'Phủ sóng' đường bộ cao tốc

Yêu cầu cuối năm 2025 phải thông toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông là mệnh lệnh của trái tim, yêu cầu của đất nước và sự trông đợi của nhân dân

Trong năm 2024, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã hoàn thành và đưa vào khai thác 7 dự án đường cao tốc, nâng tổng số km đường bộ cao tốc cả nước lên 2.021.

Không đánh đổi chất lượng lấy tiến độ

Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh cho biết bộ đã rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết và chỉ đạo các chủ đầu tư, nhà thầu quyết liệt triển khai để hoàn thành mục tiêu có 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025.

Đến nay, việc lựa chọn nhà đầu tư 8 trạm dừng nghỉ đã hoàn tất và đang triển khai mời thầu 13 trạm còn lại. Tinh thần là mỗi ngày về đích sớm của từng dự án sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho người dân, từng địa phương và nền kinh tế đất nước.

Ngày 18-8-2024, từ điểm cầu chính tại dự án tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk), Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, đã phát động đợt thi đua cao điểm "500 ngày đêm thi đua hoàn thành 3.000 km đường bộ cao tốc". Sau lễ phát động, các bộ, ngành, địa phương - nhất là 13 tỉnh, thành phố nơi có các dự án đường cao tốc đang "căng mình" về đích - đã đồng loạt ban hành kế hoạch hưởng ứng.

Theo đó, một số dự án thành phần đường cao tốc Bắc - Nam đoạn từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa dự kiến hoàn thành vượt tiến độ 3-6 tháng. Chẳng hạn, các dự án Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Bùng - Vạn Ninh sẽ rút ngắn tiến độ 5 tháng; Vạn Ninh - Cam Lộ dự kiến rút ngắn 6 tháng; Quảng Ngãi - Hoài Nhơn dự kiến rút ngắn được 9 tháng. Nhiều dự án khác đang được chủ đầu tư, nhà thầu tập trung nguồn lực, tổ chức thi công "3 ca, 4 kíp" với quan điểm "không đánh đổi chất lượng lấy tiến độ".

Tập đoàn Đèo Cả thi công đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Ảnh: NAM KHÁNH

Tập đoàn Đèo Cả thi công đoạn Quảng Ngãi - Hoài Nhơn thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025. Ảnh: NAM KHÁNH

Ông Nguyễn Thế Minh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng - Bộ GTVT, cho biết cuối năm 2023, các địa phương mới bàn giao được khoảng 673 km mặt bằng (đạt hơn 93%), mặt bằng thi công đạt gần 90%, sản lượng thi công toàn dự án thấp - chỉ 15% giá trị hợp đồng, vật liệu cát đắp vẫn là nỗi lo lớn.

Sau đó 1 năm, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc đồng bộ, diện tích mặt bằng có thể triển khai thi công đã đạt gần tuyệt đối (99,96%). Sản lượng thi công toàn dự án đạt gần 61%, nguồn cung vật liệu cát cũng đã được xử lý.

Khởi công thêm nhiều dự án

Theo Bộ GTVT, năm 2025, dự kiến có 19 dự án đường cao tốc được khởi công, 50 dự án về đích. Yêu cầu là hoàn thành các dự án thành phần, nối thông tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông để cùng với một số dự án khác góp phần hoàn thành mục tiêu cả nước đưa vào khai thác 3.000 km đường bộ cao tốc.

Tại dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Hữu Nghị - Chi Lăng, sau khi nhận lệnh của Thủ tướng về việc phải hoàn thành 2 công trình này vào ngày 31-12-2025 - rút ngắn hơn 12 tháng so với hợp đồng, Tập đoàn Đèo Cả đã huy động tổng lực để thi công 24/24 giờ. Có đến 1.132 nhân sự và 398 thiết bị, máy móc được huy động cho dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh để triển khai 32 mũi thi công đồng loạt.

Đáng chú ý, năm nay, hàng loạt dự án đường bộ cao tốc cũng sẽ được khởi công hoặc mở rộng. Cụ thể, dự án tuyến cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn dài hơn 15 km sẽ được mở rộng từ 4 lên 6 làn xe; dự án cao tốc Dầu Giây - Tân Phú dài hơn 60 km xây dựng mới để trở thành mảnh ghép quan trọng trên tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương, tạo động lực liên kết, phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ.

Ngoài ra, Liên danh Đèo Cả - CII - Tasco đề xuất đầu tư mở rộng 91 km tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận với quy mô 6-8 làn xe, nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc, nguy cơ mất an toàn giao thông tại đây. Ông Lê Quốc Dũng, quyền Giám đốc Ban Quản lý dự án 7 - Bộ GTVT, cho biết ban đang phối hợp với nhà đầu tư triển khai các thủ tục liên quan theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Theo ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng - Bộ GTVT, dự kiến trong năm 2025 sẽ hoàn thành khoảng 1.188 km đường bộ cao tốc với 28 dự án/dự án thành phần. Trong đó, 16 dự án do Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản và 12 dự án do địa phương làm cơ quan chủ quản, được chia làm 3 nhóm.

Phó Thủ tướng TRẦN HỒNG HÀ:

Những con số biết nói

Ngành GTVT đã bứt tốc ấn tượng với sự thay đổi rất lớn trong phát triển hạ tầng giao thông khi từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã hoàn thành 858 km đường bộ cao tốc. Ngành đang tiếp tục thi công khoảng 1.750 km đường cao tốc, trong đó dự kiến hoàn thành gần 1.200 km trong năm 2025.

Hiệu quả hoạt động của lĩnh vực đường sắt, hàng không, hàng hải cũng tăng lên, thể hiện thước đo năng lực quản lý của ngành GTVT. Những con số biết nói cùng nỗ lực trong năm 2024 là thành quả để ngành bước vào năm 2025 và giai đoạn mới.

Ông TRẦN VĂN THI, Giám đốc Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận:

Trách nhiệm và vinh dự

Để hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2025, cả nước có 3.000 km đường bộ cao tốc thì trong năm nay, Bộ GTVT phải hoàn thành khoảng 800 km. Trong đó, Ban Quản lý Dự án Mỹ Thuận chịu trách nhiệm khoảng 190 km. Đây vừa là trách nhiệm vừa là vinh dự của chúng tôi. Đơn vị sẽ kiểm soát chặt kế hoạch, tiến độ thi công của nhà thầu; có giải pháp kịp thời xử lý các hạng mục có nguy cơ chậm tiến độ; chỉ đạo nhà thầu huy động nhân lực, vật lực, tăng mũi thi công, tăng ca, kíp...

VĂN DUẨN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phu-song-duong-bo-cao-toc-196250105213423038.htm