Bảo vệ 'kho báu' đa dạng sinh học: Việt Nam cần kiểm soát chặt các tác động

Để góp phần phát triển xanh bền vững trong thời gian tới, việc quan trọng cần làm là phải kiểm soát chặt chẽ các tác động lên đa dạng sinh học, đặc biệt là tác động từ các dự án phát triển.

Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Việt Nam là quốc gia có tính đa dạng sinh học cao, đứng thứ 16 trên thế giới với nhiều loài sinh vật nguy cấp, quý, hiếm, nguồn gen hoang dã,... có giá trị, tầm quan trọng quốc gia, quốc tế.

Tuy nhiên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học đang chịu sức ép lớn từ phát triển kinh tế, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, suy thoái rừng và sự xâm lấn của các loài ngoại lai. Đây không chỉ là mối quan tâm của quốc gia, mà còn phản ánh một cuộc khủng hoảng - đe dọa đến các yếu tố nền tảng quan trọng của nền kinh tế, an ninh lương thực, đặc biệt là sức khỏe.

Trao đổi với báo chí xoay quanh vấn đề trên, Tiến sỹ Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho rằng để góp phần phát triển xanh bền vững trong thời gian tới, việc quan trọng cần làm là phải kiểm soát chặt chẽ các tác động lên đa dạng sinh học, đặc biệt là tác động từ các dự án phát triển.

Nguồn vốn quan trọng cho phát triển bền vững

- Đầu tiên, xin bà cho biết hiện trạng đa dạng sinh học tại Việt Nam, cũng như tầm quan trọng của việc bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh hiện nay?

Tiến sỹ Hoàng Thị Thanh Nhàn: Việt Nam là một trong 16 quốc gia sở hữu đa dạng sinh học cao nhất thế giới với 3 nhóm hệ sinh thái cơ bản. Đó là hệ sinh thái trên cạn, hệ sinh thái đất ngập nước, và hệ sinh thái biển.

Theo báo cáo đa dạng sinh học quốc gia, Việt Nam đã ghi nhận được hơn 62.600 loài sinh vật, trong đó hàng năm liên tục phát hiện thêm nhiều động, thực vật mới, trong đó ghi nhận 106 loài đặc hữu tại Việt Nam.

Nước ta cũng là một trong các trung tâm nguồn gen cây trồng và vật nuôi của thế giới, gồm hơn 6.000 giống lúa, khoảng 800 loài cây trồng và là nguồn gốc của khoảng 887 giống vật nuôi.

Các hệ sinh thái tự nhiên ở nước ta phong phú, đa dạng. Đây được xem là nguồn vốn tự nhiên quan trọng cho phát triển bền vững nhiều ngành kinh tế, đặc biệt đối với nông, lâm, ngư nghiệp, du lịch và dược liệu.

Thực tế, đa dạng sinh học góp phần to lớn cho an ninh lương thực, sinh kế cho người dân; duy trì nguồn gen vật nuôi, cây trồng; cung cấp các vật liệu cho xây dựng và các nguồn nhiên liệu, dược liệu.

Đa dạng sinh học còn tạo nên cảnh quan thiên nhiên; là cội nguồn của nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp của người dân Việt Nam; đảm bảo cơ sở cho phát triển bền vững của đất nước. Bảo tồn đa dạng sinh học cũng là giải pháp quan trọng để tăng cường khả năng chống chịu của xã hội và thích ứng với biến đổi khí hậu toàn cầu.

Sự độc đáo, đa dạng sinh học của nước ta là một lợi thế của thiên nhiên ban tặng, là vốn tự nhiên quan trọng để phát triển đất nước, có ý nghĩa không chỉ đối với thế hệ hôm nay mà còn đối với các thế hệ mai sau. Vậy, hiến pháp và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật và Nhà nước đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đa dạng sinh học đối với việc phát triển bền vững của quốc gia.

- Vậy trong thời gian qua, Việt Nam đã có những nỗ lực thế nào để thực hiện các mục tiêu toàn cầu về đa dạng sinh học?

Tiến sỹ Hoàng Thị Thanh Nhàn: Từ nhiều năm nay, Việt Nam là nước có trách nhiệm đối với quốc tế trong vấn đề bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu thông qua việc tham gia và thực hiện các Điều ước quốc tế về đa dạng sinh học. Chúng ta cũng đã nội luật hóa các quy định, hướng dẫn của các điều ước quốc tế trong nhiều bộ luật quan trọng liên quan trực tiếp đến bảo tồn đa dạng sinh học.

Minh chứng là Chính phủ Việt Nam đã thông qua Nghị quyết 05/NQ-CP ngày 15/1/2021 về việc về việc phê duyệt chủ trương Việt Nam ủng hộ Cam kết của các Nhà Lãnh đạo thế giới về thiên nhiên nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh về Đa dạng sinh học trong khuôn khổ Khóa họp lần thứ 75 của Đại hội đồng Liên hợp quốc và đã thông qua Khung toàn cầu Côn Minh-Montreal tại Hội nghị lần thứ 15 các bên tham gia Công ước đa dạng sinh học năm 2022.

Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, các tổ chức và nhân dân, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức cả khách quan và chủ quan, song chúng ta đã giữ gìn, đầu tư, phát triển diện tích che phủ rừng của nước đạt 42,02%, tương đương 13.927.122ha; thành lập 178 khu bảo tồn thiên nhiên; 11 khu Dự trữ sinh quyển thế giới, 3 khu Di sản thiên nhiên thế giới, 12 Vườn di sản ASEAN, 4 Công viên địa chất toàn cầu, 9 Vùng đất ngập nước tầm quan trọng quốc tế (Khu Ramsar) đã được quốc tế công nhận.

 Tiến sỹ Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Nông nghiệp và Môi trường. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Tiến sỹ Hoàng Thị Thanh Nhàn - Phó Cục trưởng Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học, Bộ Nông nghiệp và Môi trường. (Ảnh: Hoài Nam/Vietnam+)

Công tác bảo tồn loài, nguồn gen cũng đã được chú trọng thực hiện và đạt được nhiều thành tựu. Nhờ đó, đa dạng sinh học mang lại các giá trị phục vụ đời sống và sự phát triển bền vững của các ngành kinh tế.

Các mục tiêu, nội dung chủ yếu về bảo tồn đa dạng sinh học đã được xác định cụ thể trong Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với các yêu cầu đặt ra của Khung toàn cầu về đa dạng sinh học Côn Minh- Montreal. Các nội dung trên cũng đã được lồng ghép, thể hiện trong các chiến lược của nhiều ngành, lĩnh vực và cụ thể hóa thành các Kế hoạch, chương trình, đề án, nhiệm vụ để triển khai. Việc thực hiện thành công các chính sách này sẽ đóng góp tích cực trong việc đạt được các mục tiêu toàn cầu về đa dạng sinh học.

Kiểm soát chặt các tác động lên đa dạng sinh học

- Theo bà, trong thời gian tới, Việt Nam cần chú trọng thực hiện những giải pháp gì để thúc đẩy công tác bảo tồn đa dạng sinh học?

Tiến sỹ Hoàng Thị Thanh Nhàn: Trong thời gian tới, Cục Bảo tồn thiên nhiên và Đa dạng sinh học với vai trò là cơ quan đầu mối đối với Công ước Đa dạng sinh học, sẽ tiếp tục thúc đẩy xây dựng các mối quan hệ đối tác; huy động sự tham gia của các bên liên quan; tăng cường hợp tác quốc tế để thực hiện các mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học theo yêu cầu của Công ước Đa dạng sinh học và Chiến lược quốc gia về đa dạng sinh học đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ngoài ra, một số giải pháp cần tổ chức triển khai trong thời gian tới, theo tôi là cần hoàn thiện pháp luật, thể chế quản lý dạng sinh học bảo đảm thống nhất quản lý đa dạng sinh học, phù hợp với các cam kết quốc tế và tình hình thực tiễn giai đoạn mới; tăng cường năng lực thực thi pháp luật về đa dạng sinh học.

Cùng với đó, chúng ta cần lồng ghép bảo tồn đa dạng sinh học trong các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch của các ngành kinh tế, đặc biệt là nông, lâm, ngư nghiệp, du lịch, giao thông, năng lượng, sử dụng đất; huy động nguồn lực tổ chức thực hiện Chiến lược quốc gia và về đa dạng sinh học và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học trong các quy hoạch, kế hoạch có liên quan.

Chúng ta cũng cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức để tăng cường trách nhiệm trong việc thực hiện các mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học; huy động sự tham gia của cộng đồng và khu vực tư nhân và các bên liên quan tham gia công tác bảo tồn, phục hồi, sử dụng bền vững đa dạng sinh học.

Đặc biệt là cần kiểm soát chặt chẽ các tác động lên đa dạng sinh học, nhất là tác động từ các dự án phát triển thông qua việc thực hiện tốt đánh giá môi trường chiến lược và đánh giá tác động môi trường; mở rộng hợp tác quốc tế và chuyển giao công nghệ, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học; thiết lập, tăng cường hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu về đa dạng sinh học; ứng dụng công nghệ thông tin, thúc đẩy chuyển đổi số trong quản lý di sản thiên nhiên, đa dạng sinh học.

Với những giải pháp như vậy, hy vọng thời gian tới, Việt Nam sẽ giải quyết được thách thức lớn nhất hiện nay là hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế-xã hội với bảo vệ môi trường nói chung, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học nói riêng./.

Trân trọng cảm ơn bà!

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bao-ve-kho-bau-da-dang-sinh-hoc-viet-nam-can-kiem-soat-chat-cac-tac-dong-post1040046.vnp