Bảo vệ hành lang an toàn lưới điện

Trong những năm gần đây, chiến dịch tuyên truyền bảo vệ an toàn hành lang lưới điện (HLLĐ) luôn được các địa phương và ngành điện quan tâm, nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc phối hợp bảo vệ an toàn HLLĐ và bảo vệ tài sản, tính mạng của bà con. Tuy nhiên, việc quản lý, vận hành bảo đảm an toàn HLLĐ tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do một bộ phận người dân chủ quan, trồng cây trong HLLĐ, xây dựng công trình dưới đường dây điện… dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây sự cố lưới điện và tai nạn do điện gây ra.

Trong những năm gần đây, chiến dịch tuyên truyền bảo vệ an toàn hành lang lưới điện (HLLĐ) luôn được các địa phương và ngành điện quan tâm, nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc phối hợp bảo vệ an toàn HLLĐ và bảo vệ tài sản, tính mạng của bà con. Tuy nhiên, việc quản lý, vận hành bảo đảm an toàn HLLĐ tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh còn gặp nhiều khó khăn do một bộ phận người dân chủ quan, trồng cây trong HLLĐ, xây dựng công trình dưới đường dây điện… dẫn đến tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây sự cố lưới điện và tai nạn do điện gây ra.

Hành lang an toàn lưới điện bao gồm đường dây trên không, đường dây cáp ngầm và hành lang bảo vệ an toàn trạm điện. Khi hành lang an toàn lưới điện bị xâm hại, khả năng xảy ra sự cố mất điện, ảnh hưởng đến quy trình cung cấp điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và sinh hoạt thường ngày của khách hàng là rất cao. Tại tỉnh Hà Nam, tình trạng người dân: tự ý cơi nới, xây dựng nhà ở, công trình nằm trong hành lang an toàn lưới điện cao áp; trồng cây trong và sát HLLĐ; tự chặt, khai thác cây nhưng không phối hợp với đơn vị quản lý vận hành lưới điện; thả diều, vật bay vướng vào lưới điện cao áp... đang làm tăng nguy cơ mất an toàn lưới điện và đe dọa đến tính mạng sức khỏe của người dân.

Công nhân PC Hà Nam đang kiểm tra hành lang an toàn lưới điện cao áp.

Công nhân PC Hà Nam đang kiểm tra hành lang an toàn lưới điện cao áp.

Xuất phát từ thực tế đó, Công ty Điện lực Hà Nam (PC Hà Nam) đã tăng cường công tác kiểm tra, rà soát lưới điện, kịp thời phát hiện và xử lý những tồn tại liên quan đến hành lang an toàn lưới điện. Đồng thời, PC Hà Nam cũng chỉ đạo các điện lực trực thuộc thường xuyên tổ chức kiểm tra, phát quang cây cối nằm trong hành lang an toàn và cây cối ngoài hành lang an toàn có nguy cơ khi đổ chạm vào đường dây sẽ làm phóng điện, gây sự cố lưới điện. Đối với các điểm nguy hiểm, hay xảy ra vi phạm, ngành điện cho cắm biển cảnh báo và yêu cầu các điện lực phối hợp cùng chính quyền địa phương, công an các xã, phường, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền về Luật Điện lực, các quy định của pháp luật về an toàn điện. Để bảo đảm an toàn, Đội Quản lý vận hành lưới điện cao thế Hà Nam đã lập kế hoạch giảm thiểu vi phạm; thường xuyên kiểm tra, rà soát HLLĐ cao áp nhằm kịp thời phát hiện các tồn tại để có biện pháp xử lý; phối hợp với chính quyền trong giải quyết, chặt tỉa cây vi phạm hành lang an toàn lưới điện; cắm biển cảnh báo an toàn, thông báo đến người dân các vị trí vi phạm hành lang để phòng tránh tai nạn điện; phân công cán bộ, công nhân viên trực tiếp đến nhà dân và các cơ quan, đơn vị có hệ thống lưới điện cao áp đi qua để vận động thực hiện ký cam kết bảo đảm an toàn lưới điện cao áp; tổ chức giải tỏa vi phạm HLLĐ. Trong 8 tháng đầu năm 2023, PC Hà Nam đã thực hiện gần 500 lệnh công tác, chặt cây tỉa cành gần 1.000 vị trí, tương ứng với hơn 1210 cây,… vi phạm hành lang an toàn lưới điện.

