Bảo vệ nguồn nước ngầm trước nguy cơ cạn kiệt
Nguồn nước dưới đất ở nhiều địa phương trên cả nước đang có dấu hiệu suy giảm. Trước thực tế ngày càng nghiêm trọng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu để Chính phủ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm bảo vệ nguồn nước ngầm.
Hệ lụy từ khai thác quá mức, ô nhiễm
Theo Tổ chức UNESCO, nước ngầm hiện chiếm khoảng 50% lượng nước sinh hoạt trên toàn thế giới và 25% lượng nước được sử dụng để tưới tiêu. Tuy nhiên, nguồn nước ngầm ở nhiều quốc gia đã bị khai thác quá mức và bị ô nhiễm nặng, ngày càng cạn kiệt, để lại hậu quả nghiêm trọng. Đơn cử như hạn hán ở Thổ Nhĩ Kỳ năm 2021 khiến sinh kế hàng nghìn nông dân trên khắp đất nước này bị ảnh hưởng nặng nề vì thiếu nước ngầm, mưa ít.
Còn theo nhận định của chuyên gia Clare Nullis từ Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO): “Biến đổi khí hậu (BĐKH) đang ảnh hưởng đáng kể đến chu trình nước, làm giảm lượng nước tự nhiên tích trữ trong băng và tuyết. Sự thay đổi trong các mô hình dòng chảy của các vùng nước cũng ảnh hưởng đến chất lượng nước bề mặt và nước ngầm”.
Đáng nói, hiện tượng này cũng đang diễn ra ở Việt Nam và đã được cảnh báo từ nhiều năm nay. Mặc dù nguồn nước ngầm ở Việt Nam được đánh giá khá dồi dào nhưng những năm gần đây, do nhu cầu sử dụng tăng cao, thực trạng ô nhiễm môi trường nước phổ biến, nguồn nước ngầm của nước ta cũng đối mặt nguy cơ cạn kiệt nhanh chóng.
Theo Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), tổng tài nguyên dự báo nước dưới đất của cả nước khoảng 91 tỷ m3/năm, trong đó, nước nhạt khoảng 69 tỷ m3/năm. Trữ lượng nước nhạt đã được cấp phép khai thác là 3,6 tỷ m3/năm, còn có thể khai thác là 22,3 tỷ m3/năm.
Nguồn nước dưới đất ở nhiều địa phương trong cả nước đang có dấu hiệu suy giảm, trong đó, tỷ lệ sử dụng nước ngầm cho công nghiệp tương đối lớn. Tại TP HCM, ước có khoảng 57% các doanh nghiệp sử dụng nước ngầm, tổng công suất khai thác của cả khu vực doanh nghiệp và dân cư đạt khoảng 600 ngàn m3/ngày.
Còn tại Hà Nội, ước tính nguồn nước ngầm chiếm khoảng 70% nhu cầu của thành phố bao gồm cho cả hoạt động kinh doanh sản xuất và sinh hoạt của người dân, khoảng 1,3 triệu m3/ngày.
Ngoài ra, các thành phố và thị xã đang chủ yếu khai thác nước ngầm là: Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Đông, Sơn Tây, Hưng Yên, Tuyên Quang, Quảng Ngãi, Quy Nhơn, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Số còn lại đều sử dụng nước mặt kết hợp với nước dưới đất.
Có thể thấy, nếu không cùng nhau sử dụng nước hiệu quả ngay từ bây giờ, một khi nguồn tài nguyên nước cạn kiệt, bên cạnh việc thiếu nước cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân cũng sẽ phải đối mặt với việc thiếu nước sạch cho sinh hoạt và sinh kế.
Kêu gọi trách nhiệm toàn xã hội
Trước xu hướng suy giảm, cạn kiệt nguồn nước ngầm ngày càng nghiêm trọng, Bộ TN&MT đã tham mưu để Chính phủ hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nhằm đẩy mạnh kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước; các biện pháp bảo vệ nước dưới đất và hạn chế khai thác nước dưới đất; đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ; kiểm soát chặt chẽ việc bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, phòng chống sạt lở bờ sông, nhất là việc khai thác cát, sỏi trên sông…
Đồng thời, kết hợp với cộng đồng quốc tế xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục, huấn luyện ứng phó, chuyển đổi chính sách nhằm đảm bảo an ninh bền vững nguồn nước. Bộ cũng đã có văn bản đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gấp rút triển khai việc khoanh định, công bố danh mục “vùng hạn chế khai thác nước dưới đất”.
Mới đây, tại Lễ phát động quốc gia hưởng ứng Ngày Nước thế giới (22/3), Ngày Khí tượng thế giới (23/3), Chiến dịch Giờ Trái đất (26/3) năm 2022, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà đã đề nghị các cấp chính quyền đổi mới căn bản về nhận thức và tư duy trong hoạch định chính sách theo hướng bền vững; người dân cả nước tích cực cùng chung tay hành động để mỗi hành động cụ thể sẽ cộng hưởng, tạo sức lan tỏa lớn trong toàn xã hội.
Trên tinh thần đó, Bộ TN&MT cũng đã đưa ra một số khẩu hiệu tuyên truyền như: “Nước ngầm vô hình nhưng tác động hữu hình ở khắp nơi”; “Cùng nhau bảo vệ và sử dụng bền vững nguồn nước ngầm để thích ứng với BĐKH”; “Ở những nơi khô hạn nhất, nước ngầm có thể là nguồn nước duy nhất mà chúng ta có”; “Hãy sử dụng tiết kiệm nước để chia sẻ cơ hội cho mọi người”…
Bên cạnh nỗ lực từ khối nhà nước, những “mảnh ghép” quan trọng còn lại chính là nỗ lực đến từ phía các doanh nghiệp và người dân. Thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã đưa việc giảm lượng nước ngầm dùng trong kinh doanh sản xuất vào vào kế hoạch phát triển. Nestlé Việt Nam và La Vie mới đây thông báo, lượng nước sử dụng để sản xuất trên mỗi sản phẩm của hai doanh nghiệp này hiện giảm hơn 30% so với năm 2010.
Hai công ty này cũng tích cực chia sẻ các sáng kiến và kỹ thuật giúp sử dụng nước hiệu quả đến cộng đồng, các đối tác, nhà cung cấp trong chuỗi sản xuất. Ví dụ, tại khu vực Tây Nguyên, chương trình Nescafé Plan được Nestlé Việt Nam triển khai từ năm 2011 đến nay đã giúp gần 35.000 hộ nông dân giảm 40 - 65% lượng nước để canh tác cà phê. La Vie cũng đang hỗ trợ công ty cấp thoát nước Long An (LAWACO) tăng 40% năng suất xử lý nước bề mặt, giảm phụ thuộc vào nước ngầm trong cung cấp nước sinh hoạt.
Những hành động cụ thể, minh bạch, liên tục từ phía các doanh nghiệp sẽ là một nguồn động lực lớn để phối hợp với cộng đồng và chính quyền địa phương giải quyết các thách thức về suy giảm nguồn nước ngầm nói riêng, đảm bảo sự bền vững của nguồn nước nói chung.