Bảo vệ rừng – sự sống còn. Bài 3

Bài 3: Quyết liệt các giải pháp

Tiếp tục sắp xếp tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý về lâm nghiệp, nhất là lực lượng được giao nhiệm vụ trực tiếp, các địa phương có diện tích rừng lớn đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Cùng với đó, bảo đảm điều kiện cần thiết cho hoạt động của kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; có chính sách đặc thù để thu hút cán bộ làm công tác lâm nghiệp. Đây chính là một trong số các yêu cầu của Ban Bí thư Trung ương Đảng đến các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền cần tập trung để đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 13 – CT/TW.

Trách nhiệm cán bộ, khâu then chốt

Từ những nút thắt, hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ rừng thời gian qua, các cấp từ Trung ương đến địa phương đã đề ra các giải pháp quyết liệt để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, về vai trò, tầm quan trọng của rừng.

Gắn biển báo cấm tại Khu BTTN Tà Cú.

Gắn biển báo cấm tại Khu BTTN Tà Cú.

Tại Bình Thuận, Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu (BTTN Tà Cú) nằm ở phía nam huyện Hàm Thuận Nam, có tổng diện tích đất rừng và đất lâm nghiệp 10. 447,62 ha. Thời gian qua được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của chi bộ, chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức đoàn thể… công tác quản lý bảo vệ rừng đang được chú trọng. Trong đó mục tiêu bảo vệ tốt toàn bộ diện tích đất rừng hiện có, kiểm soát, ngăn chặn tiến tới chấm dứt về cơ bản các hoạt động xâm hại, làm giảm tài nguyên rừng và đa dạng sinh học. Hướng tới đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục sâu rộng về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Mục đích nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, cộng đồng dân cư.

Với Mỹ Thạnh, một xã thuần đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Hàm Thuận Nam hiện có 2 đơn vị chủ rừng là BQL rừng Sông Móng – Ka Pét và BQL Khu BTTN Núi Ông, trong đó có 137 hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Xác định trách nhiệm của cán bộ là khâu then chốt trong hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, những năm qua Đảng ủy, UBND xã đã triển khai thực hiện tốt tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức, hiểu biết của người dân về tầm quan trọng và những giá trị mang lại từ rừng, cũng như các hành vi vi phạm mà pháp luật nghiêm cấm đã được nêu trong Luật Bảo vệ và phát triển rừng.

Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng (đứng giữa) trong chuyến kiểm tra thực tế rừng ở Hàm Thuận Nam vào tháng 4/2024.

Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng (đứng giữa) trong chuyến kiểm tra thực tế rừng ở Hàm Thuận Nam vào tháng 4/2024.

Theo đánh giá của UBND xã Mỹ Thạnh, trong 5 năm qua, công tác quản lý bảo vệ rừng tại địa phương tương đối ổn định, không xảy ra điểm nóng phức tạp. Bên cạnh, nhận thức của nhân dân và trách nhiệm của các hộ nhận khoán được nâng lên rõ rệt…

Nhiệm vụ quan trọng về quản lý, bảo vệ rừng, phòng cháy chữa cháy rừng cũng được Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Đoàn Anh Dũng nhấn mạnh trong chuyến kiểm tra thực tế tại Hàm Thuận Nam vào tháng 4/2024. Theo đó, lãnh đạo tỉnh yêu cầu địa phương phải xem đây là nhiệm vụ quan trọng, cần củng cố phương án, lập bản đồ phòng cháy chữa cháy. UBND huyện Hàm Thuận Nam và các ngành chức năng có liên quan phải xác định cụ thể các vùng trọng điểm theo cấp dự báo cháy rừng; triển khai kịp thời các giải pháp phòng chống cháy rừng với mục tiêu phòng là chính. Cùng với đó, thường xuyên tuần tra, kiểm soát các khu vực có nguy cơ cháy cao, theo dõi và thông báo kịp thời cấp dự báo cháy rừng trên địa bàn huyện…

Quyết tâm bám giữ rừng, không lơ là.

Quyết tâm bám giữ rừng, không lơ là.

