Bảo vệ, phát huy giá trị di sản kéo co
Năm 2015, hồ sơ đa quốc gia Nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc và Philippines đã được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. 8 năm sau khi được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, các cộng đồng trong và ngoài nước cùng sở hữu Nghi lễ và trò chơi kéo co vẫn đang nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản này.
Nghi thức quan trọng trong các lễ hội làng
Việt Nam có 4 địa phương là Lào Cai, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh và Hà Nội có di sản kéo co được UNESCO ghi danh. Gắn với lễ hội, nghi lễ và trò chơi kéo co vẫn đang được các cộng đồng gìn giữ, phát huy.
Trong khuôn khổ Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2023, Sở VHTT Hà Nội phối hợp với UBND Quận Long Biên, Hội Di sản Văn hóa VIệt Nam tổ chức Tọa đàm quốc tế Bảo vệ và phát huy Nghi lễ và trò chơi Kéo co trong đời sống đương đại.
Nghi lễ và trò chơi gắn với nền nông nghiệp cổ xưa của dân tộc ta, bắt nguồn từ nghi lễ cầu mùa của cư dân trồng lúa. Sinh sống dựa vào nghề nông, từ xa xưa nhân dân ta đã tôn thờ những lực lượng tự nhiên như thần sông nước, thần mặt trời, mặt trăng, mây, mưa, sấm, chớp... và tiến hành các lễ nghi nông nghiệp cổ truyền để ước nguyện cho mưa thuận gió hòa, mùa màng no ấm.
Bởi vậy, kéo co hiện diện lâu đời ở nhiều cộng đồng như một trò diễn - nghi thức quan trọng trong các lễ hội làng, tổ chức vào dịp đầu xuân, nhằm chính thức khép lại một chu trình nông nghiệp và khởi đầu cho một mùa vụ mới. Kéo co được phổ biến rộng rãi ở nhiều nơi, từ miền Bắc đến miền Nam, từ đồng bằng đến miền núi. Tuy nhiên, nghi lễ và trò chơi kéo co tập trung hầu hết ở vùng trung du, đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ - cái nôi của nền văn minh lúa nước, văn minh sông Hồng. Kéo co cũng được một số tộc người miền núi phía Bắc Việt Nam thực hành thường xuyên, như người Tày, Thái, Giáy - vốn là những cư dân trồng lúa sớm trong lịch sử.
Người Việt gọi “kéo co” bằng nhiều tên như “kéo song”, “kéo mây”, “kéo co ngồi”, “kéo mỏ”, người Tày gọi là “Nhanh vai”, “pẻng luông”, người Giáy là “So vai”, người Thái là “Nạ bai”. Không chỉ phong phú về tên gọi, vật liệu, cách thức chơi cũng như ý nghĩa biểu tượng của kéo co rất đa dạng. Từ những loài thực vật sinh trưởng trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, nóng ẩm, gió mùa, người dân đã chọn lựa ra các loài cây thích hợp như cây tre, cây song, cây mây... làm vật liệu kéo và dây kéo co, cũng như sáng tạo nên những cách thức kéo co sinh động.
Nhìn chung có hai cách kéo co chính: Kéo co ngồi (người chơi ngồi trong hố đào vào mặt đất, chân tỳ vào điểm tựa phía trước để kéo một sợi dây ở hai hướng ngược nhau) và kéo co ở tư thế đứng. Người Tày, người Thái thường dùng dây mây hoặc sợi dây rừng để kéo trực tiếp, trong khi người Việt lại có tục kéo sợi dây song hay dây thừng luồn qua một cột gỗ… Quy tắc chọn lựa người tham gia kéo co cũng có nhiều biến thể khác nhau, phản ánh những yếu tố tộc người.
Gìn giữ, phát huy di sản kéo co
Theo Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, PGS.TS Đỗ Văn Trụ, nghi lễ kéo co tồn tại ở khắp cả nước, không chỉ trong cộng đồng người Kinh mà còn trong các dân tộc như Tày, Dáy, mỗi nơi có một sắc thái riêng, tạo nên sự đa dạng văn hóa. Kéo co không chỉ là trò chơi hay hoạt động thể thao mà còn là một nghi lễ thiêng liêng gắn kết với đời sống tinh thần, tâm linh và ước vọng tốt đẹp của cộng đồng, với những sắc thái riêng của mỗi quốc gia và mỗi vùng miền.
