Bảo vệ sức khỏe con người, an ninh lương thực và môi trường cho Việt Nam
Trồng trọt của Việt Nam hiện đóng góp khoảng 25-26 tỷ USD trong tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp năm 2023 là 53 tỷ USD.
Tuy nhiên, những thách thức đã và đang đặt ra đối với lĩnh vực trồng trọt trước yêu cầu đảm bảo an ninh lương thực, bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường. Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có cuộc trao đổi, phỏng vấn bà Delisa Jiang, Giám đốc Chương trình quản lý thuốc Bảo vệ thực vật ( BVTV) bền vững, CropLife Quốc tế xung quanh những vấn đề này.
Phóng viên (PV): Thưa bà, cách quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) hay Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) hiện nay có ý nghĩa ra sao trong Khung Quản lý thuốc BVTV bền vững?
Bà Delisa Jiang: Nhu cầu về lương thực và chất xơ của lượng dân số thế giới đang ngày càng gia tăng đòi hỏi người nông dân phải sản xuất được nhiều lương thực hơn với diện tích canh tác hiện có. Việc gia tăng sản lượng lương thực đòi hỏi mức độ cải tiến và ứng dụng liên tục các công nghệ nông nghiệp nhằm giảm thiểu thiệt hại đối với cây trồng.
Như đã nói ở trên, thách thức đặt ra đối với ngành nông nghiệp toàn cầu là phải tìm ra cách vừa có thể nuôi sống dân số ngày càng tăng của chúng ta đồng thời vẫn bảo vệ hành tinh để đảm bảo một tương lai bền vững cho tất cả mọi người. Và IPM hay IPHM vẫn đóng vai trò là một phần quan trọng của giải pháp giúp giải quyết thách thức này. Bộ Quy tắc Ứng xử Quốc tế của FAO/WHO (FAO-Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc; WHO-Tổ chức Y tế thế giới) về quản lý thuốc BVTV đã khuyến nghị IPM là một cách tiếp cận hiệu quả về mặt kinh tế, phù hợp với môi trường và được xã hội chấp nhận để bảo vệ cây trồng. IPHM có thể được coi là một phiên bản nâng cấp rộng hơn của IPM. Chương trình Khung quản lý thuốc BVTV bền vững (hay còn gọi là chương trình SPMF) được phát triển từ Bộ Quy tắc này nên IPM hay IPHM cũng là một phần không thể thiếu của SPMF. SPMF cũng sẽ tận dụng kinh nghiệm sâu rộng của CropLife trong các chương trình đào tạo về IPM và sử dụng thuốc BVTV có trách nhiệm với các đối tác trước đây để mở rộng phạm vi tập huấn về nội dung này.
PV: Việc sử dụng phân bón hợp lý sẽ góp phần giảm sử dụng thuốc BVTV, giảm tác động tiêu cực tới cây trồng và sản phẩm nông sản, đồng thời hạn chế được tình trạng gây tác động xấu tới môi trường. Vậy trong Chương trình Khung Quản lý thuốc BVTV bền vững vấn đề này được đề cập như thế nào, thưa bà?
Bà Delisa Jiang: Phân bón và thuốc BVTV là một phần đầu vào nông nghiệp thiết yếu của nông dân để hỗ trợ gia tăng năng suất cây trồng. Tuy nhiên, chúng có vai trò khác nhau trong việc bảo vệ cây trồng. Phân bón cải thiện sự phát triển của cây trồng thông qua việc tăng cường độ phì nhiêu của đất trong khi thuốc BVTV giúp bảo vệ cây trồng chống lại các loài sâu bệnh hại và cỏ dại. Chúng thường được sử dụng cùng nhau và cùng tồn tại để hỗ trợ người nông dân và không thay thế cho nhau.
CropLife hợp tác với các đối tác sản xuất và phát triển phân bón và nhiều ngành khác trong lĩnh vực nông nghiệp để cũng nỗ lực vì các mục tiêu chung hướng tới nông nghiệp bền vững bao gồm sử dụng hóa chất an toàn, đào tạo nông dân và tiếp cận công nghệ. Thông qua SPMF, một chương trình tổng hợp và rộng khắp, chúng tôi hy vọng sẽ thấy được nhiều nỗ lực tổng hợp hơn thông qua quan hệ đối tác để cải thiện sinh kế của nông dân.
PV: Là Giám đốc Chương trình Khung Quản lý thuốc BVTV bền vững, bà có kỳ vọng và mong muốn gì khi Chương trình được triển khai tại Việt Nam?
Bà Delisa Jiang: Chương trình SPMF giống như một giàn giáo. Tôi hy vọng trong giai đoạn thực hiện 5 năm, giàn giáo này, bao gồm hỗ trợ về tài chính, chuyên môn của chúng tôi để thực hiện chương trình, sẽ hình thành một bộ khung, một “ngôi nhà” có thể bảo vệ sức khỏe con người, an ninh lương thực và môi trường cho Việt Nam. Khi chương trình 5 năm kết thúc, giàn giáo sẽ được dỡ bỏ nhưng ngôi nhà vẫn tồn tại ở đó. Đây là mục đích của SPMF - thúc đẩy những thay đổi mang tính hệ thống và tăng cường khả năng chống chịu để Việt Nam đạt được những mục tiêu về phát triển nông nghiệp bền vững
Do phạm vi hoạt động rộng và toàn diện, SPMF đòi hỏi cách tiếp cận hợp tác để được triển khai thành công. Cũng như các quốc gia khác tham gia vào SPMF, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) là đối tác quan trọng nhất của chúng tôi để hướng tới các mục tiêu chung của cả hai bên. Chúng tôi hy vọng rằng, với những trao đổi về chương trình hợp tác SPMF giữa CropLife châu Á và Cục Bảo vệ Thực vật-Bộ NN&PTNT Việt Nam, chúng tôi sẽ có thêm cơ hội được đối thoại với Bộ NN&PTNT để phát triển những hoạt động trong khuôn khổ chương trình và phối hợp với mạng lưới đối tác ngành nông nghiệp ở cấp địa phương để triển khai trong thời gian tới.
Chúng tôi cho rằng, quy định pháp lý giúp đảm bảo tính hiệu quả của nhiều hoạt động và Bộ NN&PTNT đóng vai trò rất lớn về khía cạnh này. Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với Bộ NN&PTNT để đảm bảo thực hiện chương trình hợp tác này phù hợp với các thông lệ quốc tế tốt nhất, đồng thời phối hợp với các bộ ngành khác trong những hoạt động ngoài phạm vi quản lý của Bộ NN&PTNT. Tôi hy vọng Bộ NN&PTNT sẽ tiếp tục đối thoại cởi mở với chúng tôi và mong muốn sau 5 năm thực hiện chương trình này sẽ tạo ra sự thay đổi lâu dài ở Việt Nam trong lĩnh vực trồng trọt. Sự thay đổi này góp phần giúp nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững, bảo vệ sức khỏe con người- cụ thể là nông dân và sức khỏe môi trường tốt hơn, hiệu quả từ lĩnh vực trồng trọt ngày càng được nâng cao, gia tăng hiệu quả kinh tế.
PV: Xin trân trọng cảm ơn bà!
NGUYỄN KIỂM (thực hiện)
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.