Bảo vệ nhà báo trước những cản trở khi tác nghiệp
CA quận Đống Đa đã ra quyết định khởi tố 2 đối tượng hành hung PV Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội khi đang tác nghiệp. Sự việc xảy ra trước thềm ngày kỷ niệm 98 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, cũng một lần nữa đặt ra vấn đề cần thiết thực hiện những chế tài nghiêm khắc để bảo vệ PV trước những cản trở, hành hung khi tác nghiệp.
Liên tiếp các PV bị hành hung, đe dọa… trong quá trình tác nghiệp
Ngày 17/6, CA quận Đống Đa đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Phạm Văn Phương (SN 1981 ở xã Xuân Phú, huyện Xuân Trường, Nam Định) và Lê Văn Hưng (SN 1984 ở phường Khai Quang, TP Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc) về Tội cố ý gây thương tích. Trước đó vào trưa 6/6, khi nhóm PV Đài PT&TH Hà Nội đang chuẩn bị máy quay để ghi hình tại khu vực vỉa hè trước cửa hàng quạt điện số 19 Đông Các, Ô Chợ Dừa, TP Hà Nội, bỗng có một đối tượng xông ra yêu cầu không quay phim, chụp ảnh.
Mặc dù được giải thích về quyền PV, nhà báo tác nghiệp và nơi đây không có biển cấm quay phim, chụp ảnh, nhưng đối tượng trên vẫn lớn tiếng quát mắng, túm cổ áo quật ngã PV. Sau khi PV của Đài PT&TH Hà Nội ngã ra đất và cố gắng bảo vệ thiết bị, đối tượng Phương và Hưng tiếp tục đạp, đá hành hung khiến PV này phải nhập viện. Thậm chí, khi PV đã được đưa lên xe để chở đi BV cấp cứu, nhóm đối tượng vẫn đuổi theo xe và uy hiếp, đe dọa.
Trước đó không lâu, vào tháng 3/2023, tại huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, nhóm PV của Đài Truyền hình Việt Nam VTV khi đang ghi hình về tình trạng những căn nhà siêu mỏng, siêu méo thì bị một số người dân manh động cản trở tác nghiệp. Ngay sau đó, CA xã Trung Hòa (huyện Thủy Nguyên) đã triệu tập tất cả những trường hợp cản trở PV tác nghiệp lên làm việc, yêu cầu viết cam kết không tái phạm và xử lí nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tháng 5/2023, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi đã ký ban hành công văn số 32 CV/HNBVN gửi UBND tỉnh Hưng Yên và GĐ CA tỉnh Hưng Yên về việc đề nghị bảo vệ PV, hội viên khi tác nghiệp.Theo đó, ngày 20/4, Hội Nhà báo Việt Nam nhận được văn bản của Chi hội Báo Pháp luật Việt Nam về vụ việc có dấu hiệu xúc phạm danh dự, cản trở PV khi tác nghiệp.
Cụ thể, ngày 13/4, PV Đỗ Thị Mỵ Châu, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam cùng một đồng nghiệp công tác tại Báo Công lý, đến BV Đa khoa Phúc Lâm, Tập đoàn Y học Phúc Lâm (thuộc địa bàn xã Long Hưng, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) để liên hệ làm việc theo Giấy giới thiệu của Báo Pháp luật Việt Nam cấp. Nhân viên Phòng Hành chính đã tiếp nhận Giấy giới thiệu của PV, cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo đơn vị để sắp xếp lịch làm việc và liên hệ lại với PV sau.
Nhưng khi ô tô chở nhóm PV ra cổng BV thì bảo vệ của BV đã không cho xe ra ngoài và yêu cầu kiểm tra xe PV với lý do “BV đang mất một máy và cấp trên đã có lệnh yêu cầu kiểm tra những xe đi ra khỏi BV”. PV đã liên hệ với đồng chí Chu Đức Lễ, Phó Trưởng CA xã Long Hưng đề nghị xử lý vụ việc và giải quyết để PV được ra ngoài. Nhưng khi lực lượng CA xã đến hiện trường đã không lập biên bản, không yêu cầu phía BV đa khoa Phúc Lâm chấm dứt hành vi giữ người, giữ xe trái luật mà còn đề nghị PV phối hợp cho lực lượng bảo vệ khám xét xe. Việc khám xét không thu giữ được đồ vật nào của BV nên PV được ra về.