Giữ rừng, trách nhiệm và quyền lợi của người dân

Ông Nguyễn Văn Thuận (SN 1958) là người dân tại xã Hồng Phong, huyện Bắc Bình. Ông là một trong số nhiều hộ dân nhận khoán BVR tại BQL RPH Lê Hồng Phong từ năm 2010 đến nay với diện tích 80 ha. Ông Thuận cho biết, dù biết làm nghề này rất vất vả, nguy hiểm, nhưng vì cuộc sống mưu sinh và tình yêu rừng, trách nhiệm bảo vệ rừng quê hương, bản thân cùng anh em trong trạm vẫn quyết tâm bám giữ rừng, không lơ là.

Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhận khoán bảo vệ rừng ở huyện Bắc Bình.

Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhận khoán bảo vệ rừng ở huyện Bắc Bình.

Cá nhân ông Thuận là một đơn cử cho người dân Bình Thuận được hưởng lợi và gắn trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ rừng. Về phía Đảng, Nhà nước, giải pháp quyết liệt liên quan đến bảo vệ rừng cũng được thể hiện rõ nét. Đó là vào ngày 8/3/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã ký Nghị quyết ban hành Chương trình hành động thực hiện Kết luận số 61-KL/TW của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 13/TW ngày 12/7/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Một trong những mục đích đặt ra là khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng thời gian qua, đảm bảo thực hiện đạt mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, trong đó có lĩnh vực lâm nghiệp. Đồng thời góp phần tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, cải thiện sinh kế, bảo vệ môi trường sinh thái để phát triển bền vững...

Chính phủ yêu cầu xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các ngành, các cấp chính quyền, người đứng đầu các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đối với công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững. Trong đó, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra là đổi mới, đa dạng hóa, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, vận động giáo dục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng bền vững. Có chính sách bảo đảm hài hòa giữa trách nhiệm và quyền lợi của chủ rừng được Nhà nước giao rừng. Tạo động lực thu hút sự tham gia của người dân, huy động các nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động quản lý, bảo vệ, phát triển rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; chính sách khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển rừng phải gắn với ổn định, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số và người dân ở khu vực có rừng; tăng định mức bảo vệ rừng và mức khoán bảo vệ rừng để phù hợp với thực tế. Cùng với đó, xây dựng cơ chế, chính sách nhằm bảo đảm điều kiện cần thiết cho hoạt động của kiểm lâm, lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách; chính sách đặc thù để thu hút, giữ chân người lao động làm việc trong ngành lâm nghiệp…

Về phía Bình Thuận, để thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo vệ rừng, ngày 26/4/2024, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Hải đã ký ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND tỉnh về việc tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất rừng trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đề nghị các địa phương chỉ đạo chính quyền cấp xã nâng cao vai trò trách nhiệm, thực hiện nghiêm túc các quy định của Nhà nước về công tác quản lý, bảo vệ rừng và đất rừng. Song song rà soát, thống kê toàn bộ diện tích bị lấn, chiếm, sử dụng đất rừng trái mục đích để xử lý theo quy định…

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, năm 2023 trên toàn quốc, các cơ quan chức năng đã phát hiện 3.327 vụ vi phạm ảnh hưởng đến rừng, giảm 5.790 vụ so với năm 2022. Diện tích rừng bị tác động là hơn 1.000 ha. Trong 4 tháng đầu năm 2024, cả nước phát hiện 650 vụ phá rừng, diện tích bị tác động là 182,2 ha, giảm 75,7 ha so với năm 2023. Tuy nhiên, có 10 vụ chống người thi hành công vụ, làm 13 người bị thương và tử vong. Riêng tại Bình Thuận, năm 2023 lực lượng quản lý BVR đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý vi phạm Luật Lâm nghiệp 289 vụ; đã xử lý vi phạm hành chính 217 vụ, lâm sản tịch thu 194,43m3 gỗ các loại. Trong nửa đầu năm 2024, toàn tỉnh đã phát hiện, lập hồ sơ xử lý 136 vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, tịch thu 105,66 m3 gỗ các loại, 115,7 kg động vật rừng; có 13 vụ lấn, chiếm đất rừng với diện tích 2,61 ha...

Bài 1: Sống chết giữ lấy rừng

Bài 2: Tháo nút thắt, bứt phá bảo vệ rừng

Bài 4: Làm giàu từ rừng

KIỀU HẰNG

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/bao-ve-rung-su-song-con-bai-3-123508.html