Bảo vệ lao động nữ, góc nhìn từ Ban Nữ công
Sau 5 năm triển khai Nghị quyết số 12b/NQ-BCH của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam về Ban Nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, ghi nhận không chỉ tăng về số lượng, mà chất lượng hoạt động của Ban Nữ công quần chúng ngày càng rõ nét, hiệu quả. Đặc biệt, Ban Nữ công quần chúng đã thể hiện và phát huy được vai trò trong việc tham mưu chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho lao động nữ.
Thực hiện tốt công tác tham mưu chế độ, chính sách
Bà Đỗ Hồng Vân - Quyền Trưởng Ban Nữ công Tổng LĐLĐ Việt Nam cho biết, nhằm phát huy vai trò của Ban Nữ công quần chúng trong việc tham mưu chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho lao động nữ, ngày 12/7/2017, Ban Chấp hành Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 12b/NQ-BCH về Ban Nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước.
Nghị quyết ra đời nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của Ban Chấp hành Công đoàn doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước, nhất là người đứng đầu trong chỉ đạo hoạt động của Ban Nữ công quần chúng, tạo ra sự kết nối bền vững của mạng lưới Ban Nữ công Công đoàn các cấp. Thông qua Ban Nữ công quần chúng tại Công đoàn cơ sở, tâm tư, nguyện vọng của lao động nữ đã kịp thời được phản ánh tới người sử dụng lao động để điều chỉnh, giải quyết xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa hơn.
Theo đánh giá của Tổng LĐLĐ Việt Nam, sau 5 năm triển khai Nghị quyết, số lượng, chất lượng hoạt động của Ban Nữ công quần chúng đã có những thay đổi tích cực và hoạt động đi vào nền nếp, bài bản hơn. Cụ thể, theo báo cáo của 75 LĐLĐ tỉnh, thành phố, Công đoàn ngành Trung ương và tương đương, số Ban Nữ công quần chúng hiện có 74.833, tăng 4.529 đơn vị so với đầu nhiệm kỳ. Đáng chú ý, tỷ lệ doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước thành lập Ban Nữ công quần chúng theo đúng quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam đã đạt 80%.
“Qua hoạt động hằng năm cho thấy, vai trò tham mưu của Ban Nữ công quần chúng được nâng lên rõ rệt; đại diện, tham gia thương lượng nhiều chính sách có lợi hơn cho lao động nữ; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của lao động nữ để tham mưu chăm lo, hỗ trợ, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho lao động nữ; tổ chức đa dạng các hoạt động chăm lo đời sống tinh thần cho lao động nữ dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, Ngày Thành lập Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam 20/10...”, bà Đỗ Hồng Vân nhấn mạnh.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, thực tế cũng đặt ra nhiều thách thức đối với nữ công nhân lao động và tổ chức Công đoàn, đó là: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tạo ra nhiều thách thức về việc làm đối với lao động nữ, nhất là trong những ngành nghề có đông lao động nữ; gia tăng bất bình đẳng giới… đã và sẽ tác động không nhỏ đến đời sống, gia đình, việc làm, các nhu cầu tinh thần của nữ công nhân lao động.
Do đó, tại hội thảo bàn giải pháp thúc đẩy thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công quần chúng doanh nghiệp ngoài khu vực Nhà nước do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức mới đây, các cán bộ Công đoàn làm công tác Nữ công đã đề xuất, kiến nghị những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới nhằm tiếp tục thực hiện tốt việc thành lập và nâng cao chất lượng hoạt động Ban Nữ công quần chúng.
Giải quyết kịp thời, thỏa đáng nhu cầu chính đáng của lao động nữ
Từ thực tiễn hoạt động, bà Kiều Anh - Công đoàn các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội đề xuất, để nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Nữ công quần chúng đối với Công đoàn cơ sở khu vực ngoài Nhà nước, Ban Chấp hành Công đoàn cần xây dựng được Quy chế phối hợp hoạt động với lãnh đạo doanh nghiệp nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ, tạo điều kiện của người sử dụng lao động trong quá trình hoạt động của tổ chức Công đoàn. Với Ban Nữ công, cần lựa chọn nhân sự tham gia Ban Nữ công quần chúng có trình độ, năng lực, trách nhiệm, tâm huyết để tham mưu cho Ban Chấp hành Công đoàn cơ sở, người sử dụng lao động thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến lao động nữ.
“Cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ Công đoàn nói chung và cán bộ Ban Nữ công quần chúng nói riêng để nâng cao trình độ, năng lực cho cán bộ Công đoàn. Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, cần xây dựng cho được đội ngũ cán bộ Công đoàn có lập trường chính trị vững vàng; có trình độ và kiến thức về khoa học kỹ thuật, pháp luật, quản lý kinh tế xã hội; có kiến thức và phương pháp vận động, tập hợp quần chúng… trên cơ sở đó mới có thể thực hiện tốt chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ công nhân, viên chức, lao động”, bà Kiều Anh nhấn mạnh.
Đồng thuận với quan điểm trên, từ thực tiễn hoạt động tại cơ sở, bà Nguyễn Thanh Hà - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Hyun Jung Vina (tỉnh Bắc Ninh) kiến nghị: Công đoàn cấp trên cần tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác Nữ công ở cơ sở để vững về kỹ năng, giỏi về nghiệp vụ góp phần thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới, xây dựng tổ chức Công đoàn ngày càng phát triển vững mạnh.
Với Ban Nữ công quần chúng tại cơ sở, bà Hà cho rằng, cần tăng cường phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn tham mưu với lãnh đạo doanh nghiệp việc thực hiện chế độ, chính sách đối với lao động nữ, như: Tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hộ lao động và đặc biệt là các chính sách, chế độ riêng đối với phụ nữ khi tham gia lao động… giải quyết kịp thời, thỏa đáng các nhu cầu chính đáng của lao động nữ, nhất là quan tâm cải thiện mức sống và điều kiện lao động cho lao động nữ.
Nêu thực tế việc phát huy chức năng, nhiệm vụ và hiệu quả của Ban Nữ công quần chúng vẫn bị hạn chế, các hoạt động phong trào vẫn còn mang tính chất nhanh chóng, gọn nhẹ, chưa thật sự chu đáo đúng theo tinh thần của hoạt động, bà Vũ Thị Chanh - Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nishoku Technology Việt Nam (tỉnh Hải Dương) cho rằng: Cần xây dựng đội ngũ Ban Nữ công quần chúng phải có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, có tâm huyết với công tác được giao, là trung tâm đoàn kết và luôn lắng nghe ý kiến tâm tư nguyện vọng chính đáng của lao động nữ.
Cán bộ nữ công phải gần gũi và thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của lao động nữ; kịp thời phản ánh những trường hợp khó khăn với Ban Chấp hành Công đoàn để có biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ nữ công nhân lao động. Đồng thời, mỗi cán bộ nữ công cần làm tốt vai trò cầu nối tạo sự gắn kết giữa Ban lãnh đạo doanh nghiệp và người lao động để nắm bắt các quyền lợi chính đáng hợp pháp, hiểu rõ những nghĩa vụ cần tuân thủ thực hiện./.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/bao-ve-lao-dong-nu-goc-nhin-tu-ban-nu-cong-140843.html