Bảo vệ 'lá phổi xanh' của Thủ đô trong mùa nắng nóng
Trong những ngày qua, tại các tỉnh, thành phố phía Bắc liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy rừng nghiêm trọng. Tại Hà Nội, mới đây (tối 19-4), tại Vườn quốc gia Ba Vì cũng xảy ra cháy rừng, nguyên nhân chính là do thời tiết hanh khô, ít mưa và sự bất cẩn của con người gây ra.
Trước nhiệm vụ bảo vệ hiệu quả “lá phổi xanh” của Thủ đô, đặc biệt trong mùa nắng nóng sắp tới, phóng viên Báo Hànôịmới đã có cuộc trao đổi với Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội (Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội) Nguyễn Tiến Lâm về các giải pháp phòng, chống cháy rừng.
Chủ động phòng ngừa cháy rừng
- Mùa hè 2025 được dự báo sẽ xảy ra nhiều đợt nắng nóng gay gắt. Để đối phó với nguy cơ cháy rừng, Chi cục Kiểm lâm Hà Nội đã chuẩn bị những phương án gì để phòng ngừa và ứng phó, thưa ông?

Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Hà Nội Nguyễn Tiến Lâm. Ảnh: Đức Duy
- Thành phố Hà Nội có hơn 27.000ha rừng và đất quy hoạch lâm nghiệp, tập trung ở 7 huyện, thị xã: Sơn Tây, Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và Sóc Sơn. Trong số này, diện tích có rừng khoảng 18.342ha, tỷ lệ che phủ đạt 5,52%, bao gồm diện tích rừng tự nhiên 7.593ha và rừng trồng 10.749ha. Diện tích chưa thành rừng là hơn 8.732ha; trong đó diện tích đã trồng rừng nhưng chưa đạt tiêu chí trở thành rừng là 1.022ha; diện tích khoanh nuôi tái sinh gần 316ha và diện tích khác khoảng 7.394ha.
Mùa nắng nóng năm nay dự báo sẽ kéo dài và gay gắt. Do đó, công tác phòng, chống cháy rừng được Chi cục Kiểm lâm Hà Nội coi là một trong những nhiệm vụ cấp bách, đặc biệt trong bối cảnh tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp. Theo đó, Chi cục đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội triển khai các phương án để hạn chế nguy cơ cháy rừng.
Cụ thể, Chi cục thực hiện rà soát lại tất cả phương án phòng cháy, chữa cháy rừng tại các khu vực trọng điểm, như: Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức và ở những khu rừng giáp ranh với các tỉnh: Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Thái Nguyên để chủ động phối hợp xử lý sự cố cháy rừng. Chi cục cũng chỉ đạo các hạt kiểm lâm giám sát và kiểm tra liên tục tình hình thời tiết, cũng như sự thay đổi của các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ cháy.
Ngoài ra, Chi cục còn yêu cầu 100% chủ rừng và UBND cấp xã ban hành phương án quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng; sẵn sàng huy động lực lượng ứng cứu kịp thời khi có cháy rừng xảy ra theo phương châm “bốn tại chỗ”.
- Ông có thể chia sẻ chi tiết hơn về các giải pháp cụ thể mà Hà Nội triển khai để phòng, chống cháy rừng trong mùa nắng nóng năm 2025?
- Các giải pháp mà Hà Nội triển khai đều nhằm chủ động phòng ngừa cháy rừng. Cụ thể, Chi cục đã và đang phối hợp với các cơ quan truyền thông, chính quyền các cấp tuyên truyền về nguy cơ cháy rừng trong mùa nắng nóng. Các buổi tuyên truyền được tổ chức trực tiếp ngay tại các khu dân cư, trường học, nhất là những khu vực giáp ranh với khu rừng trọng điểm ở huyện Sóc Sơn, Ba Vì, Mỹ Đức và những địa bàn có nguy cơ cháy rừng cao. Mục tiêu là nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo vệ rừng, không đốt nương rẫy, không xử lý thực bì bằng lửa trong mùa nắng nóng.
Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cũng đã xây dựng hệ thống quan sát, quản lý rừng qua hệ thống camera theo dõi cảnh báo sớm cháy rừng thông minh trên địa bàn huyện Sóc Sơn. Camera có độ phân giải cao, tính năng xoay 360 độ, hỗ trợ giám sát rừng cả ngày và đêm trong phạm vi bán kính khoảng 10km. Đồng thời, Chi cục chỉ đạo các hạt kiểm lâm quản lý địa bàn có rừng thường xuyên theo dõi cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm tại địa chỉ website: kiemlam.org.vn để kịp thời xử lý, ngăn chặn các vụ cháy rừng xảy ra. Ngoài ra, Chi cục còn sử dụng các hệ thống cảnh báo qua điện thoại di động và ứng dụng công nghệ, giúp người dân và các cơ quan chức năng phản ứng kịp thời khi có sự cố.
Một trong những yếu tố quan trọng trong công tác phòng, chống cháy rừng là sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng. Ngành Kiểm lâm Hà Nội cũng tổ chức các cuộc diễn tập, phối hợp giữa các lực lượng kiểm lâm, công an, quân đội và các cơ quan liên quan, nhằm chuẩn bị tốt nhất cho công tác ứng phó khi có sự cố cháy rừng xảy ra. Theo đó, các đơn vị luôn sẵn sàng triển khai phương án chữa cháy ngay khi phát hiện cháy rừng, nhằm giảm thiểu thiệt hại.