Ông Lưu Đại Nghĩa, Giám đốc Điện lực Phủ Lý cho biết: Khó khăn nhất vẫn là công tác phối hợp xử lý các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện do cơi nới, xây dựng nhà ở, chặt tỉa, loại bỏ các cây vi phạm vào hành lang lưới điện. Hằng năm Điện lực thành phố đều tổ chức các đợt ra quân giải tỏa vi phạm HLLĐ. Hầu hết các hộ dân ban đầu đều không đồng tình, thậm chí quyết liệt phản đối vì ảnh hưởng đến lợi ích và cả kinh tế của họ. Tuy nhiên, sau nhiều lần được cán bộ điện lực và các cấp chính quyền kiên trì tuyên truyền, phân tích, khuyến cáo, nhiều hộ gia đình đã nhận thức được sự nguy hiểm về hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện đã đồng thuận phối hợp với ngành điện thực hiện công tác giải tỏa vi phạm, từ đó hạn chế và ngăn chặn các vi phạm phát sinh.

Công nhân PC Hà Nam tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân tích cực tham gia bảo vệ hành lang an toàn lưới điện. Ảnh: Trần Thoan

Đối với hệ thống lưới truyền tải điện 220 – 500 kV, đi qua địa bàn tỉnh, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã đề nghị địa phương nâng cao ý thức bảo vệ lưới điện, thực hiện toàn dân bảo vệ an toàn hệ thống lưới truyền tải điện Quốc gia, có biện pháp ngăn ngừa kịp thời các hành vi xâm hại gây mất an toàn cho hệ thống truyền tải điện, tuyên truyền vận động nhân dân không leo trèo lên cột, buộc dây ném đá và các vật lạ lên dây tải điện; không thả diều gần trạm và hành lang lưới truyền tải điện 220 – 500 kV; không tháo lấy cắp bu lông, thanh giằng, biển báo an toàn và dây tiếp địa cột; trồng cây, vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp; tự ý san lấp, làm nhà và các công trình trong hành lang lưới điện khi chưa được phép của chính quyền địa phương và đơn vị quản lý vận hành lưới điện.

Theo báo cáo của PC Hà Nam, giai đoạn 2016 - 2020 công suất sử dụng điện trên địa bàn tỉnh tăng trưởng trung bình 15,5%/năm; Giai đoạn năm 2020-2022 Pmax tăng 8,88%. Trong 8 tháng đầu năm 2023, công suất sử dụng lớn nhất Pmax của tỉnh Hà Nam đạt 678 MW, tăng 4,3% so với cùng kỳ 2022. Để bảo đảm an toàn cho hành lang lưới điện và cấp ổn định liên tục cho khách hàng, UBND tỉnh đã yêu cầu Sở Công thương chỉ đạo đơn vị quản lý công trình điện lập hồ sơ quản lý, xác định mốc chỉ giới hành lang an toàn để bàn giao cho các địa phương quản lý; kiểm tra, xử lý các hành vi, vi phạm hành lang an toàn công trình lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật; hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng và triển khai thực hiện phương án bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh; tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật về bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp và xử phạt vi phạm an toàn hành lang lưới điện cao áp đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

Với sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, công tác bảo đảm hành lang an toàn lưới điện trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ rệt, từng bước nâng cao nhận thức trong các tầng lớp nhân dân về tác hại của việc vi phạm hành lang an toàn lưới điện, góp phần bảo vệ an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân và hạn chế sự cố mất điện.

Trần Hữu

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/doi-song/bao-ve-hanh-lang-an-toan-luoi-dien-103751.html