Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững
Bình Phước nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có diện tích lớn nhất khu vực Đông Nam Bộ. Đây là điều kiện, lợi thế vô cùng quan trọng về điều kiện tự nhiên, không gian, khoảng cách an toàn để phát triển ngành chăn nuôi công nghiệp, quy mô lớn. Tuy có nhiều điều kiện thuận lợi nhưng để giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường đối với ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi heo là vô cùng gian nan. Để giải quyết vấn đề này, ngoài ý thức, trách nhiệm của mỗi tổ chức, cá nhân thì cần nguồn đầu tư lớn trong xây dựng hệ thống xử lý xả thải.
Trách nhiệm với môi trường
Có 5 ha đất sản xuất cùng với niềm đam mê chăn nuôi từ lâu nhưng chưa có thời gian, điều kiện để triển khai thực hiện, chỉ đến năm 2022, khi nghỉ hưu theo chế độ, ông Trương Tất Hải, ngụ ấp 5, xã Minh Lập, thị xã Chơn Thành mới tham khảo các quy trình, quy định, thành lập Công ty TNHH MTV chăn nuôi Hải Băng và xin chủ trương đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi heo. Ông Hải chia sẻ: Khó khăn, trở ngại lớn nhất đối với chăn nuôi heo là công tác xử lý chất xả thải nhằm đảm bảo, giữ gìn môi trường trong lành cho trang trại, người dân ở xung quanh. Muốn làm được điều đó phải đầu tư xây dựng hệ thống xử lý đúng quy trình do các ngành chức năng hướng dẫn thực hiện.
Trang trại chăn nuôi của Công ty TNHH MTV chăn nuôi Hải Băng có 4 chuồng, quy mô 5.000 con heo thịt. Chỉ tính riêng hệ thống xử lý chất xả thải công suất 100m3/ngày, đêm đã tốn 3 tỷ đồng. Qua 2 năm đầu tư xây dựng, đến nay công ty mới nuôi lứa heo đầu tiên; trong đó, hệ thống xử lý nước thải đang trong giai đoạn chạy thử nghiệm và từng bước hoàn thiện vào cuối năm nay. Điều đó cho thấy, việc đầu tư xử lý môi trường trong nuôi heo gian nan và tốn kém nhiều chi phí, công sức.
Thăm trang trại chăn nuôi của Công ty TNHH chăn nuôi Hòa Phước thuộc Tập đoàn Hòa Phát, đứng chân ở thôn Phu Mang 3, xã Long Hà, huyện Phú Riềng chúng tôi mới cảm nhận được sự quan tâm đầu tư lớn vào hệ thống xử lý xả thải. Trang trại được đầu tư xây dựng nằm tách biệt hoàn toàn với khu dân cư, có diện tích 78 ha. Trong đó, trại Long Hà 1 diện tích 50 ha, quy mô 6.000 con heo nái, 11.700 con heo thịt được đầu tư đầy đủ công trình, hạng mục riêng biệt, gồm: khu hành chính, nhà ăn, nhà ở, trại chăn nuôi, khu xử lý chất thải. Riêng hệ thống xử lý nước thải có 2 mô-đun hoạt động song song với công suất hơn 2.000m3/ngày, đêm cùng với hệ thống quan trắc tự động, hệ thống ép phân với tổng kinh phí gần 20 tỷ đồng. Công trình chính thức hoạt động từ tháng 11-2022. Được quan tâm đầu tư, xử lý bài bản, đúng quy trình nên không xuất hiện mùi hôi thối ở xung quanh cũng như khi vào tận trang trại.
Bí thư Chi bộ thôn Phu Mang 3 Nguyễn Xuân Lục cho biết: “Trại heo Hòa Phước được các cấp đồng ý cấp phép xây dựng tại địa bàn thôn rất lớn, hiện đại. Từ quy mô, diện tích, hệ thống máy móc, đặc biệt là hệ thống xử lý nước thải được đầu tư xây dựng bài bản đạt chuẩn về quy trình, quy định, không gây ô nhiễm môi trường và có như thế mới phát triển bền vững. Ngoài đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở điện, đường, trang trại còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, nhất là người dân tộc thiểu số”.
“Để phát triển bền vững, vấn đề cốt lõi được công ty chú trọng và đề cao là xử lý môi trường. Làm sao đảm bảo môi trường trong lành, xanh, sạch, giảm thiểu mùi hôi, không gây ô nhiễm. Và hiện hệ thống xử lý nước thải đầu ra đạt tiêu chuẩn cột A, đảm bảo theo quy định” - anh Nguyễn Thanh Tuấn, quản lý Công ty TNHH chăn nuôi Hòa Phước khẳng định.
Hiện Công ty TNHH chăn nuôi Hòa Phước đang tiếp tục đầu tư trại heo Long Hà 2 với quy mô 46.800 con heo thịt, diện tích 28 ha; trong đó hệ thống xử lý nước thải công suất 3.000m3/ngày, đêm. Ngoài chú trọng công tác môi trường, việc đầu tư trang trại quy mô lớn đã giải quyết việc làm cho 200 lao động với mức thu nhập từ 8-8,5 triệu đồng/người/tháng. Và khi trại Long Hà 2 hoạt động sẽ tạo thêm việc làm cho khoảng 120 lao động phổ thông. Cùng với đó, công ty đã đầu tư xây dựng hơn 3km đường nhựa, 7km đường điện trung thế, đảm bảo an sinh trên địa bàn.
Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế
Địa bàn tỉnh Bình Phước hiện có khoảng 200 doanh nghiệp chăn nuôi quy mô lớn, tập trung hoạt động. Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Đức Bá cho biết: Nhìn chung, các trang trại chăn nuôi được cấp phép thực hiện đúng quy định pháp luật; đã đầu tư xây dựng các công trình xử lý xả thải để xử lý chất thải phát sinh. Tuy nhiên, do đặc thù của ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi heo nên việc xử lý mùi hôi phát sinh khó triệt để, trong số đó vẫn còn doanh nghiệp chưa chấp hành nghiêm các quy định, xả thải chưa qua xử lý ra môi trường; việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu mùi hôi không thường xuyên, triệt để làm ảnh hưởng đến người dân xung quanh.
Khi có sự cố xảy ra, Sở TN&MT đã yêu cầu các trang trại tăng cường biện pháp giảm thiểu mùi hôi phát sinh theo hồ sơ môi trường đã được phê duyệt. Theo ông Bá, để hạn chế tối đa mùi hôi, các trang trại cần tăng cường phun chế phẩm sinh học khử mùi, trồng cây có tán xung quanh khu vực chăn nuôi, lắp đặt hệ thống phun sương và lưới chắn phía sau các quạt thông gió của dãy chuồng nuôi…
Thực tế, việc xử lý mùi hôi phát sinh từ quá trình chăn nuôi thời gian qua đã được các trang trại quan tâm, chú trọng hơn với nhiều biện pháp, đặc biệt là các trang trại mới. Có được kết quả đó là nhờ công tác thẩm định, đánh giá tác động môi trường, cấp phép hoạt động được Sở TN&MT thực hiện kỹ, bài bản theo đúng quy định. Đến nay, mùi hôi từ phần lớn các trang trại chăn nuôi đã giảm nhiều.
Cũng theo ông Nguyễn Đức Bá, chủ trương của tỉnh và ngành TN&MT là không đánh đổi môi trường để lấy phát triển kinh tế. Trong quá trình thanh, kiểm tra nếu phát hiện doanh nghiệp, trang trại chăn nuôi xả thải gây ô nhiễm sẽ xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.