PV yêu cầu lập biên bản nhưng bảo vệ BV không thực hiện. Đấy là trong số ít các vụ việc PV bị đe dọa, hành hung, giam giữ trái phép khi đang tác nghiệp. Thực tế trước đó, nhiều PV trong quá trình điều tra, phản ánh vụ việc còn bị các đối tượng đe dọa… giết cả nhà.
PV tự bảo vệ mình thế nào?
Đứng trước thực trạng này, ngoài việc PV cần nâng cao kĩ năng, khả năng tác nghiệp trong môi trường có những sự rủi ro, các cơ quan chức năng, hội nghề nghiệp cũng cần tăng cường kết nối và xử lý nghiêm khắc những vụ việc vi phạm quy định như trên. Đặc biệt, khi cơ quan báo chí phát hiện, điều tra, đưa thông tin về các vụ án lớn, hành vi tiêu cực liên quan đến nhiều nhóm lợi ích thì họ càng phải đối mặt với nguy cơ rủi ro, bị cản trở khi tác nghiệp và thậm chí đe dọa, hành hung, trả thù. Hành vi đe dọa của các đối tượng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tinh thần và cuộc sống của các PV, nhà báo, tạo tâm lý bất an đối với PV các cơ quan báo chí tác nghiệp trên địa bàn.
Về vấn đề này, theo nhà báo Hồng Nhung, báo Phụ nữ Thủ đô, rủi ro luôn ẩn chứa trong quá trình hoạt động nghề nghiệp của nhà báo. Điều này xuất phát từ thông tin mang tính “nhạy cảm” mà báo chí phát hiện xung đột lợi ích với nhiều đối tượng... Vì vậy, khi dấn thân, việc đầu tiên để tự bảo vệ mình, PV báo chí cần phải biết chọn mức độ để dừng lại, nhất là khi nhập vai để điều tra. Ngoài ra, PV không thể không am hiểu luật pháp, phải biết điểm dừng để tự bảo vệ mình, không thể dũng cảm xông pha theo kiểu bất chấp để dẫn đến hệ lụy xấu, nguy hiểm. “Khi nhà báo đã không tự bảo vệ được mình thì làm sao có thể bảo vệ người khác?” – theo nhà báo Hồng Nhung.
Cũng về vấn đề bảo vệ PV, nhà báo trước những đe dọa hoặc hành hung khi tác nghiệp, theo luật sư Nguyễn Tiến Hùng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cần xử nghiêm những đối tượng có những hành vi vi phạm nghiêm trọng nêu trên.
Theo đó, tại Điều 7 Nghị định 119/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản, được sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP quy định rõ phạt tiền từ 70.000.000 đến 100.000.000 đồng đối với người có hành vi, lời nói, hành động đe dọa tính mạng nhà báo, PV mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Đồng thời, đối tượng bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc xin lỗi đối với hành vi đã gây ra.
Tùy từng hành vi vi phạm và mức độ nghiêm trọng thì hành vi đe dọa giết đối với nhà báo hay người thân nhà báo còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật với tội danh "Đe dọa giết người". Theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự 2015 thì người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ khiến nạn nhân lo sợ sẽ bị thực hiện thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Ngoài ra, trường hợp đe dọa đối với 2 người trở lên hoặc đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân thì người đe dọa có thể nhận mức phạt cao nhất lên đến 7 năm tù. Đối với một số nhà báo làm việc theo chế độ viên chức thì họ cũng là một trong những người thi hành công vụ. Về điều này, theo luật sư Hùng, có thể áp vào Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về Tội chống người thi hành công vụ.
“Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; Đối với tình tiết tăng nặng có thể bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm.” – luật sư Hùng cho biết.