Bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp

Thời gian qua, thực hiện Đề án

Thời gian qua, thực hiện Đề án "Thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn tỉnh, công tác quản lý chất thải nhựa và bao gói thuốc BVTV sau sử dụng có nhiều chuyển biến tích cực, gắn liền với phát triển nông nghiệp theo hướng bền vững, bảo vệ môi trường.

Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ và cung ứng thực phẩm Đà Bắc (xã Tú Lý, Đà Bắc) chú trọng sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Hợp tác xã Nông nghiệp dịch vụ và cung ứng thực phẩm Đà Bắc (xã Tú Lý, Đà Bắc) chú trọng sản xuất theo quy trình an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.

Để đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu, hạn chế nguồn chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt, từ năm 2022 đến nay, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức 50 lớp quản lý dịch hại tổng hợp cho 1.500 lượt người; 20 lớp quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp trên các loại cây trồng chính cho 600 lượt người; diện tích ứng dụng SRI (hệ thống thâm canh lúa cải tiến) trên cây lúa đạt trên 80% diện tích gieo trồng..., góp phần giảm thiểu nguồn rác thải trong trồng trọt. Nhiều chế phẩm thuốc BVTV sinh học qua quá trình nghiên cứu được ứng dụng rộng rãi như NPV, V-Bt, Tricodecma... để trừ sâu bệnh hại trong sản xuất trồng trọt; diện tích áp dụng trên địa bàn tỉnh đạt trên 1.000 ha/năm. Ứng dụng máy bay không người lái, định vị GPS để phun thuốc BVTV phòng trừ dịch hại cây trồng; bước đầu áp dụng cho 1.000ha lúa và 50ha sắn tại các huyện: Kim Bôi, Tân Lạc, Lạc Sơn. Tăng cường sử dụng phụ phẩm nông nghiệp trong che phủ đất, hạn chế sử dụng màng phủ nilon.

Giai đoạn 2022 - 2024, UBND các huyện, thành phố đã tổ chức 121 lớp tập huấn cho khoảng 6.000 lượt nông dân về phòng trừ đối tượng sinh vật gây hại và sử dụng an toàn thuốc BVTV theo nguyên tắc 4 đúng, bảo vệ môi trường sinh thái. Sở NN&PTNT đã tổ chức, phối hợp tập huấn, tuyên truyền trên 50 lớp với hơn 1.500 lượt người tham gia về sử dụng an toàn thuốc BVTV, thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng cho các xã thuộc vùng sản xuất trồng trọt trọng điểm của tỉnh… Đặc biệt, nhiều địa phương đưa quy định về sử dụng, quản lý bao gói thuốc BVTV vào hương ước, quy ước của thôn, xóm, tạo sự đồng thuận và gây dựng phong trào. Điển hình tại 3 xã vùng cao của huyện Tân Lạc (Vân Sơn, Ngổ Luông, Quyết Chiến) với hương ước không sử dụng thuốc trừ cỏ được thực hiện có hiệu quả, có sức lan tỏa đến các vùng xung quanh.

Thực hiện lồng ghép việc triển khai các nhiệm vụ quản lý thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt vào các chiến lược, quy hoạch phát triển ngành; chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ tỉnh đến huyện, xã. Các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng đã tham mưu phương án phát triển các khu xử lý chất thải tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đưa vào quy hoạch tỉnh Hòa Bình; hướng dẫn và thực hiện quy hoạch các dự án xử lý chất thải nguy hại theo phân cấp đảm bảo quy định.

Hiện, toàn tỉnh duy trì 1.680 bể chứa bao gói thuốc BVTV; các bể chứa hầu hết ở khu vực sản xuất trồng trọt tập trung, gần trục giao thông nội đồng, thuận tiện cho người dân thu gom sau khi sử dụng thuốc BVTV. Số lượng bao gói thuốc BVTV được thu gom khoảng 9.350kg, đạt khoảng 26% tổng lượng bao gói thuốc BVTV sử dụng. Số còn lại hầu hết được người sản xuất gom lại ngay tại đồng ruộng (đặc biệt trên diện tích trồng cây ăn quả, cây rau) và thu gom cùng rác thải sinh hoạt. Lượng chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt được thu gom, phân loại tại nguồn khoảng 945 tấn (chủ yếu là bao bì phân bón, lưới cước, màng phủ, túi bầu...), chiếm gần 50% lượng chất thải nhựa. Lượng chất thải nhựa được thu gom tái chế, tái sử dụng chiếm khoảng 55%; còn lại chủ yếu được vận chuyển, xử lý cùng với rác thải sinh hoạt.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 4 dự án thuộc lĩnh vực xử lý,thu gom rác thải được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, gồm: Khu xử lý chất thải rắn Thịnh Minh, TP Hòa Bình (50ha); khu xử lý chất thải rắn Cao Sơn, huyện Lương Sơn (30ha); khu xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy (50ha); khu xử lý chất thải rắn Đa Phúc, huyện Yên Thủy (50ha).

Giai đoạn 2022 - 2024, UBND các huyện, thành phố đã chủ động bố trí kinh phí từ các nguồn khoảng 1.150 triệu đồng cho việc thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng. Đối với thu gom, xử lý chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt, nguồn kinh phí chủ yếu do các hộ gia đình đóng phí môi trường để hợp tác xã nông nghiệp và vệ sinh môi trường tại một số xã, thị trấn xử lý cùng với rác thải sinh hoạt.

Đồng chí Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Thực hiện đề án, ý thức của người sản xuất trong công tác bảo vệ môi trường đã có nhiều chuyển biến tích cực. Thời gian tới, ngành NN&PTNT tiếp tục đôn đốc triển khai quyết liệt đề án trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác tập huấn thông tin, tuyên truyền cho các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng thuốc BVTV và thu gom bao gói thuốc BVTV, chất thải nhựa sau sử dụng. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc kinh doanh buôn bán, sử dụng thuốc BVTV và thu gom bao gói thuốc BVTV đúng quy định. Xã hội hóa, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp, tổ chức đăng ký, phân phối thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh trong việc thu gom, xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng và chất thải nhựa trong sản xuất trồng trọt.

Đinh Thắng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/28/196134/bao-ve-moi-truong-tr111ng-san-xuat-nong-nghiep.htm