Bảo vệ môi trường cạnh tranh trong nền kinh tế số, kinh nghiệm từ Canada

Việc Canada điều tra Amazon với hành vi lợi dụng vị thế độc quyền là bài học lớn đối với Việt Nam về bảo vệ môi trường cạnh tranh trong nền kinh tế số.

Cuộc điều tra lịch sử

Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia (Bộ Công Thương) cho biết, Canada vừa hoàn thành cuộc điều tra lịch sử đối với Amazon - Tập đoàn thương mại điện tử lớn nhất thế giới với các hành vi bị nghi ngờ là lợi dụng vị thế độc quyền để bóp nghẹt sự cạnh tranh, gây thiệt hại cho các nhà bán hàng và người tiêu dùng.

Theo đó, vào tháng 8/2023, Cục Cạnh tranh Canada công bố kết quả điều tra kéo dài từ năm 2021 nhằm vào Amazon. Đây là một trong những cuộc điều tra quan trọng nhất của Canada trong lĩnh vực thương mại số, có tác động sâu rộng đến bối cảnh kinh tế toàn cầu.

“Cuộc điều tra nhắm vào các hành vi bị nghi ngờ là lợi dụng vị thế độc quyền của Amazon để bóp nghẹt sự cạnh tranh, gây thiệt hại cho các nhà bán hàng và người tiêu dùng” - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho hay.

Những phát hiện của Cục Cạnh tranh Canada với các hành vi của Amzon gồm việc ép buộc sử dụng dịch vụ Fulfillment by Amazon (FBA). Theo đó, Amazon yêu cầu các nhà bán hàng bên thứ ba phải sử dụng dịch vụ này để được hưởng lợi thế hiển thị sản phẩm và tham gia chương trình “Prime”. Điều này khiến các nhà bán hàng nhỏ chịu chi phí cao, giảm khả năng cạnh tranh với sản phẩm do chính Amazon cung cấp.

Bên cạnh đó, Amazon đưa ra điều khoản hạn chế giá. Cụ thể, trang thương mại điện tử đã áp đặt điều khoản ngăn cản nhà bán hàng giảm giá trên các nền tảng khác. Điều này làm tăng giá bán lẻ, ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng.

“Amazon còn ưu tiên sản phẩm nhãn hiệu riêng. Theo đó, với thuật toán hiển thị, sản phẩm của Amazon được điều chỉnh để ưu tiên sản phẩm mang thương hiệu riêng, gây bất lợi cho các đối thủ” - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia thông tin.

Canada điều tra Amazon về các hành vi lợi dụng vị thế độc quyền để bóp nghẹt sự cạnh tranh, gây thiệt hại cho các nhà bán hàng và người tiêu dùng. Ảnh minh họa

Canada điều tra Amazon về các hành vi lợi dụng vị thế độc quyền để bóp nghẹt sự cạnh tranh, gây thiệt hại cho các nhà bán hàng và người tiêu dùng. Ảnh minh họa

Theo Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh Việt Nam, các hành vi nêu trên của Amazon dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng trong nhiều khía cạnh như: Làm suy yếu các nhà bán hàng nhỏ, bởi các doanh nghiệp nhỏ không thể cạnh tranh công bằng và buộc phải phụ thuộc hoàn toàn vào hệ thống của Amazon. Điều này làm giảm sự đa dạng và sáng tạo trên thị trường.

Cùng đó, điều khoản hạn chế giá của Amazon làm giảm tính cạnh tranh về giá trên các nền tảng khác, khiến người tiêu dùng phải chịu mức giá cao hơn. Đáng chú ý, nhiều doanh nghiệp nhỏ đã bị đẩy ra khỏi thị trường vì không thể đáp ứng các yêu cầu chi phí cao và sự chèn ép từ Amazon.

Với các hành vi vi phạm đó, Cục Cạnh tranh Canada đã đưa ra một loạt các biện pháp để đối phó. Theo đó, Amazon bị phạt 120 triệu CAD (tương đương 90 triệu USD) vì vi phạm Luật Cạnh tranh. “Đây là một trong những mức phạt cao nhất từng được áp dụng đối với một tập đoàn công nghệ tại Canada” - Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh Việt Nam cho hay.

