Bảo vệ người tiêu dùng: Quyền lợi của tổ chức và cá nhân phải bình đẳng
Góp ý cho dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng phạm vi người tiêu dùng trong dự thảo chỉ bao gồm cá nhân là chưa đầy đủ, người mua dù là tổ chức hay cá nhân, nếu quyền lợi bị xâm phạm vẫn phải được pháp luật bảo vệ.
Bổ sung quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch qua mạng Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2023 Người tiêu dùng lấy hóa đơn: Cách tốt nhất để được pháp luật bảo vệ quyền lợi
Quyền lợi của tổ chức và cá nhân đều cần được bảo vệ
Phát biểu tại hội trường chiều 10/11, đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương (đoàn Gia Lai) cho rằng dự thảo Luật vẫn chưa quy định đầy đủ, cân đối và hài hòa giữa lợi ích của các chủ thể tham gia trong quan hệ quyền lợi người tiêu dùng.
Đại biểu chỉ rõ, dự thảo luật có sự thay đổi rất lớn về phạm vi điều chỉnh khi đã sửa đổi khái niệm người tiêu dùng. Theo đó, người tiêu dùng bây giờ trong dự thảo luật là chỉ bao gồm cá nhân mà không bao gồm tổ chức mua sắm hàng hóa và dịch vụ cho mục đích tiêu dùng của tổ chức.
Không tán thành sửa đổi này, đại biểu phân tích không phải khi nào thì người tiêu dùng là tổ chức cũng đủ có khả năng để đối mặt được với các hành vi vi phạm từ phía nhà kinh doanh. Nếu Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không bảo vệ họ thì quyền lợi của nhóm đối tượng này có thể dễ bị xâm hại và gây thiệt hại chung cho xã hội. Kinh nghiệm quốc tế về vấn đề này dù tương đối khác nhau song nhiều nước vẫn điều chỉnh cả cá nhân, tổ chức cũng như nhóm cá nhân.
Đại biểu Triệu Thị Huyền
Đại biểu Chamaleá Thị Thủy (đoàn Lai Châu), đại biểu Đặng Bích Ngọc (đoàn Hòa Bình) cũng cho rằng khái niệm người tiêu dùng quy định như dự thảo luật vẫn chưa đầy đủ, vấn đề cần quan tâm là mục đích tiêu dùng, còn chủ thể sử dụng là cá nhân hay tổ chức đều cần được luật này điều chỉnh và bảo vệ.
Thống nhất với các ý kiến này, đại biểu Triệu Thị Huyền (đoàn Yên Bái) phân tích, thực tế, việc mua hoặc sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không chỉ là hoạt động của cá nhân mà còn bao gồm việc tổ chức đứng ra đại diện cho nhiều người tiêu dùng. Từ đó nếu xảy ra trường hợp các nhà cung cấp kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung cấp các sản phẩm không đảm bảo chất lượng sẽ gây ra tổn hại lớn trên quy mô rộng với nhiều người tiêu dùng.
Do vậy, nếu chỉ định nghĩa người tiêu dùng là cá nhân mà không bao gồm tổ chức sẽ không đảm bảo sự điều chỉnh bao quát đối với những vấn đề xảy ra trong thực tiễn.
Nhiều chính sách bảo vệ người tiêu dùng nhưng không đủ mạnh
Về các chính sách bảo vệ người tiêu dùng, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (đoàn Long An) cho rằng, Điều 5 quy định về chính sách của Nhà nước bảo vệ người tiêu dùng đã nêu khá nhiều nội dung nhưng các chính sách này hoàn toàn không rõ, không mạnh.
Một trong những đề xuất của đại biểu để bảo vệ người tiêu dùng tốt hơn là xem xét bổ sung quy định về hành vi mua bán thông tin. Trong thực tế vừa qua xảy ra rất nhiều trường hợp để lộ lọt mất thông tin người tiêu dùng của các tổ chức, cá nhân, trong đó có trường hợp mua bán thông tin người tiêu dùng, có những trường hợp phải xử lý theo quy định của pháp luật, ảnh hưởng đến việc bảo vệ thông tin và quyền lợi của người tiêu dùng.
Đối với quy định về bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, đại biểu Triệu Thị Huyền bày tỏ cơ bản thống nhất với quy định về ưu tiên bảo vệ người tiêu dùng thuộc nhóm đối tượng yếu thế tại dự thảo luật; đồng thời cho rằng, những đối tượng yếu thế dễ bị kỳ thị, phân biệt đối xử trong hoạt động mua bán các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cần được mở rộng thêm đến đối tượng là những người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, những người mắc các hội chứng suy giảm miễn dịch ở người HIV/AIDS…
Do vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát, bổ sung thêm đối tượng người tiêu dùng nêu trên được ưu tiên bảo vệ để tạo sự bình đẳng trong quá trình mua bán, tiêu dùng.
Phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) cho biết, thực tế có trường hợp hàng hóa có nhãn mác hay dịch vụ có hướng dẫn bằng tiếng nước ngoài, dẫn đến người tiêu dùng không đọc được hướng dẫn sử dụng, sử dụng sai công năng. Hoặc tình trạng ngoại ngữ hóa, tây hóa tại các cửa hàng tại Việt Nam, gây khó khăn cho người tiêu dùng. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung nguyên tắc về ngôn ngữ sử dụng chính là tiếng Việt.
Liên quan đến ý kiến của một số đại biểu cho rằng hầu hết quyền lợi của người tiêu dùng bị thiệt hại là do tổ chức kinh doanh, theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, thực tế nhiều trường hợp chất lượng sản phẩm, dịch vụ bị ảnh hưởng là do người tiêu dùng khác gây ra. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung vào luật là cấm lợi dụng việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng để xâm phạm quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng khác và người tiêu dùng có quyền yêu cầu các tổ chức kinh doanh dừng các hành vi ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của mình; tổ chức kinh doanh có quyền được dừng hoặc từ chối cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
Cũng về nghĩa vụ của người tiêu dùng, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn Tuyên Quang) đề nghị ban soạn thảo xem xét bổ sung nội dung nghĩa vụ tuân thủ các điều kiện bảo đảm chất lượng đối với hàng hóa trong quá trình sử dụng theo quy định. Bởi trên thực tế, một số trường hợp người tiêu dùng lạm dụng quyền của mình dẫn tới ảnh hưởng lợi ích của cá nhân, tổ chức kinh doanh như đưa tin sai sự thật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Chính vì vậy, người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mình đưa ra và bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là vấn đề có nội hàm rộng, được thể hiện trong nhiều văn bản pháp luật từ Bộ luật Dân sự đến pháp luật chuyên ngành. Do đó, để tránh xung đột, chồng chéo với quy định của các luật khác trong hệ thống pháp luật, Cơ quan chủ trì soạn thảo xin tiếp thu ý kiến theo hướng Dự thảo luật điều chỉnh những vấn đề mới, đặc thù, chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào điều chỉnh.
Về phạm vi áp dụng, theo Thứ trưởng, dự án luật tập trung nhiều vào việc bảo vệ cá nhân người tiêu dùng, bao gồm nhiều nội dung như cả người nước ngoài, các đối tượng yếu thế.... Đối với ý kiến đại biểu quan tâm đến người tiêu dùng là tổ chức, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu và rà soát, bổ sung.
Về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, cơ quan chủ trì soạn thảo đã rà soát, hoàn thiện các quy định theo hướng đảm bảo tối đa quyền lợi của người tiêu dùng; quy định trách nhiệm tương ứng của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, trong đó quy định rõ trách nhiệm của tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số trung gian..., lãnh đạo Bộ Công thương cho hay.