Bảo vệ khách hàng thông qua sinh trắc học

Để bảo vệ người sử dụng dịch vụ ngân hàng tốt hơn trước tình trạng lừa đảo, gian lận qua mạng mà vẫn tối ưu 'trải nghiệm', lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đưa ra quyết sách mạnh mẽ, đúng đắn là triển khai áp dụng đối chiếu thông tin sinh trắc học trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng.

Theo đó, Quyết định số 2345/QĐ-NHNN ngày 18-12-2023 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định, kể từ ngày 1-7-2024, các giao dịch thanh toán trực tuyến từ 10 triệu đồng/lần, từ 20 triệu đồng/ngày phải được xác thực bằng thông tin sinh trắc học.

Báo cáo của Ủy ban Thương mại Liên bang của Hoa Kỳ (Federal Trade Commission - FTC) cho biết, đã có 2,6 triệu báo cáo về gian lận, lừa đảo thanh toán vào năm 2023, với tổng thiệt hại khoảng 10 tỷ USD. Còn tại Việt Nam, theo thông tin của Bộ Công an, tổng số tiền người dân bị lừa đảo trên mạng năm 2023 là từ 8.000 đến 10.000 tỷ đồng.

Trước những thực trạng đó, việc đẩy mạnh triển khai áp dụng đối chiếu thông tin sinh trắc học trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng được coi là biện pháp tối ưu trong việc giữ an toàn thông tin giao dịch cho khách hàng. Chỉ sau 1 tháng triển khai, Quyết định số 2345/QĐ-NHNN đã khẳng định là quyết định đúng đắn thể hiện qua những con số “biết nói”. Cụ thể, chỉ trong tháng 8-2024, số vụ việc gian lận trên toàn ngành ngân hàng được ghi nhận chỉ còn 700 vụ việc, giảm 50% so với trung bình của 7 tháng đầu năm 2024; số lượng tài khoản liên quan đến lừa đảo, gian lận được sử dụng trong tháng 8 chỉ còn khoảng 682 tài khoản, giảm khoảng 72% so với số lượng trung bình 7 tháng đầu năm 2024.

 Khách hàng tự xác thực sinh trắc học trên điện thoại thông minh. Ảnh: HUY THÀNH

Khách hàng tự xác thực sinh trắc học trên điện thoại thông minh. Ảnh: HUY THÀNH

Còn sau hơn 3 tháng triển khai Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, số lượng vụ lừa đảo đã giảm đến 50%, số lượng tài khoản nhận tiền lừa đảo cũng giảm hơn 70% so với trung bình 7 tháng năm 2024. Một số đơn vị đã không phát sinh vụ việc lừa đảo, gian lận trong tháng 8 và tháng 9-2024. Việc áp dụng quy định này đã có tác dụng tích cực trong việc bảo vệ quyền lợi của khách hàng, đảm bảo chính chủ khi sử dụng các dịch vụ liên quan đến tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử. Nhờ đó, góp phần hạn chế tình trạng lừa đảo, gian lận chuyển tiền vào các tài khoản, thẻ, ví mua, bán, thuê, mượn của các đối tượng lừa đảo.

Tiếp theo Quyết định số 2345/QĐ-NHNN, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kịp thời ban hành hàng loạt các Thông tư quy định về mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử (Thông tư số 17/2024/TT-NHNN, Thông tư số 18/2024/TT-NHNN, Thông tư số 40/2024/TT-NHNN). Một trong các điểm mấu chốt của 3 Thông tư này là nhằm tăng cường bảo vệ khách hàng trước hành vi gian lận, lừa đảo. Theo đó, kể từ ngày 1-1-2025, chủ tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử là cá nhân phải đối chiếu thông tin thông tin sinh trắc học để thực hiện rút tiền, giao dịch thanh toán bằng phương tiện điện tử. Sau ngày 1-1-2025, nếu chưa thực hiện đối chiếu thông tin sinh trắc học hoặc điện thoại chưa có giao tiếp trường gần (NFC) thì khách hàng có thể đến thực hiện giao dịch tại quầy, được nhân viên hỗ trợ để giao dịch trực tuyến bình thường.

Các quy định này có điểm chung là nhằm kiểm tra, xác minh thông tin sinh trắc học của chủ tài khoản, chủ thẻ, chủ ví để đảm bảo các “ví tiền” này được mở và sử dụng bởi chính chủ, góp phần hạn chế việc tội phạm sử dụng giấy tờ tùy thân giả mạo, không chính chủ để mở và thực hiện giao dịch qua tài khoản, ví điện tử, thẻ ngân hàng; đồng thời bảo đảm tính pháp lý của giấy tờ tùy thân của khách hàng, nâng cao trách nhiệm của ngân hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cũng như của khách hàng trong việc quản lý rủi ro về thông tin cá nhân và đảm bảo an ninh, bảo mật trong quá trình sử dụng các “ví tiền” trực tuyến.

Có thể nói, đối chiếu thông tin sinh trắc học là một giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo tính chính xác và bảo mật trong ngành ngân hàng. Hơn ai hết, khách hàng cần nâng cao ý thức bảo vệ quyền lợi tài sản của mình, đơn giản chỉ là cập nhật căn cước công dân gắn chíp và đối chiếu thông tin sinh trắc học sớm trước thời điểm 1-1-2025, giúp bảo vệ tài sản của mình an toàn hơn.

ANH VIỆT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/bao-ve-khach-hang-thong-qua-sinh-trac-hoc-801252