Bảo vệ người làm ăn chân chính
Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10-2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ: 'Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, song phải xử lý những hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ, khuyến khích người làm đúng, người làm ăn chân chính, hiệu quả'. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước, đồng thời là niềm mong đợi, tin tưởng của người dân và doanh nghiệp.
Quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như của Đảng, Nhà nước mang tính nguyên tắc, là định hướng cho các cơ quan, địa phương thực hiện. Tuy nhiên, quá trình thực thi ở các cấp, địa phương trong những trường hợp cụ thể vẫn còn tồn tại không ít hạn chế. Chỉ cần trong quá trình tố tụng có cơ quan chức năng hoặc cán bộ thiếu khách quan, sai nguyên tắc là vấn đề có thể đi theo hướng khác.
Chưa kể, không loại trừ trường hợp các đối thủ cạnh tranh lợi dụng những cán bộ tha hóa, dùng hình sự hóa quan hệ kinh tế để triệt hạ nhau...
Trên thực tế, một trong những nỗi sợ lớn nhất của doanh nghiệp là bị hình sự hóa quan hệ kinh tế. Chừng nào còn tình trạng hình sự hóa quan hệ kinh tế thì chừng đó doanh nghiệp khó có thể yên tâm đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hệ lụy thấy rõ là làm giảm sức sống của nền kinh tế, ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng. Mặt khác, nếu những vi phạm về kinh tế đủ yếu tố cấu thành tội hình sự mà lại xử lý dân sự hoặc hành chính dẫn tới bỏ lọt tội phạm thì cũng có tác hại tương tự.
Cho nên, muốn khuyến khích, bảo vệ người làm đúng, người làm ăn chân chính, hiệu quả thì giải pháp duy nhất là thực hiện nghiêm tinh thần “thượng tôn pháp luật” ở tất cả các cấp, trong mọi trường hợp; bảo đảm các vấn đề khi xảy ra được nhìn nhận theo đúng quy định pháp luật; kẻ làm sai phải bị xử lý nghiêm, người làm đúng phải được bảo vệ. Bản chất vụ việc là quan hệ dân sự thì xử lý theo dân sự, hành chính thì xử lý hành chính, hình sự thì xử lý hình sự. Khi xử lý hình sự thì phải bảo đảm đúng quy định hình sự, trong đó bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội.
Để làm được điều đó, phải huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc; trước mắt, phải triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XIII) về “Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới”; tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nội dung cải cách tư pháp...
Cơ quan lập pháp phải đi đầu trong việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục những hạn chế còn tồn tại, nhất là loại bỏ những quy định pháp luật thiếu rõ ràng, là kẽ hở tạo điều kiện cho hình sự hóa quan hệ kinh tế hoặc ngược lại.
Song song với thực hiện nguyên tắc bất di bất dịch là “thượng tôn pháp luật”, các cơ quan tư pháp, các cấp, các ngành phải thực hiện thật tốt Nghị quyết số 96/2015/ QH13 (ngày 26-6-2015) của Quốc hội về “Tăng cường các biện pháp phòng, chống oan, sai và bảo đảm bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự”. Trong đó, điều quan trọng là quá trình điều tra, lập hồ sơ vụ án phải tuân thủ đúng pháp luật; thu thập, đánh giá đầy đủ, khách quan các chứng cứ buộc tội, chứng cứ gỡ tội để xác định đúng bản chất vụ án; khắc phục việc làm oan người vô tội do hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế; chấn chỉnh việc đình chỉ điều tra không đúng pháp luật để tránh oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm; tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia bào chữa trong các vụ án theo quy định pháp luật.