Đặc biệt, các khu vực có dự báo cháy rừng ở cấp IV (cấp nguy hiểm) và cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), Chi cục Kiểm lâm Hà Nội chỉ đạo các trạm kiểm lâm và chốt bảo vệ rừng hoạt động 24/24 giờ trong mùa nắng nóng. Các trạm này có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát thường xuyên, nhằm phát hiện và xử lý kịp thời các dấu hiệu cháy rừng, không để cháy lan, cháy lớn xảy ra.
Nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ rừng
- Trong những năm qua, cháy rừng thường xảy ra do hành vi bất cẩn của con người. Vậy, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội có những biện pháp gì để ngăn chặn tình trạng này, thưa ông?
- Đúng vậy, một trong những nguyên nhân chính gây cháy rừng là do hành vi bất cẩn của con người. Chẳng hạn như đốt nương rẫy, đốt ong, khách du lịch nấu ăn trong rừng hoặc không tuân thủ các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Để ngăn chặn tình trạng này, lực lượng kiểm lâm và chính quyền địa phương có rừng thường xuyên tổ chức tuyên truyền và giáo dục cộng đồng về tác hại của việc đốt nương rẫy và các hành vi sử dụng lửa trong rừng. Chỉ cần một chút sơ ý của con người là có thể gây ra cháy rừng nghiêm trọng. Khi đó, không chỉ gây thiệt hại về tài nguyên rừng, ô nhiễm môi trường, mà còn ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và cuộc sống của người dân.
Chi cục cũng tổ chức kiểm tra, giám sát chặt chẽ các khu vực có nguy cơ cháy rừng cao. Việc phối hợp với các địa phương và cơ quan chức năng sẽ giúp tăng cường công tác kiểm tra và giám sát hành vi vi phạm của người dân. Những người cố tình vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, nhằm răn đe và ngăn chặn hành vi gây cháy rừng.

Lực lượng kiểm lâm Hà Nội tuyên truyền để người dân bảo vệ rừng khu vực giáp ranh tại huyện Ba Vì.
- Chỉ với một sơ ý nhỏ có thể gây cháy, đốt trụi cánh rừng trong khoảng thời gian ngắn. Nhưng để cây biến thành rừng, cần đến hàng chục năm. Với vai trò là lãnh đạo ngành Kiểm lâm Hà Nội, ông có lời khuyên gì dành cho người dân trong công tác phòng, chống cháy rừng?
- Mỗi người dân cần nâng cao ý thức bảo vệ rừng, không chỉ trong mùa nắng nóng, mà trong cả năm. Việc bảo vệ rừng là trách nhiệm của tất cả chúng ta và mỗi hành động nhỏ, như không vứt tàn thuốc bừa bãi, đều góp phần bảo vệ tài nguyên rừng quý giá. Đặc biệt, trong mùa nắng nóng, người dân tuyệt đối không đốt nương rẫy, xử lý thực bì bằng lửa và không thực hiện các hoạt động có nguy cơ gây hại cho rừng. Nếu phát hiện dấu hiệu cháy hoặc các hành vi gây hại cho rừng, người dân cần báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý kịp thời.
Chúng tôi cũng khuyến khích người dân tham gia các lớp tập huấn, các khóa học về phòng cháy, chữa cháy để ứng phó hiệu quả khi gặp sự cố cháy rừng. Chỉ khi cộng đồng cùng chung tay bảo vệ rừng, chúng ta mới có thể giảm thiểu được nguy cơ cháy rừng và bảo vệ được những cánh rừng xanh mát, mang lại lợi ích lâu dài cho Thủ đô và mỗi người dân.
- Về phía mình, ngành Kiểm lâm Hà Nội còn triển khai những nhiệm vụ trọng tâm gì?
- Công tác quản lý, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng là nhiệm vụ trọng tâm. Do đó, Chi cục đã tham mưu nhiều văn bản cho Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND thành phố thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về lâm nghiệp. Chi cục tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực hiện công vụ tại các đơn vị trực thuộc; phối hợp với lực lượng kiểm lâm các tỉnh lân cận bảo vệ tốt diện tích rừng giáp ranh; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng trong nhân dân về bảo vệ rừng; thường trực phòng cháy, chữa cháy rừng 24/24 giờ trong cao điểm hanh khô và nắng nóng...
Chi cục Kiểm lâm Hà Nội cũng kiến nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các huyện, thị xã có rừng hỗ trợ lực lượng kiểm lâm trong công tác điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; hoàn thành việc rà soát hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp theo Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 18-2-2022 của UBND thành phố Hà Nội. Đồng thời, Chi cục kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành liên quan hoàn thiện công tác giao đất gắn với giao rừng; điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ, sản xuất) và tổ chức cắm mốc ranh giới rừng ngoài thực địa tại các huyện, thị xã có rừng.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bao-ve-la-phoi-xanh-cua-thu-do-trong-mua-nang-nong-700517.html