70 năm - hẹn một ngày về

Không đi tập kết từ bến Sông Đốc, nhưng những học sinh miền Nam (HSMN) ở TP.HCM vẫn hẹn nhau về Sông Đốc - Cà Mau, dự lễ Kỷ niệm 70 sự kiện Tập kết ra Bắc (1954 - 2024). Bởi với các cô chú, đó cũng là dấu mốc khởi đầu hình thành hệ thống trường HSMN trên đất Bắc mà họ chính là những hạt giống được gieo trồng dưới mái trường cách mạng ấy. Về với Cà Mau, về với sự kiện cũng là thêm một lần nữa được soi rọi, được tự hào, được cùng bạn bè tắm mình trong bao cung bậc buồn vui từ miền tuổi thơ xa lắc.

Hình ảnh tượng đài con tàu Tập kết tại Sông Đốc, Cà Mau tối ngày 16.11.2024.

Hình ảnh tượng đài con tàu Tập kết tại Sông Đốc, Cà Mau tối ngày 16.11.2024.

Bến tập kết - bến lòng dân

Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, Nam bộ có ba khu vực được chọn tập kết đưa cán bộ, bộ đội, học sinh miền Nam ra Bắc gồm: Hàm Tân - Xuyên Mộc, Cao Lãnh - Ðồng Tháp Mười và Cà Mau. Trong đó, Cà Mau có thời gian tập kết dài nhất với 200 ngày (từ 21.7.1954 đến 10.2.1955) và trung tâm của khu vực tập kết Cà Mau là tuyến kênh xáng Chắc Băng, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Bạc Liêu (nay thuộc xã Trí Phải, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau; một phần thuộc huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang).

Theo các tài liệu và qua tìm hiểu từ những người trong cuộc là cán bộ, bộ đôi, HSMN, Chắc Băng ngày đó nhà cửa còn ít, lực lượng tập kết rất đông nên thường dựng lều trại trong vườn nhà dân, những nơi đất trống để ở tạm. Lúc đó ngoài người tập kết, còn có rất nhiều thân nhân tới thăm, đưa tiễn... Ban đêm có chiếu phim, biểu diễn văn nghệ…; quán xá, lều trại, nhà dân… rộn niềm vui, đèn măng xông sáng rực.

Đoàn HSMN đứng trên tượng đài Con tàu Tập Kết tại Cà Mau.

Đoàn HSMN đứng trên tượng đài Con tàu Tập Kết tại Cà Mau.

Bà con trên địa bàn luôn tạo điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ người tập kết hết lòng, đặc biệt là với bộ đội. Lúc đó ở Ấp 10, xã Trí Phải, có cụ Năm Mênh (Nguyễn Văn Mênh) còn mua con trâu về làm thịt, đãi bộ đội trong tiệc liên hoan chia tay bà con trước khi xuống tàu đi tập kết. Nghe kể, hồi đó ông cụ cũng không khá giả gì, nhưng thương bộ đội, mừng vui đất nước hòa bình mà có hành động thắm tình đậm nghĩa vậy.

Tại Chắc Băng, còn có câu chuyện thật đẹp, thật xúc động mà giờ hẳn nhiều người đã biết, đó là việc má Lê Thị Sảnh (Ấp 10, xã Trí Phải) đã gửi cây vú sữa cho Đại đội Pháo binh 370 (Tiểu đoàn 307) mang ra miền Bắc biếu Bác Hồ, để khẳng định rằng, lòng người miền Nam vẫn trọn niềm sắt son với Bác. Cây vú sữa đã được Bác Hồ chăm sóc, nâng niu. Cây trưởng thành đơm hoa kết trái và trở thành biểu tượng của tấm lòng đồng bào miền Nam đối với Bác Hồ và tấm lòng Bác Hồ đối với miền Nam.

Năm 2004, nhân kỷ niệm 50 năm sự kiện tập kết ra Bắc, tỉnh Cà Mau đã xây dựng Bia kỷ niệm Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam tại phần đất gia đình má Lê Thị Sảnh. Kỷ niệm 70 sự kiện tập kết ra Bắc năm nay, tỉnh đã trùng tu nâng cấp bia kỷ niệm; đồng thời nâng cấp khu mộ của má Sảnh, tạo thành khu lưu niệm. Nơi đây đã được công nhận là khu di tích cấp tỉnh, trở thành địa chỉ tham quan, giáo dục truyền thống cách mạng tại quê hương.

Đoàn HSMN giao lưu trong phòng trưng bày hình ảnh Tập kết.

Đoàn HSMN giao lưu trong phòng trưng bày hình ảnh Tập kết.

