Bảo vệ người tiêu dùng trước quảng cáo lố
Dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đang được ban soạn thảo đưa ra tham vấn rộng rãi nhằm tiếp thu các ý kiến, điều chỉnh theo hướng hài hòa lợi ích cho cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng.
“Người tiêu dùng luôn là người yếu thế”, ông Đào Minh Hải, Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, khẳng định.
Lý giải cho nhận xét này, ông Hải cho biết, doanh nghiệp là bên nắm quyền chủ động trong việc cung cấp thông tin sản phẩm cũng như tiếp cận với người mua hàng. Doanh nghiệp hiểu biết rất rõ về sản phẩm và tâm lý khách hàng, từ đó đưa ra nhiều cách khiến khách phải chi tiền.
Lợi dụng điều đó, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng một số cách thức quảng cáo, truyền thông “không đúng”, chẳng hạn như thuê diễn viên đóng giả làm bác sĩ để bán thực phẩm chức năng. Cách quảng cáo này đặc biệt hiệu quả với nhóm khách hàng như người già, người ít có cơ hội tiếp xúc với thông tin đa chiều.
Hay như một số nền tảng thương mại điện tử đưa các sản phẩm lên vị trí nổi bật tùy theo mức độ chi tiền của doanh nghiệp, vô tình khiến người tiêu dùng tin tưởng rằng đó là sản phẩm tốt nhất.
Sự yếu thế đó chính là lý do pháp luật dành sự quan tâm đặc biệt tới việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thông qua ban hành cũng như sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Hiện tại, dự thảo nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đang được xây dựng và đưa ra tham vấn.
Ở góc độ doanh nghiệp, việc ban hành, sửa đổi luật có thể phát sinh thêm những quy định, thủ tục, làm tăng chi phí hoạt động. Tuy nhiên, ông Hải nhìn nhận, việc ban hành và sửa đổi quy định bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có thể giúp ích cho doanh nghiệp.
“Doanh nghiệp nếu có sự phát triển dựa trên quyền lợi của người tiêu dùng thì sự phát triển đó sẽ rất bền vững”, ông Hải nói tại hội thảo tham vấn dự thảo nghị định do Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) và URC Việt Nam phối hợp tổ chức.
Hài hòa lợi ích
Nhằm kiểm soát việc cung cấp thông tin tới người tiêu dùng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 đã lần đầu tiên đưa ra khái niệm “người có ảnh hưởng”. Dự thảo nghị định hướng dẫn luật trước đó có liệt kê những “người có ảnh hưởng”, bao gồm chuyên gia, người có uy tín hay người nổi tiếng trên phương diện truyền thông đại chúng.
Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, ban soạn thảo dự thảo nghị định đang cân nhắc nghiên cứu điều chỉnh quy định chi tiết xác định “người có ảnh hưởng” thông qua việc có thỏa thuận với doanh nghiệp để cung cấp thông tin hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng.
Hướng điều chỉnh này được đánh giá là sát với thực tiễn hơn so với việc liệt kê như trước đây.
Bên cạnh đó, nhằm điều chỉnh các hoạt động giao dịch thông qua thương mại điện tử, một số nội dung liên quan đến nền tảng số và nền tảng số trung gian của dự thảo được đưa ra thảo luận.
Các nội dung cụ thể có kể bao gồm cấm hành vi ép buộc người tiêu dùng sử dụng nền tảng số như điều kiện để sử dụng dịch vụ, hiển thị không trung thực các đánh giá về sản phẩm, dịch vụ, công khai thông tin cảnh báo người tiêu dùng khi giao dịch trên mạng.
Những nội dung này không chỉ bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng mà còn góp phần ngăn chặn những hành vi cạnh tranh thiếu lành mạnh, đảm bảo thị trường công bằng cho doanh nghiệp.
Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, cho biết, những ý kiến đóng góp cho dự thảo sẽ được nghiên cứu, tiếp thu tối đa trước khi trình Chính phủ xem xét vào tháng 12 tới.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/bao-ve-nguoi-tieu-dung-truoc-quang-cao-lo-1698946204580.htm