Bảo vệ rừng gắn với phát triển du lịch
Tỉnh ta có nguồn tài nguyên rừng quý giá với nhiều hệ động thực vật phong phú, rất thuận lợi cho việc khai thác và phát triển du lịch. Để du lịch trở thành nghành kinh tế quan trọng của tỉnh, phát triển du lịch một cách bền vững, nhiệm vụ quản lý và bảo vệ tài nguyên rừng phải được chú trọng.
Nhiều giải pháp bảo vệ rừng
Tuyên Quang có 448.680 ha rừng và đất lâm nghiệp (gồm đất rừng đặc dụng, phòng hộ và sản xuất). Tổng diện tích rừng hiện có là hơn 422.400 ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên 281.700 ha; tỷ lệ che phủ rừng của tỉnh đạt hơn 65%, đứng thứ 3 cả nước.
Với hệ sinh thái rừng đa dạng và phong phú, có trên 2.000 loài động, thực vật, trong đó có nhiều loại được ghi trong sách đỏ Việt Nam như: trai, nghiến, bách xanh đá, lát hoa, đinh, thông tre, hoàng đàn, trầm gió, thông Pà Cò... đặc biệt nơi đây vẫn còn giữ được những cá thể nghiến nghìn năm tuổi với đường kính rộng từ 4 - 5 m. Nhiều loài động vật ghi trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ Thế giới như voọc mũi hếch, voọc đen má trắng, khỉ lông vàng, khỉ mặt đỏ, cu li lớn, cu li nhỏ, tắc kè, rắn hổ mang… Điều đặc biệt mỗi cánh rừng nguyên sinh ở các huyện Na Hang, Lâm Bình, Hàm Yên, Sơn Dương…đều có những đặc trưng riêng mang đến tiềm năng du lịch sinh thái vô tận.
Huyện Sơn Dương có 3.100 ha rừng đặc dụng thuộc địa bàn các xã ATK được bảo vệ nghiêm ngặt. Mặc dù địa bàn rộng lại giáp ranh với tỉnh Thái Nguyên nhưng nhờ làm tốt công tác tuần tra bảo vệ, kết hợp với đẩy mạnh tuyên truyền đến từng hộ gia đình về ý nghĩa, tầm quan trọng trong công tác bảo vệ rừng đặc dụng gắn với các địa danh lịch sử, từ đó các hộ đã tự nguyện ký cam kết bảo vệ rừng.
Huyện Lâm Bình thực hiện nhiều giải pháp quản lý bảo vệ rừng, trong đó có giải pháp dựa vào dân để giữ rừng. Hàng năm Hạt Kiểm lâm Lâm Bình tổ chức ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng cho hơn 700 hộ ở các thôn. Theo đó, các nhóm hộ đã được củng cố, phát huy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng dân cư bảo vệ rừng. Các xã tiếp tục duy trì và củng cố các tổ, đội xung kích bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng lấy lực lượng dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên làm nòng cốt tham gia; tổ chức ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng. Do vậy, những năm gần đây các vụ vi phạm về lâm luật giảm; hầu như không xảy ra cháy rừng. Tỷ lệ che phủ rừng của huyện khá lớn, lên đến gần 78%.
Xã hội hóa công tác quản lý, bảo vệ rừng, bằng cách đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật về rừng cho chính quyền các xã, thị trấn và người dân là cách huyện Na Hang thực hiện. Đến nay, tại 12/12 xã, thị trấn của huyện đã thành lập ban chỉ đạo quản lý, bảo vệ rừng với 281 thành viên. Các địa phương cũng đã củng cố, kiện toàn đội quần chúng bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng tại 131 tổ. Ông Ma Thanh Khiết, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Na Hang cho biết, yếu tố quan trọng quyết định thành công trong công tác quản lý bảo vệ rừng là phải dựa vào dân để vận động tuyên truyền, để nhân dân là "tai mắt", là cánh tay nối dài của lực lượng kiểm lâm.
Cùng với khu rừng đặc dụng của huyện Na Hang, tỉnh ta còn có những cánh rừng đặc dụng Tân Trào (huyện Sơn Dương); rừng đặc dụng Cham Chu (huyện Hàm Yên). Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức pháp luật về rừng thì các ngành, địa phương phổ biến đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách mới của Nhà nước về lĩnh vực lâm nghiệp, người dân được hưởng lợi, từ đó nâng cao trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ rừng.
Khu du lịch trọng điểm của tỉnh
Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình, điểm du lịch sinh thái trọng điểm của tỉnh có diện tích trên 21.000 ha, với sự đa dạng về cảnh sắc thiên nhiên, phong phú về động, thực vật, trong đó có 8.000 ha diện tích mặt nước hồ thủy điện Tuyên Quang. Nơi đây được ví như "Nàng tiên xanh giữa rừng đại ngàn" bởi cảnh quan thiên nhiên kỳ vỹ, có độ đa dạng sinh học cao. Nơi đây có lợi thế rất lớn trong việc phát triển loại hình du lịch sinh thái. Hiện nay, đây đang là điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch trong nước và quốc tế đến khám phá rừng nguyên sinh kết hợp tham quan vùng lòng hồ thủy điện với những khung cảnh thơ mộng và huyền bí với những danh lam thắng cảnh như: núi Pắc Tạ, danh thắng 99 ngọn núi Thượng Lâm huyền thoại, hòn Cọc Vài phạ, Núi Đổ… Đặc biệt ẩn chứa trong những cánh rừng nguyên sinh là hệ thống các thác nước, hang động nguyên sơ, kỳ vĩ chứa đựng những sự tích, huyền thoại gắn với sinh hoạt đời sống lâu đời của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, khiến nơi đây trở thành điểm đến ưu thích của du khách. Trung bình mỗi năm nơi đây đón trên 100.000 lượt khách tham quan du lịch.
Những năm gần đây, chính quyền địa phương và người dân đã đồng hành khai thác tiềm năng của địa phương để phát triển du lịch sinh thái. Với các tua tuyến du lịch, trải nghiệm rừng nguyên sinh, du lịch lòng hồ, khám phá hang động, thác nước… Điển hình như huyện Na Hang đang thí điểm mô hình du lịch trải nghiệm đưa du khách đi thăm những cây nghiến, rừng nghiến cổ thụ, hay tại Tân Trào (Sơn Dương) tua khám phá vẻ đẹp của khu rừng già nguyên sinh Đồng Man - Lũng Tẩu, thưởng ngoạn vẻ đẹp hoang sơ, được ngắm nhìn rừng hoa phách tím nở…
Tận dụng nguồn tài nguyên rừng để phục vụ du lịch cần đặt lợi ích bảo tồn lên trên lợi ích kinh tế. Phát triển du lịch phải đi đôi với bảo vệ cảnh quan, môi trường và phát triển rừng. Các địa phương cần có một chiến lược phát triển du lịch phù hợp, có sự quản lý theo hệ thống để khai thác tốt, bền vững và hài hòa giữa mục tiêu phát triển du lịch với mục tiêu bảo tồn thiên nhiên.