Bảo vệ môi trường từ mô hình ủ phân hữu cơ
Ủ phân chuồng và rác thải hữu cơ là mô hình gắn kết với các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Mô hình giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của việc sử dụng nguồn phân hữu cơ để cải thiện, tạo độ màu mỡ cho đất canh tác và bảo vệ môi trường.
Tại khu vực nông thôn, ô nhiễm môi trường do rác thải sinh hoạt là một trong những vấn đề luôn được quan tâm. Hiện nay, rác thải hữu cơ và chất thải trong quá trình chăn nuôi tại một số gia đình chưa được xử lý đúng cách trước khi thải ra môi trường nên gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến mỹ quan. Không những vậy, việc thu gom rơm, rạ và xử lý bằng sinh học vẫn chưa được thực hiện, chủ yếu xử lý bằng cách đốt ngay tại đồng ruộng, ảnh hưởng môi trường và sinh hoạt của người dân.
Trước thực trạng trên, Vườn Quốc gia Hoàng Liên đã xây dựng mô hình ủ phân từ phân chuồng và rác thải hữu cơ. Sau một thời gian thực hiện, bước đầu mô hình mang lại hiệu quả: Lượng phân chuồng và rác thải sinh hoạt trong các gia đình giảm đi trông thấy; các hộ dự trữ được nguồn phân bón cho cây trồng.
Là một trong những hộ đầu tiên tham gia mô hình ủ phân hữu cơ, anh Hạng A Sáu (thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van, thị xã Sa Pa) cho biết: Rác đúng là “vàng”! Không ngờ gia đình tôi luôn có nguồn phân bón hữu cơ khổng lồ như vậy mà từ trước đến giờ không biết tận dụng.
Theo anh Sáu, sau khi được tập huấn kỹ thuật sản xuất phân hữu cơ, anh đã đào 1 hố sâu 60 cm, dài 2 m, rộng 1,2 m ở khu đất sau nhà và mua thuốc vi sinh để thực hiện. Hằng ngày, gia đình anh tận dụng các loại rác thải hữu cơ có thể phân hủy như rau, vỏ trái cây, rơm, phân trâu... để ủ phân hữu cơ. Mỗi mẻ, anh ủ được khoảng 1,5 tấn phân, sau khoảng 2 tháng có thể đem sử dụng. Nhờ cách làm này, lượng rác thải ra môi trường của gia đình anh giảm nhiều, đồng thời có nguồn phân bón hữu cơ giúp cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, góp phần cải tạo đất.
Anh Sáu cho biết: Mới đầu ủ phân hữu cơ, tôi bỡ ngỡ nhiều thứ, sau dần quen và thuần thục. Giờ đây, tôi có thể tự ủ và dự trữ phân chuồng để dùng trong trồng trọt. Ủ phân theo cách này vừa giảm rác thải, đỡ ô nhiễm môi trường, lại có phân bón an toàn, không độc hại, giúp đất tơi xốp hơn.
Tương tự, anh Trang A Vảng (thôn Tả Van Dáy 1, xã Tả Van, thị xã Sa Pa) cũng giảm được nhiều chi phí sản xuất nông nghiệp do việc ủ phân hữu cơ đem lại. Anh Vảng cho biết: Ngoài những lợi ích kinh tế, việc ủ phân hữu cơ còn thiết thực với cộng đồng, bởi giúp giảm lượng rác thải ra môi trường. Nếu chỉ vài cá nhân thực hiện thì lợi ích đó khó có thể thấy được, do đó tôi đang cố gắng vận động bà con trong thôn cùng làm.
Được biết, khi được tuyên truyền, gia đình anh Vảng là một trong số ít hộ mạnh dạn tham gia mô hình. Sau một thời gian “làm mẫu”, hiệu quả được kiểm chứng, anh đã vận động bà con trong thôn làm theo. Theo anh Vảng, sản xuất phân hữu cơ từ nguồn phân chuồng và rác thải sinh hoạt có nhiều cái lợi cho nông dân như giảm chi phí trong trồng trọt, nâng cao năng suất, đất trồng màu mỡ, tơi xốp hơn, không bị khô như khi sử dụng phân bón hóa học.
Việc triển khai mô hình cũng gặp không ít khó khăn, bởi quá trình ủ phân hữu cơ thường cần thời gian lâu hơn so với việc sử dụng phân bón hóa học. Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn và lập kế hoạch cẩn thận từ phía nông dân, tuy nhiên lợi ích do mô hình mang lại rất lớn.
Ông Lê Xuân Thắng, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Hoàng Liên
Mô hình tận dụng rác thải sinh hoạt để ủ phân hữu cơ đã và đang được người dân xã Tả Van áp dụng và mang lại nhiều hiệu quả. Đây sẽ là tiền đề để mô hình tiếp tục được nhân rộng tại các địa phương khác, đặc biệt là những xã nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Hoàng Liên.
Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/bao-ve-moi-truong-tu-mo-hinh-u-phan-huu-co-post375015.html