Ngoài ra, Amazon bị buộc phải loại bỏ các điều khoản ngăn cản nhà bán hàng giảm giá trên các nền tảng khác; đồng thời, phải sửa đổi thuật toán để đảm bảo không ưu tiên sản phẩm nhãn hiệu riêng, tạo điều kiện cạnh tranh công bằng cho mọi nhà bán hàng. “Sàn thương mại điện tử này phải cung cấp thông tin rõ ràng về cách xếp hạng và hiển thị sản phẩm, nhằm đảm bảo sự công bằng cho tất cả các đối tượng tham gia” - phán quyết của Cục Cạnh tranh Canada.

Amazon đã phản đối quyết định này và tuyên bố cân nhắc kháng cáo. Tuy nhiên, động thái của Cục Cạnh tranh nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các tổ chức đại diện doanh nghiệp nhỏ và các hiệp hội thương mại điện tử. Ông James Robertson, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Canada, nhận định: “Đây là một bước tiến lớn trong việc bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ khỏi sự thao túng của các tập đoàn công nghệ lớn. Quyết định này không chỉ bảo vệ các nhà bán hàng mà còn góp phần cải thiện toàn diện môi trường kinh doanh số. Phán quyết này cũng được coi là thông điệp mạnh mẽ gửi đến các tập đoàn công nghệ rằng không ai đứng trên luật pháp, bất kể quy mô hay sức ảnh hưởng của họ”.

Bài học cho Việt Nam

Theo Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, từ vụ điều tra Amazon tại Canada, có nhiều bài học thiết thực cho Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ.

Thứ nhất, là cần hoàn thiện khung pháp lý. Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh cho rằng, Việt Nam cần xây dựng và cập nhật các quy định pháp luật để xử lý hiệu quả các hành vi lợi dụng vị thế độc quyền trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Thứ hai, cần tăng cường năng lực thực thi, bởi việc nâng cao năng lực cho các cơ quan chức năng trong giám sát và xử lý hành vi vi phạm cạnh tranh là cần thiết để đảm bảo tính minh bạch và công bằng.

Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, các chính sách hỗ trợ cần được triển khai để bảo vệ doanh nghiệp nhỏ khỏi sự chèn ép của các tập đoàn công nghệ lớn, từ đó tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Thứ tư, đẩy mạnh hợp tác quốc tế. “Việt Nam nên học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia như Canada trong việc xử lý các tập đoàn công nghệ toàn cầu. Hợp tác quốc tế cũng giúp tăng cường khả năng thực thi và xây dựng chính sách phù hợp” - Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho hay.

Có thể nói, cuộc điều tra Amazon tại Canada là minh chứng rõ ràng cho quyết tâm của các cơ quan quản lý trong việc bảo vệ môi trường cạnh tranh minh bạch và công bằng. Phán quyết này không chỉ tạo ra tiền lệ quan trọng cho các quốc gia khác mà còn gửi đi thông điệp mạnh mẽ rằng, sự thao túng của các tập đoàn công nghệ lớn sẽ không được dung thứ.

“Đối với Việt Nam, đây là cơ hội để rút kinh nghiệm và tăng cường các biện pháp quản lý, nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của nền kinh tế số. Một môi trường cạnh tranh lành mạnh không chỉ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển dài hạn cho các doanh nghiệp trong nước” - Cơ quan điều tra vụ việc cạnh tranh khẳng định.

Bộ Công Thương vừa có tờ trình đề nghị xây dựng Luật Thương mại điện tử. Dự thảo luật đã đưa ra thêm biện pháp quản lý, trong đó quy định rõ về các hình thức hoạt động thương mại điện tử, chủ thể tham gia, quyền và nghĩa vụ của các chủ thể, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; yêu cầu thêm trách nhiệm với chủ sàn thông tin hàng hóa, dịch vụ và phân loại hàng hóa trong nước hay nước ngoài bán trên nền tảng, cung cấp thông tin định kỳ, báo cáo về tình hình kinh doanh trên nền tảng…

Lê Na

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bao-ve-moi-truong-canh-tranh-trong-nen-kinh-te-so-kinh-nghiem-tu-canada-371369.html