Bảo vệ môi trường, hướng đến phát triển bền vững

Những năm qua, tốc độ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh diễn ra ngày càng nhanh cùng với các hoạt động chế biến, sản xuất, kinh doanh gia tăng nên không tránh khỏi tác động đến môi trường. Để đảm bảo điều kiện sản xuất và sức khỏe nhân dân, tỉnh ta đã và đang triển khai quyết liệt các giải pháp bảo vệ môi trường (BVMT), khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống.

Cán bộ và nhân dân thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì) thu gom, xử lý rác thải.

Cán bộ và nhân dân thị trấn Vinh Quang (Hoàng Su Phì) thu gom, xử lý rác thải.

Nhận thức rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của BVMT đối với sự phát triển KT – XH, những năm qua, tỉnh ta luôn chú trọng tập trung lãnh, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác BVMT. Tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, cụ thể hóa các quy định của pháp luật về BVMT, làm cơ sở cho các cấp, các ngành triển khai thực hiện. Các huyện, thành phố cũng ban hành kế hoạch, chương trình hành động BVMT, thu gom và xử lý rác thải.

Các cấp, ngành đã tập trung tuyên truyền sâu, rộng đến cán bộ, đảng viên và nhân dân Luật BVMT năm 2014, Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ và các chính sách về BVMT. Công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng được thực hiện với các hình thức phong phú như: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền trực quan bằng pano, áp phích, khẩu hiệu, tờ rơi; thông qua các hội thi theo hình thức sân khấu hóa; lồng ghép với các buổi họp thôn, sinh hoạt hội, đoàn thể… góp phần nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc chung tay BVMT.

Với phương châm phát triển KT – XH gắn kết hài hòa với công tác BVMT, UBND tỉnh đã lồng ghép công tác BVMT vào các quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển của tỉnh. Thực hiện các dự án trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng; lồng ghép công tác BVMT với các chương trình, dự án giảm nghèo của tỉnh, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới. Triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ và phát triển rừng nhằm nâng tỷ lệ che phủ rừng. Tỉnh đã tiến hành quy hoạch ba loại rừng, trong đó xác định rõ những khu vực rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất làm căn cứ triển khai các biện pháp bảo vệ và phát triển rừng.

Các dự án đầu tư phát triển trên địa bàn đều được xem xét, đánh giá tác động môi trường trước khi phê duyệt dự án. Trong năm 2020, trên cơ sở tham mưu, thẩm định của các sở, ngành, UBND tỉnh đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của 10 dự án thuộc lĩnh vực thủy điện, trồng rừng và dược liệu, với tổng vốn đầu tư là 1.903,7 tỷ đồng. Trong quá trình thẩm định, các dự án đều được đánh giá tác động môi trường một cách cụ thể, chi tiết; các ngành chức năng đặc biệt quan tâm đến công nghệ cũng như những tác động về môi trường của dự án đến khu vực.

Việc kiểm soát, xử lý, giảm thiểu phát sinh các nguồn gây ô nhiễm môi trường được tỉnh đặc biệt chú trọng. Chất thải rắn sinh hoạt được các địa phương chủ động thu gom và xử lý; chất thải y tế được các cơ sở tự thu gom, phân loại, xử lý theo quy định, đạt tỉ lệ 100%. Chất thải rắn công nghiệp có quy mô lớn, nhất là đất, đá thải từ hoạt động khai thác khoáng sản được các mỏ tự xử lý trong khu vực quy hoạch của dự án và được xử lý theo quy trình đã cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Các cơ sở công nghiệp khác, lượng phát sinh chất thải không lớn do chất thải của cơ sở chế biến nông, lâm sản được tận dụng làm chất đốt trong quá trình hoạt động. Các cơ sở hoạt động trong các Cụm công nghiệp đều tuân thủ các biện pháp BVMT như: Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, khí thải; thực hiện các biện pháp phun nước, trồng cây xanh giảm bụi…

Hoạt động khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các đô thị và lưu vực sông được các ngành liên quan và các huyện, thành phố quan tâm. Đến nay, toàn tỉnh có 14 đô thị gồm: 1 đô thị loại III, 1 đô thị loại IV và 12 đô thị loại V. Rác thải sinh hoạt đô thị sau khi thu gom được đưa về xử lý tại các bãi rác với hình thức xử lý như: Chôn lấp rác tại bãi xử lý rác thải; đổ thải kết hợp đốt trong lò đốt… Tỉnh đang tiếp tục triển khai các dự án đầu tư nâng cấp, cải tạo bãi xử lý rác thải tại các thị trấn. Đến nay, tỷ lệ thu gom rác thải trung bình đạt 94 %, việc thu gom rác thải khu vực nông thôn đã có nhiều chuyển biến, hiện toàn tỉnh có 94/173 xã tổ chức thu gom rác thải sinh hoạt, 120/152 chợ đã tổ chức thu gom rác thải.

Cùng với đó, việc rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, tăng cường năng lực quản lý môi trường, hiện đại hóa thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác BVMT cũng được tỉnh đặc biệt chú trọng. Với nhiều giải pháp được triển khai đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, đến cuối năm 2020, tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt 58%, tỷ lệ dân số thành thị được sử dụng nước sạch đạt 92%, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 86%, tỷ lệ chất thải rắn ở đô thị được thu gom đạt 94%. Chất lượng môi trường sống tiếp tục được cải thiện; năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng được nâng cao, góp phần tích cực trong quá trình xây dựng, phát triển KT – XH của tỉnh nhanh và bền vững.

Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/xa-hoi/202104/bao-ve-moi-truong-huong-den-phat-trien-ben-vung-774366/