Má Lê Thị Sảnh qua đời năm 1986, thọ 83 tuổi, người đi bứng cây vú sữa về cho má là cô Đỗ Thị Cư (Lê Thị Bảy), tuổi cũng đã 85. Nhắc lại chuyện này cô Bảy hết sức xúc động: “Hồi đó, má biểu tôi đi học ghé nhà ông ngoại nuôi coi có vú sữa con bứng cho má. Nhà ông ngoại có hai cây vú sữa lớn, tôi tìm được cây con chừng 5-6 lá và bứng về. Má ươm cây vú sữa trong bội do ba đan sẵn, rồi để trong kẹt lu nước, hằng ngày ai rửa mặt thì tưới. Một thời gian cây cứng cáp, xanh tốt, má mới gửi biếu Bác Hồ”.

Cô Bảy cũng cho biết: “Trước khi má mất mấy năm, có ông Năm Tuồng ở đơn vị pháo binh 370 (Tiểu đoàn 307) hồi xưa về thăm. Ổng nói, cây vú sữa má gửi đã tới tay Bác Hồ, được Bác chăm sóc, bây giờ cây lớn lắm. Lúc đó má rất vui”.

70 năm, bao biến thiên thời cuộc, hai cây vú sữa trong vườn cụ Năm Đương không còn, gia đình cụ cũng chuyển đi xứ khác. Nhưng có một điều hết sức ý nghĩa là năm 1990, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh nhật Bác, Bảo tàng tỉnh Minh Hải (nay là Cà Mau, Bạc Liêu) đã cử nhân viên là ông Phạm Văn Tắc ra Nhà sàn Bác xin giống cây vú sữa (ươm từ hạt) mà má Lê Thị Sảnh gửi biếu Bác năm 1954, mang về trồng tại Phủ thờ Bác ở xã Trí Phải (nay thuộc xã Trí Lực). Cây vú sữa này hiện vẫn tốt tươi và cho trái hàng năm.

Vậy là cây vú sữa tặng Bác Hồ xuất thân từ quê hương Trí Phải, lại được nhân giống về trồng tại quê nhà, ngay Phủ thờ Bác để đồng bào cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vẫn coi như có Bác bên mình, là nguồn động lực to lớn về mặt tinh thần trên bước đường xây dựng quê hương.

Lại nói một chút về bến chuyển quân lên tàu ra miền Bắc. Theo các nhân chứng, ban đầu người tập kết từ Chắc Băng di chuyển ngược lên Cần Thơ và Vũng Tàu rồi lên tàu lớn đi tập kết. Về sau, tất cả được đưa về bến Sông Đốc để ghe buồm đưa ra tàu lớn đậu ngoài khơi.

Tại bến Sông Đốc, hiện có hai sự việc hay được nhắc đến, đó là nơi chuyển cây vú sữa miền Nam của má Lê Thị Sảnh gửi cho Bác Hồ và việc Bí thư Xứ ủy Nam bộ Lê Duẩn công khai lên tàu Kilinski đi tập kết, nhưng sau đó ông bí mật xuống tàu ở lại để trực tiếp lãnh đạo phong trào cách mạng miền Nam.

Chu đáo ngày về

Bà Huỳnh Xuân Thảo, trưởng đoàn HSMN từ TP.HCM, cho biết về Cà Mau trong dịp kỷ niệm 70 sự kiện tập kết này, đoàn còn có các hoạt động như: tặng học bổng 70 triệu đồng cho học sinh vượt khó hiếu học, tặng sách Ký ức không phai, tặng 30 chiếc xe đạp cho học sinh nghèo ở thị trấn Sông Đốc.

Đoàn đại biểu HSMN trao tặng 30 xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học và tặng sách Ký ức không phai cho các cán bộ thị trấn Sông Đốc, Cà Mau.

Ông Võ Minh Trí, phó trưởng đoàn HSMN từ TP.HCM, diễn giải thêm: “Đoàn chúng tôi thuộc Ban Liên lạc HSMN Bình Xuyên - Vĩnh Yên, đại diện HSMN học ở Vĩnh Phúc thời ấy (gồm tất cả 6 trường). Chúng tôi về dự lễ là có sự chuẩn bị từ cách đây hai năm. Con số 70 triệu đồng học bổng, tương ứng với con số kỷ niệm 70 năm (gồm 50 triệu đồng cho học sinh thị trấn Sông Đốc và 20 triệu đồng cho quỹ khuyến học tỉnh Cà Mau). Sông Đốc là nơi diễn ra sự kiện, chúng tôi cũng dành tặng xe đạp cho các cháu trên địa bàn này. Về sách Ký ức không phai chúng tôi đã phát động, tập hợp các bài viết và gấp rút xuất bản để kịp về tặng trong dịp này”.

Ông Trí cũng cho biết thêm, tiền hỗ trợ học sinh đã trao trước đó (vào 30.8) để kịp cho các em chuẩn bị năm học mới (nhưng vẫn nằm trong kế hoạch kỷ niệm 70 năm sự kiện tập kết ra Bắc tại Cà Mau).

