Bảo vệ môi trường phải từ ý thức người dân

ĐBP - Những năm qua, tại khu vực lòng chảo huyện Ðiện Biên, lượng rác thải sinh hoạt, chăn nuôi thải ra môi trường ngày càng lớn, ảnh hưởng đời sống người dân. Vì vậy, các ngành, chính quyền địa phương đang triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu những tác động của rác thải, đảm bảo vệ sinh môi trường.

Một điểm tập kết rác thải trên địa bàn xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên).

Khu vực vùng lòng chảo huyện Ðiện Biên có 13 đơn vị hành chính cấp xã và nhiều cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Theo thống kê, hiện nay trung bình một ngày có khoảng 17 tấn rác sinh hoạt được thải ra môi trường. Ðể bảo vệ môi trường, thời gian qua huyện Ðiện Biên đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp, như: Hợp đồng với các doanh nghiệp để thu gom, vận chuyển rác thải về bãi rác; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về việc chung tay giữ gìn vệ sinh, không xả rác tùy tiện ra môi trường, chăn nuôi hợp vệ sinh.

Xã Thanh Xương là đơn vị thực hiện khá tốt các giải pháp bảo vệ môi trường. Ông Ngô Minh Cương, Chủ tịch UBND xã Thanh Xương cho biết: Xác định giữ vệ sinh môi trường là tiêu chí quan trọng và không cần nhiều kinh phí, vì vậy những năm qua, xã chỉ đạo các thôn, bản, đội tăng cường công tác tuyên truyền. Từng thôn, đội thành lập một tổ về quản lý bảo vệ môi trường từ 5 - 7 người; phát huy vai trò của các đoàn thể như: Hội phụ nữ, cựu chiến binh, thanh niên… trong việc tuyên truyền, bảo vệ môi trường. Hiện nay, trung bình mỗi ngày trên địa bàn có khoảng từ 4 - 5m3 rác sinh hoạt song cơ bản được người dân thu gom, xử lý đúng theo quy định; tình trạng xả rác tùy tiện đã giảm so với trước đây. Hiện tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thủy sản, làng nghề đảm bảo quy định về bảo vệ môi trường đạt 91%; chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất - kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch đạt 76,6%; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường đạt 76,7%.

Một trong những giải pháp được huyện Ðiện Biên thực hiện trong thời gian qua là huyện trích kinh phí hỗ trợ các xã hợp đồng với doanh nghiệp thu gom, vận chuyển rác thải về nơi xử lý. Tuy nhiên giải pháp này chỉ hiệu quả trên địa bàn giao thông thuận lợi, khu vực trung tâm huyện, dọc quốc lộ 279, trục đường trung tâm các xã; còn đối với các thôn, bản, đội ở những nơi khó khăn về giao thông thì vẫn chưa thực hiện được. Bên cạnh đó, ý thức bảo vệ môi trường của một bộ phận người dân còn rất hạn chế. Không ít người chỉ quan tâm đến việc sạch nhà mình, nhưng lại xem nhẹ vấn đề sạch cho mọi người xung quanh. Chính vì vậy, họ sẵn sàng vứt rác ra đường thay vì bỏ vào đúng nơi quy định hoặc xử lý bằng cách đốt, chôn lấp. Ðơn cử trên địa bàn xã Thanh Yên vẫn phổ biến tình trạng người dân xả rác bừa bãi. Hiện nay, toàn xã chỉ có 4 điểm thu gom rác tập trung, với khối lượng rác thải là 1,5m3/ngày. Người dân các thôn, bản tự cắt cử nhau thu gom rác về nơi tập kết nên ý thức, hiệu quả chưa cao. Bên cạnh đó, tình trạng vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật vứt tràn lan ra đồng ruộng, gây nguy cơ ô nhiễm môi trường, nguồn nước sinh hoạt. Thời gian qua, trên nhiều cánh đồng đã xây dựng các bể chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật, song do số lượng bể ít, khoảng cách giữa các bể xa nhau, ý thức người dân còn hạn chế nên hiệu quả sử dụng chưa cao.

Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn xã hội, trong đó ý thức, hành vi của mỗi cá nhân có tác động trực tiếp đến “sức khỏe” của môi trường. Do đó công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho nhân dân vẫn giữ vai trò thiết yếu. Một khi người dân có ý thức bảo vệ thì môi trường sẽ xanh - sạch - đẹp.

Bài, ảnh: Thành Ðạt

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/174855/bao-ve-moi-truong-phai-tu-y-thuc-nguoi-dan