Bảo vệ nền kinh tế toàn cầu
Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) vừa diễn ra ở thủ đô Riyadh của A-rập Xê-út đề cập hàng loạt vấn đề 'nóng' của toàn cầu.
Bình luận quốc tế
Hội nghị đã nhất trí kế hoạch hành động để bảo vệ nền kinh tế thế giới trước những rủi ro, nhất là trong bối cảnh bùng phát dịch Covid-19. Hội nghị cũng chứng kiến sự thỏa hiệp của các thành viên trước Mỹ trong việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Trong thông cáo chung được đưa ra khi kết thúc hội nghị, đại diện các nước G20 nhất trí sẽ tăng cường giám sát rủi ro toàn cầu, trong đó có tình trạng bùng phát dịch Covid-19, đồng thời sẵn sàng triển khai thêm hành động để giải quyết những rủi ro này. Thông cáo cũng dự báo kinh tế toàn cầu trong năm 2020 và năm 2021 tăng trưởng ở mức vừa phải, được hỗ trợ bởi những điều kiện tài chính thuận lợi và dấu hiệu hạ nhiệt căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc, song vẫn tồn tại rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng. Các thành viên G20 bày tỏ sự đồng lòng bảo vệ nền kinh tế thế giới bằng tất cả các công cụ chính sách sẵn có nhằm đạt được tăng trưởng chắc chắn.
Cuộc họp của G20 diễn ra trong bối cảnh Viện Tài chính quốc tế (IFF) mới đây dự báo sự bùng phát dịch Covid-19 có thể làm giảm nhu cầu đối với dầu mỏ tại Trung Quốc và các quốc gia châu Á khác, đẩy giá dầu xuống mức 57 USD/thùng và phủ bóng lên triển vọng tăng trưởng kinh tế tại khu vực Trung Ðông. Theo Nhà kinh tế trưởng phụ trách khu vực Trung Ðông và Bắc Phi (MENA) tại IFF GIradian, dịch Covid-19 có thể khiến GDP của Trung Quốc giảm 0,5 đến 0,7%, yếu tố tác động mạnh đến giá dầu. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) mới đây dự báo tăng trưởng toàn cầu năm nay sẽ giảm 0,1% so dự báo trước đó.
Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương A-rập Xê-út, các quan chức thành viên G20 đã tập trung thảo luận về diễn biến và mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19, bày tỏ sẵn sàng hành động để ứng phó tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế toàn cầu. Ðại diện Nhật Bản cảnh báo, dịch Covid-19 có thể gây ra nguy cơ nghiêm trọng đối với kinh tế vĩ mô vì làm đình trệ các hoạt động sản xuất, làm gián đoạn hoạt động đi lại của người dân cũng như lưu thông hàng hóa và cắt đứt các chuỗi cung ứng.
Ðại diện các nước thành viên G20 cũng đã thảo luận các cách thức để đạt được một hệ thống thuế toàn cầu cân bằng hơn trong kỷ nguyên số. Bộ trưởng Tài chính Pháp Le Maire cho rằng, "cần có sự đồng thuận giữa các thành viên G20 về tầm quan trọng của hệ thống thuế quốc tế mới vì mục đích bảo đảm công bằng và hiệu quả". Ông hối thúc các nhà lãnh đạo G20 đạt thỏa hiệp trong vấn đề này vào cuối năm nay. Bộ trưởng Tài chính Mỹ S.Mnuchin nhấn mạnh, trong một nền kinh tế toàn cầu không thể tồn tại các hệ thống thuế quốc gia khác nhau xung đột với nhau. Về vấn đề này, những người đứng đầu ngành tài chính G20 đã tán thành một đề xuất được các thành viên của Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nhất trí hồi tháng 1 vừa qua, coi đó là "cơ sở" cho các cuộc đàm phán với các tập đoàn kinh doanh đa quốc gia. Theo đề xuất này, các nước sẽ có thể đánh thuế các tập đoàn đa quốc gia, gồm cả các tập đoàn công nghệ, đang có những hoạt động kinh doanh trong biên giới của nước đó. Ðây là vấn đề được cho là chủ yếu nhằm vào Mỹ, quốc gia có những công ty công nghệ lớn nhất trên thế giới.
Hội nghị cũng chứng kiến sự thỏa hiệp giữa các thành viên G20 trong đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với tăng trưởng kinh tế. Hội nghị đã thống nhất về mặt từ ngữ đối với nội dung bản thông cáo cuối cùng, trong đó lần đầu đề cập tình trạng biến đổi khí hậu kể từ khi Tổng thống Mỹ D.Trump lên nắm quyền. Tuy nhiên, trước sức ép của Mỹ, thông cáo cuối cùng của hội nghị đã không đề cập vấn đề biến đổi khí hậu mang đến những rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Bởi, Washington trước đó đã phản đối bản dự thảo thông cáo với nội dung nhận định "rủi ro về kinh tế vĩ mô có liên quan đến sự ổn định về môi trường".
Tổng Giám đốc IMF K.Georgieva nhận định, tác động của dịch Covid-19 là một quỹ đạo "hình chữ V", với sự sụt giảm mạnh về GDP của Trung Quốc ở thời điểm hiện tại và sau đó là sự phục hồi mạnh mẽ của nước này. Tuy nhiên, người đứng đầu IMF cảnh báo rằng, tình hình có thể gây ra hậu quả thảm khốc hơn cho các quốc gia khác, khi những tác động của dịch bệnh lan rộng. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp cho rằng, câu hỏi còn bỏ ngỏ hiện nay là, liệu đó sẽ là hình chữ V với sự phục hồi nhanh chóng của nền kinh tế thế giới hay liệu nó sẽ dẫn đến hình chữ L với sự chậm lại liên tục trong đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Những đánh giá cho thấy, nỗi lo về các rủi ro tiềm tàng đối với "sức khỏe" nền kinh tế thế giới đang hiện hữu và quyết tâm mạnh mẽ của các nền kinh tế hàng đầu thế giới trong nỗ lực hạn chế cũng như ngăn chặn các nguy cơ đối với tăng trưởng toàn cầu.