Bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể võ cổ truyền Bình Định

Võ cổ truyền Bình Định không chỉ là một môn võ thuật, mà còn là kết tinh của tinh thần thượng võ, ý chí tự cường và văn hóa ứng xử cao đẹp của người Việt. Với chiều sâu lịch sử, văn hóa và triết lý sống, võ cổ truyền Bình Định chính là một trong những di sản phi vật thể cần được nhận diện, bảo vệ và phát huy.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu chào mừng Hội thảo.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh phát biểu chào mừng Hội thảo.

Ngày 5/1, tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định phối hợp với Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo quốc tế “Bảo vệ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể và võ cổ truyền Bình Định” với sự tham dự của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các võ sư trong và ngoài nước.

Võ cổ truyền Bình Định ra đời, phát triển trên vùng đất Bình Định và có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây. Với người Bình Định, thực hành, luyện tập võ không chỉ nhằm tự vệ và rèn luyện sức khỏe mà còn là phương cách trau dồi, truyền dạy tâm tính, đạo đức, giá trị, và triết lý, đạo lý sống của các cá nhân, cộng đồng. Trong đời sống xã hội đương đại, võ cổ truyền Bình Định được duy trì và phát triển ngày càng sâu rộng với sự đa dạng của các loại hình, môn phái, không gian truyền dạy cũng như sự gắn kết của võ cổ truyền với các loại hình văn hóa, nghệ thuật khác.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu tại Hội thảo.

Trong những năm qua, UBND tỉnh Bình Định đã chỉ đạo Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với các ngành liên quan tổ chức khảo sát, sưu tầm các bài quyền, binh khí, chân dung các cố võ sư, võ sư tiêu biểu tại các võ đường trong và ngoài tỉnh; tổ chức thành công 08 kỳ Liên hoan quốc tế Võ cổ truyền Việt Nam, kỳ liên hoan đầu tiên được tổ chức vào năm 2006, đã góp phần quan trọng trong công tác bảo tồn, quảng bá, giới thiệu võ cổ truyền đến đông đảo công chúng trong và ngoài nước.

Với những nỗ lực, cố gắng đó, năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ghi danh võ cổ truyền Bình Định vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. 12 năm sau, năm 2024, võ cổ truyền Bình Định đã chính thức làm hồ sơ đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Võ cổ truyền Bình Định được duy trì và ngày càng phát triển sâu rộng.

Võ cổ truyền Bình Định được duy trì và ngày càng phát triển sâu rộng.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Thanh cho biết: Để giảm thiểu nguy cơ di sản bị mai một, đảm bảo sức sống của di sản cho hiện tại, tương lai và cho sự phát triển bền vững của võ cổ truyền Bình Định, Hội thảo hôm nay là cơ sở rất quan trọng để tỉnh Bình Định hoàn thiện hồ sơ khoa học “Võ cổ truyền Bình Định” đệ trình UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Theo Phó Chủ tịch UBND Nguyễn Tuấn Thanh, Hội thảo còn là diễn đàn học thuật quan trọng để các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước cùng làm rõ những vấn đề khoa học về Võ cổ truyền và những vấn đề khoa học khác liên quan đến võ cổ truyền từ góc độ di sản văn hóa phi vật thể. Với mục tiêu cao nhất là hướng tới công tác bảo vệ và phát huy giá trị của di sản võ cổ truyền nói chung và võ cổ truyền Bình Định nói riêng từ góc độ di sản văn hóa phi vật thể; hướng đến việc huy động sự tham gia tích cực của cộng đồng thực hành di sản, giảm thiểu nguy cơ di sản bị mai một.

Phát biểu chỉ đạo Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho biết: Võ cổ truyền Bình Định, với chiều sâu lịch sử, văn hóa và triết lý sống, chính là một trong những di sản phi vật thể cần được nhận diện, bảo vệ và phát huy. Việc xây dựng hồ sơ võ đệ trình UNESCO ghi danh là một nhiệm vụ quốc gia, không chỉ hướng tới mục đích bảo vệ di sản cho thế hệ hiện tại và tương lai, mà còn là cơ hội để giới thiệu tinh hoa văn hóa Việt Nam với thế giới, khẳng định vị thế của Bình Định nói riêng và Việt Nam nói chung trên bản đồ di sản văn hóa toàn cầu.

Hội thảo thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các võ sư trong và ngoài nước.

Hội thảo thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các võ sư trong và ngoài nước.

“Việc xây dựng hồ sơ ghi danh võ cổ truyền Bình Định vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sẽ mang lại niềm tự hào lớn lao, đồng thời đặt lên vai chúng ta trách nhiệm bảo vệ và phát huy di sản một cách bền vững. Với vai trò là cơ quan quản lý văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, cộng đồng chủ thể, và các chuyên gia trong và ngoài nước để thực hiện nhiệm vụ quan trọng này”, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương cho hay.

Tại Hội thảo, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu đã có 52 bài tham luận tập trung vào 4 nhóm vấn đề chính: Võ cổ truyền Bình Định từ góc nhìn di sản văn hóa phi vật thể; Võ cổ truyền Bình Định - bản sắc địa phương, biến đổi và hội nhập; Bảo vệ và phát huy di sản võ cổ truyền Bình Định trong bối cảnh đương đại và Bài học từ các quốc gia về bảo vệ và phát huy di sản võ… nhằm làm rõ những vấn đề khoa học về võ cổ truyền và những vấn đề khoa học khác liên quan đến võ cổ truyền từ góc độ di sản văn hóa phi vật thể.

Thu Loan

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/bao-ve-phat-huy-di-san-van-hoa-phi-vat-the-vo-co-truyen-binh-dinh-392298.html