Cũng theo ông Trí, ngày 23.11 tới, sẽ tổ chức ra mắt, giới thiệu quyển sách Ký ức không phai tại Đường sách (Nguyễn Văn Bình, quận 1, TP.HCM). Nội dung quyển sách là những câu chuyện của HSMN trên đất Bắc. Qua đó, giúp hiểu thêm về cuộc sống, sinh hoạt, học tập, tâm tư tình cảm của HSMN ở những ngôi trường đặc biệt này. Đồng thời cũng là lời tri ân gửi đến đồng bào các địa phương miền Bắc, nơi có những ngôi trường HSMN từng tọa lạc, có những HSMN từng ở, học tập và được cưu mang, đùm bọc.

Tại Cà Mau, đoàn đã mang về hơn 100 quyển sách để tặng Tỉnh đảng bộ, các ban, ngành, Thư viện, Bảo tàng, thị trấn Sông Đốc và một số biếu bạn bè, người thân, người quen.

Theo các thành viên đoàn, đây không phải lần đầu tiên đoàn có những hoạt động ở Cà Mau. Từ trước dịch Covid-19, đoàn đã tặng Cà Mau cả thảy 13 cây cầu, tổng trị giá trên 1 tỷ đồng. Mỗi lần khánh thành cầu, đều có tặng quà cho hộ dân khó khăn trên địa bàn và xe đạp cho học sinh nghèo hiếu học của các trường sở tại.

Tại buổi lễ trao xe đạp ở thị trấn Sông Đốc (cùng ngày khánh thành con tàu tập kết và Kỷ niệm 70 sự kiện tập kết ra Bắc), ngoài mong muốn các học sinh nhận quà cố gắng học tập để sau này giúp ích cho bản thân, gia đình và xã hội, bà Huỳnh Xuân Thảo còn nhắn nhủ, mong muốn các cháu biết sống nhân ái, sẻ chia để cuộc đời luôn là cuộc hành trình mà con người đối đãi với nhau bằng tình yêu thương và trách nhiệm.

Tượng đài Con tàu Tập kết ban ngày.

Tượng đài Con tàu Tập kết ban ngày.

Đong đầy cảm xúc

Có người nói, không quan trọng là đi đâu mà là đi cùng nhau. Đằng này, các HSMN được đi cùng nhau, lại còn đi đến sự kiện trọng đại, thì niềm vui, sự thỏa lòng càng nhân lên gấp bội. Những cách xưng hô thân thiết, những câu nói bông đùa, những câu chuyện hồi não hồi nào được khơi gợi, tiếp nối qua từng dòng hồi ức, cứ dài ra theo hành trình xe lăn bánh.

Và rồi những cảm xúc của chuyến đi, nơi đến cũng được các thành viên tỏ bày. “Trong đoàn, lứa tập kết có 5-7 người, còn lại là học sinh các lứa sau. Dự sự kiện 70 năm, nhiều bạn không phải thành viên tập kết nhưng cũng nằm trong diện HSMN sống trên đất Bắc, giai đoạn 1954-1975, nên cũng háo hức chờ đợi ngày này. Tuy vậy, ban tổ chức cho hay, điều kiện sân bãi hẹp, nên đành đi đại diện. Dẫu vậy, được về dự, chúng tôi thấy thật vui và rất tự hào”, ông Nguyễn Thành Nhân bày tỏ.

Đại biểu HSMN các thế hệ đến tưởng niệm tại mộ của má Lê Thị Sảnh - người đã gửi các cán bộ xuống tàu Tập kết ở Cà Mau cây vú sữa trong vườn nhà má để tặng cho Bác Hồ như một biểu hiện tình cảm son sắt của đồng bào miền Nam đối với Bác Hồ và sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước.

Đại biểu HSMN các thế hệ đến tưởng niệm tại mộ của má Lê Thị Sảnh - người đã gửi các cán bộ xuống tàu Tập kết ở Cà Mau cây vú sữa trong vườn nhà má để tặng cho Bác Hồ như một biểu hiện tình cảm son sắt của đồng bào miền Nam đối với Bác Hồ và sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước.

Trong lần về Cà Mau này, đoàn cũng đến thắp hương má Lê Thị Sảnh, thăm cô Bảy (con má Sảnh) và tham quan Khu di tích Bác Hồ với cây vú sữa miền Nam. Bên cạnh đó, đoàn còn thực hiện một công việc khá đặc biệt là xin 4 cây vú sữa được ươm hạt từ cây vú sữa trong vườn má Sảnh để về trồng các địa điểm đã định như: Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc, nơi lưu giữ, trưng bày rất nhiều kỷ vật HSMN hiến tặng. Cây thứ hai sẽ trồng tại Trường THPT Bến Tre, tỉnh Vĩnh Phúc (trường kết nghĩa với tỉnh Bến Tre), bắt đầu từ 1968, trường đón nhận chăm sóc, dạy dỗ các cháu HSMN. Cây thứ ba sẽ trồng tại Bảo tàng TP Hồ Chí Minh, nơi bến Nhà Rồng. Cây còn lại là để dự phòng.

