Bảo vệ môi trường - Hành động không ngưng nghỉ! (kỳ 2)
Kỳ 2: Tuần hoàn rác mang lợi ích kép
Xuất phát từ thực tế, TS Võ Anh Khuê, Phó Trưởng phòng Quản lý chất lượng và nghiên cứu khoa học (Trường cao đẳng Công Thương miền Trung) cho ra đời nhiều đề tài gắn với rác thải và công tác bảo vệ môi trường. Từ đây, một số đơn vị, địa phương áp dụng hiệu quả và lan tỏa những giá trị tốt đẹp ra cộng đồng.
Từ sáng kiến của thầy giáo…
Cuối năm 2020, TS Võ Anh Khuê đã nghiên cứu thùng ủ phân compost từ rác hữu cơ. Kết quả đã xây dựng được nguyên lý chung về ủ rác hiếu khí tự nhiên trong thùng kín với dòng khí hướng lên. Từ nguyên lý này, TS Khuê đã thiết kế, chế tạo thành công thùng ủ phân compost, mở ra vòng đời mới cho rác hữu cơ. Tiếp đó, ông còn nghiên cứu quy trình nâng cao chất lượng nước tẩy rửa sinh học từ rác thực vật; nghiên cứu thiết bị lọc và khuấy đa năng hỗ trợ việc sản xuất nước tẩy rửa sinh học từ vỏ trái cây; nghiên cứu tái xử lý chất thải sau khi ủ lên men thành chế phẩm sinh học phục vụ xử lý rác thải…
TS Trần Kim Quyên, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công Thương miền Trung, cho biết: Những nghiên cứu của TS Võ Anh Khuê rất sát thực tế, hữu dụng trong cuộc sống. Nghiên cứu Quy trình nâng cao chất lượng nước tẩy rửa sinh học từ rác thực vật của TS Khuê đã đạt giải ba tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 9 (năm 2021). Nghiên cứu Thiết bị lọc và khuấy đa năng hỗ trợ việc sản xuất nước tẩy rửa sinh học từ vỏ trái cây đã đạt sáng kiến cấp tỉnh năm 2021 và đạt giải nhì tại Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Phú Yên lần thứ 9 (năm 2021)… Đặc biệt, tất cả kết quả nghiên cứu của nhà trường đều chuyển giao công nghệ cho các địa phương để hướng dẫn cộng đồng ứng dụng, góp phần phân loại, xử lý rác, giảm lượng rác thải từ nguồn.
… đến vòng đời mới cho rác
HTX Nông nghiệp, kinh doanh tổng hợp Đồng Din (thị trấn Phú Hòa, huyện Phú Hòa) là đơn vị tiên phong sản xuất nước tẩy rửa sinh học bằng vỏ trái cây từ sáng kiến của TS Khuê. Sản phẩm này của HTX được UBND tỉnh chứng nhận OCOP 3 sao đầu tiên đối với dòng nước tẩy rửa sinh học. Ông Nguyễn Hoàng Chương, Giám đốc HTX Nông nghiệp, kinh doanh tổng hợp Đồng Din cho biết: Mỗi tháng HTX sản xuất khoảng 400-500 lít nước rửa chén và nước lau sàn sinh học, được phân phối ở nhiều tỉnh thành như TP Hồ Chí Minh, TP Hà Nội, TP Đà Nẵng, Đắk Lắk, Tiền Giang… góp phần lan tỏa thông điệp rác sẽ là tài nguyên nếu được phân loại, xử lý đúng cách.
