Bảo vệ rừng ngập mặn để giữ làng
Rừng ngập mặn bàu Cá Cái, ở thôn Thuận Phước, xã Bình Thuận (Bình Sơn) đang được người dân nơi đây ra sức bảo vệ. Cánh rừng không chỉ có tác dụng phòng hộ, cải thiện môi trường sinh thái, mà còn mở ra hướng thoát nghèo bền vững cho người dân vùng ven biển.
Đến bàu Cá Cái, chúng tôi tận mắt chứng kiến sự kỳ thú của cánh rừng ngập mặn này. Ông Dương Sớt (62 tuổi), ở thôn Thuận Phước cho biết: "Khu rừng này có từ hồi nào tới giờ, chúng tôi coi đấy là tài sản ông bà để lại. Tôi lớn lên đã thấy rừng mọc dày vây quanh xóm nhỏ. Rừng có lúc mỏng lúc dày, nhưng tôm cá thì chưa bao giờ cạn, bởi rừng mọc tới đâu là tôm cá về bám dưới tầng rễ cây sản sinh tới đó.
Nhờ có rừng ngập mặn che chắn, nên thiệt hại do bão gây ra tại địa phương không đáng kể. Ảnh: Tr.Ân
Rừng ngập mặn bàu Cá Cái chủ yếu trồng cây cóc trắng. Những năm chưa có điện, người dân còn dùng củi đốt để nấu ăn, nhưng với bàu Cá Cái thì tuyệt nhiên không ai dám đụng đến cây cối ở rừng này. Không dừng lại ở những quy ước, những thỏa thuận mang tính cộng đồng trong làng xã, đây còn là một phần của dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với những tác động của biến đổi khí hậu cho các cộng đồng dễ bị tổn thương ven biển Việt Nam” do Quỹ Khí hậu xanh (GCF) phối hợp với Chính phủ Việt Nam thực hiện thông qua sự điều phối của Chương trình phát triển Liên Hợp quốc (UNDP).
Dự án đã trồng mới và bảo vệ 80ha rừng ngập mặn tại bầu Cá Cái, trong đó đã giao khoán hơn 50ha rừng già cho các hộ dân bảo vệ. Khu rừng này có tác dụng che chắn gió bão, cải thiện hệ sinh thái, các loài chim, cò về đây cư trú, sinh sản rất nhiều. Dưới các luồng lạch, cá, ốc, cua cũng xuất hiện ngày càng nhiều. Anh Tạ Hoàng Sĩ, một người dân ở địa phương, cho hay: Nơi này được bao bọc bởi sông nước vây quanh. Nhờ có rừng ngập mặn che chắn, nên tác hại của mưa bão đã giảm đi đáng kể.
"Mục sở thị" cánh rừng già trải dài hàng chục cây số mới thấy hết sự phong phú của hệ sinh thái rừng ngập mặn. Những gốc cổ thụ ngoằn ngoèo, cây to che bóng mát cho những lớp cây con mới mọc, trái cây già rụng xuống, được sóng xô đi rồi nảy mầm bén rễ ở một rẻo đất khác, góp thêm một mầm mới. Rừng mỗi năm lại dày thêm. Rừng mọc tới đâu, tôm cua, cá về chen chân ấp nở tới đó. Không những giữ được làng, giữ được đất, cánh rừng này tiếp tục tạo ra sinh kế cho người dân địa phương.
Vào mùa thu, rừng ngập mặn bàu Cá Cái mang vẻ đẹp khác lạ khi cây rũ hết lá, chỉ còn lại phần thân và cành màu trắng. Những năm gần đây, du khách tìm đến bàu Cá Cái để được đắm mình trong thiên nhiên hoang sơ tuyệt đẹp. Trưởng thôn Thuận Phước Lê Quang Thanh chia sẻ: Từ khi rừng ngập mặn bàu Cá Cái được phục hồi và trồng mới, nhiều gia đình kinh doanh thêm dịch vụ chở khách du lịch tham quan rừng ngập mặn. Mỗi gia đình có từ 1 - 3 chiếc ghe chở khách tham quan, thu phí từ 150- 200 nghìn đồng/chuyến. Chúng tôi mong muốn du lịch phát triển để có thể tạo thêm việc, tăng thu nhập ổn định cho người dân.