Bà Huỳnh Xuân Thảo chia sẻ: “Hình ảnh Bác Hồ tưới cây vú sữa, rồi cây vú sữa lớn lên bên nhà sàn Bác Hồ đã in đậm trong trí của HSMN chúng tôi. Hôm nay được đến tận nhà má Sảnh, tuy má không còn, nhưng còn cô Bảy, rồi gặp các cháu của má, được xin giống cây vú sữa để trồng ở những nơi ý nghĩa nữa, thấy vui và xúc động vô cùng.

Còn nói chung chuyến về Cà Mau dự sự kiện lần này, trong lòng trào dâng một cảm xúc mừng vui khó tả. Nơi đây ngày ấy tôi có người anh cũng đi tập kết. Rồi mình về cùng anh chị, bạn bè học với nhau từ hồi nhỏ ở ngoài Bắc nên thấy ấm áp lắm, giống như gia đình cùng trở về nơi đã có những kỷ niệm rất hay, in đậm trong đầu. Thật tình tôi cũng bận rộn lắm, nhưng sắp xếp, quyết không thể bỏ chuyến đi này…”.

 Đoàn đã đến thăm gia đình má Lê Thị Sảnh ở xã Trí Phải, huyện Thới Bình, Cà Mau và được con gái của má Sảnh là bà Đỗ Thị Cử tặng 4 cây vú sữa con nảy từ gốc cây vú sữa 70 năm trước.

Đoàn đã đến thăm gia đình má Lê Thị Sảnh ở xã Trí Phải, huyện Thới Bình, Cà Mau và được con gái của má Sảnh là bà Đỗ Thị Cử tặng 4 cây vú sữa con nảy từ gốc cây vú sữa 70 năm trước.

Cứ nhắc tới là sụt sùi, đó là bà Châu Nhật Sinh. Bà bộc bạch: “Xúc động lắm. Cà Mau là quê hương mà! Về với Cà Mau là về cùng bao nhiêu kỷ niệm… Thương lắm, nhớ lắm! Hồi nhỏ cô theo ba má đi khắp các tỉnh miền Tây. Xa quê hương lòng luôn nhớ, luôn đau đáu ngóng trông về”.

Được biết, bà Sinh chính là con Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Châu Văn Đặng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu (nay là Cà Mau, Bạc Liêu), Phó Bí thư liên Tỉnh ủy Liên Tỉnh ủy Hậu Giang, kiêm Giám đốc trường Đảng Liên Tỉnh ủy Hậu Giang. Ông qua đời do bệnh nặng năm 1959, khi mới 42 tuổi. Lúc đó chị em cô được đưa ra miền Bắc học tập. Mẹ cô là bà Trần Thị Ngảnh, từng phụ trách Trường Thiếu sinh quân, rồi Trường Lý Tự Trọng Khu Tây Nam bộ. Bà Ngảnh cũng mất sau đó vì tai nạn. Vậy là chị em bà Sinh côi cút, sống và trưởng thành trên đất Bắc bằng sự chăm lo của Đảng, Bác Hồ, tình thương, sự cưu mang của đồng bào miền Bắc và sự động viên, sẻ chia của bạn bè cùng trang lứa.

Thời gian qua, bà thường về, thực hiện rất nhiều việc hỗ trợ cho Cà Mau. Về với quê hương, với bà cũng là cách hoài niệm, tìm lại bóng dáng những người thân thương qua miền ký ức.

Những năm qua, Ban Liên lạc HSMN Bình Xuyên - Vĩnh Yên tổ chức rất nhiều hoạt động, như: xây dựng tượng đài tri ân “Lòng mẹ” tại TP Vĩnh Yên (tỉnh Vĩnh Phúc); đóng góp hiện vật HSMN tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc; tổ chức triển lãm hình ảnh, hiện vật về HSMN tại Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc và Bảo tàng TP.HCM; xuất bản sách Ký ức không phai; thực hiện rất nhiều việc hỗ trợ học sinh nghèo, hỗ trợ đồng bào bị thiên tai…

“Tất cả việc làm của chúng tôi nhằm mục đích tri ân, đồng thời muốn bảo tồn và phát huy các giá trị của loại giáo dục đặc biệt, không nơi nào có được - Trường HSMN trên đất Bắc”, ông Võ Minh Trí giãi bày.

Huyền Anh

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/70-nam-hen-mot-ngay-ve-46158.html