“Khi được UNESCO vinh danh thì di sản này không chỉ là của riêng một cộng đồng hay riêng Việt Nam mà còn là một phần của di sản thế giới. Do đó chúng ta cần gìn giữ, phát huy, liên kết các cộng đồng trong nước, từ đó kết nối với các nước khác cũng sở hữu di sản này”, PGS.TS Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh.
Đại diện các địa phương đồng thuận, nhằm giữ gìn, bảo vệ và phát huy di sản kéo co cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục di sản, mở rộng cộng đồng kéo co trong toàn quốc. Đại diện đoàn kéo co (kéo song), thị trấn Hương Canh, Bình Xuyên, Vĩnh Phúc cho hay, địa phương đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn phục dựng đầy đủ và lập cơ sở dữ liệu, tư liệu nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di sản, làm cơ sở cho công tác giới thiệu, quảng bá, đưa kéo song vào thành môn học truyền thống tại các nhà trường trên địa bàn thị trấn và trong tương lai mở rộng ra toàn huyện.
Nguyễn Văn An, Bảo tàng Bắc Ninh cho biết, nghi lễ và trò chơi kéo co Hữu Chấp (Bắc Ninh) ngày nay mặc dù vẫn được nhân dân duy trì nhưng việc gìn giữ và phát triển nghi lễ và trò chơi này đang gặp nhiều khó khăn như: Do trong thời gian dài bị ảnh hưởng của chiến tranh, lễ hội không được tổ chức, nghè và những đồ thờ tự phục vụ cho nghi thức rước nước không còn nên đã nhiều năm nay, lễ rước nước không được diễn ra trong lễ hội.
Trong làng, những người còn nhớ về nghi lễ này cũng không nhiều. Bên cạnh đó, việc đi chọn những cây tre đủ tiêu chuẩn dùng làm dây kéo cũng gặp không ít khó khăn. Bởi lẽ ngày nay trong làng không còn tre nên mỗi lần tổ chức phải đi khắp nơi, trong nhiều ngày, sang cả các tỉnh khác mới tìm được những cây tre đủ tiêu chuẩn. Vì thế, một số kiêng kỵ trong chọn tre cũng được giảm bớt cho phù hợp như nguồn gốc cây tre không được thẩm định kỹ, tre chỉ cần đảm bảo đủ độ già, không bị sâu, bị kiến đục. Trong những năm qua, do việc tổ chức tốn kém nên nhân dân chỉ tổ chức trò chơi Kéo co hai năm một lần vào những năm chẵn, không gian lễ hội cũng phải chuyển qua vùng đất rộng trước đình chứ không còn tổ chức trong sân đình như trước. Mặc dù có một số những thay đổi kể trên, nhưng nghi lễ và trò chơi Kéo co làng Hữu Chấp hàng năm vẫn thu hút đông đảo nhân dân, du khách thập phương về tham dự.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Lào Cai Dương Tuấn Nghĩa, để thực hiện cam kết bảo vệ và phát huy giá trị của di sản theo công ước UNESCO, Lào Cai đã ban hành các kế hoạch, văn bản chỉ đạo các địa phương có di sản tăng cường tuyên truyền, khuyến khích cộng đồng các dân tộc trao truyền di sản văn hóa trong cộng đồng để cùng nhau bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa, gắn bảo tồn với phát triển sản phẩm du lịch đặc thù của địa phương.
Việc nhận diện di sản và ý nghĩa của di sản trong đời sống; vai trò, trách nhiệm của cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản cũng được các địa phương quan tâm, chú trọng. Ông Ngô Quang Khải, Trưởng ban quản lý di tích đền Trấn Vũ, Long Biên, Hà Nội, cho biết: “Chúng tôi đang thực hiện tốt công tác bảo tồn di sản, đặc biệt là tuyên truyền cho thế hệ trẻ về truyền thống quê hương. Hàng năm, khoảng 12.000 học sinh đến tham quan đền và tìm hiểu về kéo co ngồi. Chính quyền địa phương đã và đang hỗ trợ xây dựng nhà truyền thống để trình chiếu những hình ảnh và phim tài liệu giới thiệu di sản kéo co, không chỉ của địa phương mà của các cộng đồng, dân tộc đang sở hữu di sản”./.
Nguồn Tổ Quốc: https://toquoc.vn/bao-ve-phat-huy-gia-tri-di-san-keo-co-20231118125314144.htm