vi phạm pháp luật có liên quan đến động vật hoang dã. Đơn vị tiếp tục tham mưu cho huyện tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về bảo vệ các loài chim tự nhiên di cư, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường sinh thái đến mọi tầng lớp nhân dân; vận động người dân tích cực tham gia tố giác các hành vi liên quan đến săn bắn, đặt bẫy chim tự nhiên trái phép. Đồng thời, tăng cường lực lượng liên ngành tuần tra, kiểm tra, truy quét triệt để các ổ nhóm, các tụ điểm chặt phá, khai thác rừng, mua bán, vận chuyển, cất giữ, chế biến lâm sản, động vật rừng, chim tự nhiên trái pháp luật...

Ông Nguyễn Đình Lưu

Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Kỳ Anh

Vũ Huyền

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/xa-hoi/bao-ve-dong-vat-hoang-da-tu-y-thuc-trach-nhiem-cua-nguoi-dan/247408.htm