Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến

Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên môi trường trực tuyến đang trở thành vấn đề 'nóng', 'cấp thiết' đối với xã hội nói chung, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng nói riêng.

Đặc biệt trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của loại hình kinh doanh này và sự phức tạp, tinh vi trong việc lợi dụng thương mại điện tử để lừa đảo người tiêu dùng, việc này càng trở nên quan trọng.

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm trực tuyến. Ảnh: Nguyễn Quang

Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm trực tuyến. Ảnh: Nguyễn Quang

Tiện ích song hành cùng nguy cơ

Theo thống kê của Bộ Công Thương, thương mại điện tử tại Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng từ 20% đến 35% trong suốt 7-8 năm trở lại đây, kể cả trong đại dịch Covid-19. Dự báo trong giai đoạn 2022-2025, kinh tế internet Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng dẫn đầu khu vực, đạt khoảng 31%/năm. Đáng chú ý, Việt Nam cũng được dự báo sẽ nằm trong tốp 3 quốc gia thu hút nhiều nhà đầu tư thương mại điện tử nhất và đến năm 2025, quy mô thị trường thương mại điện tử của Việt Nam có thể ngang với bán lẻ truyền thống…

Phó Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) Lê Thị Việt Hà cho biết, dù có tốc độ phát triển mạnh mẽ, tiện ích đều được thấy rõ, nhưng nguy cơ rủi ro đối với người tiêu dùng trong thương mại điện tử cũng rất lớn. Cùng với sự phát triển, môi trường thương mại điện tử đã và đang xuất hiện nhiều bất cập, tiềm ẩn không ít rủi ro cho người tiêu dùng như vấn nạn hàng giả, không rõ nguồn gốc, vi phạm sở hữu trí tuệ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản...

Với mục tiêu tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong hoạt động mua sắm trực tuyến, bảo vệ các thương nhân, tổ chức kinh doanh lành mạnh và thúc đẩy thương mại điện tử phát triển, trong năm 2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã rà soát, yêu cầu các công ty, tổ chức hoạt động thương mại điện tử gỡ bỏ, khóa 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website vi phạm có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Hoàn thiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thời gian qua, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và của toàn xã hội, đặc biệt trong bối cảnh và tình hình mới hiện nay.

Đến thời điểm này, hệ thống chính sách, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử về cơ bản đã được ban hành khá đầy đủ, đáp ứng được yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể như: Ngày 22-1-2019, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TƯ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Từ năm 2020, Bộ Công Thương đã tham mưu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội cho phép xây dựng Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Sau gần 2 năm triển khai xây dựng, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) đã chính thức được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 20-6-2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024, thay thế cho Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010.

Bên cạnh đó, ngày 22-6-2023, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2024 (cùng thời điểm hiệu lực với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi) để thay thế cho Luật Giao dịch điện tử năm 2005…

So với luật năm 2010, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 có nhiều quy định mới, đặc biệt các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng. Bên cạnh đó, luật năm 2023 còn đưa ra nhiều hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số. Đặc biệt, nhằm cảnh báo cho người tiêu dùng, luật bổ sung trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ, UBND cấp tỉnh, cơ quan báo chí, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc công khai các thông tin về tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng…

Bên cạnh đó, trong giai đoạn 2022-2023, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (nay là Ủy ban Cạnh tranh quốc gia), đã phối hợp với Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) tại Hà Nội xây dựng bộ Quy tắc hướng dẫn kinh doanh có trách nhiệm vì người tiêu dùng trong thương mại điện tử.

Thông tin thêm, ông Phan Thế Thắng - Ban Bảo vệ người tiêu dùng (Ủy ban Cạnh tranh quốc gia) cho biết, sau khi được hoàn thành, bộ quy tắc đã nhận được sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo doanh nghiệp trong lĩnh vực thương mại điện tử ở Việt Nam; giúp doanh nghiệp hiểu hơn về các quy định pháp luật có liên quan để tuân thủ đầy đủ, đồng thời góp phần tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, nâng cao uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp trong quá trình áp dụng.

Cùng với các hoạt động thanh tra, kiểm tra của Bộ Công Thương, bộ Quy tắc hướng dẫn kinh doanh có trách nhiệm vì người tiêu dùng trong thương mại điện tử do Ủy ban Cạnh tranh quốc gia xây dựng sẽ giúp các sàn thương mại điện tử tự đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật của mình về thương mại điện tử và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Từ đó hoàn thiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và thúc đẩy kinh doanh trên thương mại điện tử bền vững, hiệu quả hơn.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-tren-moi-truong-truc-tuyen-653215.html