Từ mô hình của HTX Nông nghiệp, kinh doanh tổng hợp Đồng Din đã tạo tiền đề cho sự ra đời của các sản phẩm nước tẩy rửa của các tổ chức khác trong tỉnh. Hiện tỉnh có thêm 2 sản phẩm nước tẩy rửa sinh học của HTX Nông nghiệp, dịch vụ tổng hợp Chóp Chài (xã Hòa An, huyện Phú Hòa) và CLB Phụ nữ xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) được chứng nhận OCOP 3 sao. Bà Nguyễn Thị Ánh Hồng, Chủ tịch Hội LHPN xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), cho biết: Sau khi được chuyển giao công nghệ, các chị em tham gia thu gom các loại rác thải hữu cơ như vỏ cam, chanh, bưởi, thơm… tại các chợ, điểm bán trái cây, nước ép trong toàn thành phố với số lượng khoảng 400kg mỗi ngày để làm nước rửa chén sinh học. Sản phẩm không chỉ được ưa chuộng nội tỉnh mà đang tiêu thụ rất mạnh tại TP Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, bã thải sau khi sản xuất nước tẩy rửa sinh học lại chính là nguyên liệu đầu vào quan trọng, giúp hạn chế sinh mùi hôi trong quá trình ủ chung với rác thải hữu cơ, làm ra sản phẩm phân bón thân thiện với môi trường đã được nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh ứng dụng.
Bắc cầu cho nông nghiệp sạch
Là vùng chuyên canh hoa, rau màu của thành phố nên lượng rác thải hữu cơ phát sinh hàng ngày ở xã Bình Ngọc rất lớn. Năm 2021, Sở TN&MT, Trường cao đẳng Công Thương miền Trung triển khai mô hình thùng ủ phân compost tại địa phương với mục tiêu “hồi sinh” rác.
Với 20 thùng ủ được hỗ trợ ban đầu, hiện người dân xã Bình Ngọc chủ động nhân rộng việc ủ rác thành phân tại mỗi hộ gia đình. Không có thùng ủ, bà con linh động tạo đống ủ phủ bạc ngay trong vườn nhà, vừa giải quyết rác thải vừa có phân sạch bón ruộng vườn. Bà Trương Thị Sinh ở thôn Ngọc Phước 2, xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa) cho biết: Tham gia mô hình tôi mới phân biệt được đâu là rác hữu cơ, rác vô cơ, biết xử lý rác thành sản phẩm có ích. Toàn bộ lượng rác hữu cơ của gia đình đều cho vào ủ phân, điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn giúp gia đình có phân bón để sản xuất hoa màu.
Trong ảnh:
Học sinh một trường mầm non đang trải nghiệm thu hoạch rau an toàn tại ruộng rau ở Bình Ngọc. Ảnh: NGỌC CHUNG
Xã Bình Ngọc có làng nghề trồng rau, hoa màu nên nguồn phân hữu cơ này vô cùng hữu ích để phát triển vùng rau, hoa màu an toàn. Hiện nay, toàn xã Bình Ngọc có 58 hội viên phụ nữ tham gia mô hình “Phụ nữ sản xuất rau an toàn năng suất cao, vì sức khỏe cộng đồng”. Mô hình đã mang lại hiệu quả cao, làm tăng thu nhập trên cùng một diện tích sản xuất với thu nhập bình quân từ 180-200 triệu đồng/ha/năm.
Phát triển nông nghiệp sạch chính là minh chứng thiết thực nhất cho sự chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Ông Lê Văn Phiện, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Ngọc cho biết: Phát triển nông nghiệp sạch cũng là định hướng lâu dài của địa phương, vì sức khỏe cộng đồng, vì môi trường thiên nhiên sạch, an toàn, bền vững, góp phần xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp và an toàn.
Theo ông Huỳnh Huy Việt, Trưởng phòng Tổng hợp - Đánh giá tác động môi trường (Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh): Đến nay, phương pháp xử lý rác hữu cơ bằng thùng ủ hiếu khí đã phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường, không phá vỡ tính mỹ quan tại khu dân cư, được đông đảo người dân hưởng ứng. Các địa phương đang nhân rộng mô hình ủ rác tập trung, ủ phân hữu cơ bằng thùng hiếu khí, đã có nhiều cụm dân cư và hơn 340 hộ dân trên địa bàn tỉnh tham gia mô hình.
Kỳ 3: Nỗ lực trên hành trình biến rác thành tài nguyên
Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/76/320273/bao-ve-moi-truong-hanh-dong-khong-ngung-nghi-ky-2.html