Bảo vệ môi trường: Ý thức bền vững hơn trách nhiệm
Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng và tổn thương nhất của biến đổi khí hậu. Giữ gìn và bảo vệ môi trường là việc làm tiên quyết để tránh hệ lụy từ biến đổi môi trường gây ra.
Thời gian qua, ngành GD-ĐT đã có nhiều biện pháp giáo dục, tuyên truyền để bảo vệ và giữ gìn môi trường, từ đó góp phần thay đổi nhận thức và tạo biến chuyển tích cực trong xã hội.
Thay đổi thói quen
Thật đáng mừng, gần đây, thói quen từ những việc tưởng như đơn giản nhất là xả thải và không sử dụng túi nylon dùng một lần đã trở nên phổ biến trong đời sống xã hội. Ở nhiều hội nghị, hội thảo và các cuộc tiếp khách trên bàn thay vào chai nhựa đựng nước giờ đã là chai thủy tinh. Những thói quen trên cho thấy xã hội đã nâng cao nhận thức về việc cần thiết phải bảo vệ môi trường. Nói như ông Nguyễn Tiến Dũng – Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh Nam Định: Thay đổi nhận thức của người dân với việc bảo vệ môi trường là rất quan trọng. Ở đây là văn hóa trong nếp sống, sinh hoạt và ứng xử với môi trường.
Khi người dân đã có ý thức giữ gìn môi trường sống quanh mình thì cũng đồng nghĩa với việc bảo vệ thiên nhiên. Thay đổi thói quen sẽ dẫn đến thay đổi nhận thức đây là điều mà nhiều nhà tâm lý, giáo dục minh chứng. Khi có một nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc giữ gìn và bảo vệ môi trường chắc chắn sẽ giúp ý thức hơn trong cả cộng đồng về bảo vệ môi trường. Trong các nhà trường việc giúp học sinh thay đổi thói quen là điều hết sức quan trọng, vì khi các em không còn thói quen xả rác bừa bãi, tức là lúc đó ý thức bảo vệ môi trường đã bắt đầu hình thành. Thế nên, giáo dục bảo vệ môi trường từ việc đơn giản nhất là giúp học sinh hình thành ý thức tốt.
Các đoàn viên thanh niên Trường THPT Bãi Cháy vệ sinh nhặt rác bên bờ biển. Ảnh: TG
Bắt đầu từ ý thức
Các cuộc ra quân bảo vệ môi trường biển, nói không với rác thải nhựa của các nhà trường trên cả nước đã và đang góp phần thay đổi nhận thức trong cộng đồng dân cư. Các trường học ở mọi cấp học trên cả nước đều đã có những kế hoạch BVMT, như nói không với rác thải độc hại, vệ sinh mội trường nơi mình ở. Còn nhớ năm 2019 tại Hà Nội, một chiến dịch dọn rác tại sông Hồng và cầu Long Biên đã thu hút 200 tình nguyện viên. Trong đó có đại diện của Phái đoàn Liên minh châu Âu, đại diện các nước thành viên EU.
Hình ảnh Đại sứ bổ nhiệm của Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Giorgio Aliberti tham gia dọn dẹp vệ sinh, nhặt túi nhựa đã để lại ấn tượng mạnh mẽ trong người dân. Thông điệp này thay lợi kêu gọi mọi người hãy việc dọn dẹp quanh nơi sống của chúng ta là hành động tốt và đơn giản nhất tự ta có thể thực hiện. Hải Lý là một xã ven biển của huyện Hải Hậu (Nam Định), hơn ai hết người dân ở đây hiểu tác động biến đổi môi trường ảnh hưởng đến cuộc sống thế nào.
Thầy giáo Nguyễn Hải Sơn – Hiệu trưởng Trường THCS Hải Lý, chia sẻ: Chính vì có hiểu biết như vậy nên người dân đã ý thức bảo vệ môi trường từ nhỏ và đã trở thành thói quen. Học sinh của chúng tôi cũng là những tuyên truyền viên tích cực để giúp mọi người cùng hiểu tác động của môi trường dẫn đến biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến sinh cư của người dân thế nào. Nhà trường đã chú trọng giáo dục nhận thức cho học sinh rằng thiên nhiên nuôi dưỡng chúng ta, các bạn phải bảo vệ thiên nhiên bằng những hành động đơn giản nhất là không xả rác bừa bãi, ý thức giữ gìn bảo vệ môi trường.
Bài học thực tế là chúng tôi thường xuyên tổ chức các cuộc ra quân làm sạch môi trường để học sinh ý thức tốt hơn về việc này. Còn ở Trường THPT Bãi Cháy nằm giữa vùng di sản Hạ Long, các thầy cô giáo và học sinh đều rất ý thức với việc bảo vệ môi trường biển. Nói như thầy Lưu Hải Tiền - Hiệu trưởng nhà trường: Vệ sinh môi trường, tránh xả rác bừa bãi là việc cần thiết, đối với học sinh và nhà trường lại càng có ý nghĩa hơn vì các em sẽ giúp lan tỏa hành động đẹp, thay đổi thói quen xả rác bừa bãi. Quan điểm xuyên suốt của nhà trường là vừa tham gia bảo vệ, làm sạch môi trường, kết hợp với tuyên truyền nâng cao nhận thực trong cộng đồng dân cư. Bảo vệ và làm sạch môi trường cần phải sạch từ trong ý thức!
Việt Nam là một trong những nước chịu tổn thương mạnh nhất bởi biến đổi khí hậu do thiếu kiến thức và năng lực ứng phó với các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Hạn hán, ngập lụt, sạt lở, giông tố, bão lũ có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp của nước ta. Để hạn chế tối thiểu những hệ lụy từ biến đổi khí hậu cần thiết phải nâng cao nhận thức trong cộng đồng để chung tay giữ gìn và bảo vệ mội trường. Trong đó, vai trò của các nhà trường và học sinh, sinh viên là vô cùng quan trọng vì họ sẽ góp phần chia sẻ, lan tỏa nhận thức trong cộng đồng”. - TS Phạm Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương