Bảo vệ sức khỏe khi không khí ô nhiễm

Liên tiếp nhiều ngày qua, các trạm quan trắc, ứng dụng đo lường chất lượng không khí Hà Nội cho kết quả ở mức xấu. Cá biệt có ngày, ứng dụng IQAir ghi nhận mức ô nhiễm không khí Hà Nội cao thứ 3 trên thế giới, rất nguy hại cho sức khỏe của con người.

Bụi mịn PM2.5 là nguyên nhân gây ra gần 4 triệu ca tử vong trên toàn cầu. Ảnh: Quang Vinh.

Bụi mịn PM2.5 là nguyên nhân gây ra gần 4 triệu ca tử vong trên toàn cầu. Ảnh: Quang Vinh.

Tính tới trưa 10/1, tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội chưa được cải thiện khi chỉ số ô nhiễm không khí ở hầu khắp các khu vực có mức cảnh báo màu đỏ hoặc màu cam. Chỉ số AQI một số điểm ở Hà Nội như Tây Hồ, Xuân Đỉnh... đều ở ngưỡng cảnh báo màu đỏ, khoảng từ trên 150 AQI. Đây là mức ô nhiễm không khí có hại cho sức khỏe khi tham gia các hoạt động ngoài trời.

Theo dự báo từ ứng dụng IQAir cho thấy, những ngày tiếp theo mức độ ô nhiễm không khí tại Thủ đô còn có thể tiếp tục gia tăng. Theo cảnh báo từ Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong bối cảnh chỉ số ô nhiễm không khí ở mức cao, nhóm người bình thường bắt đầu có các ảnh hưởng tới sức khỏe, nhóm người nhạy cảm có thể gặp những vấn đề về sức khỏe nghiêm trọng.

BS Nguyễn Thùy Linh - khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện đa khoa Tâm Anh Hà Nội) cho biết, 2 tháng trở lại đây, lượng bệnh nhân tới khám chuyên khoa Tai Mũi Họng tăng cao đáng kể. Trong đó, nhiều người mắc viêm mũi dị ứng do các tác nhân từ môi trường sống, nghi do tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội tăng trong thời gian gần đây.

“Với tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội như hiện nay, số người mắc viêm mũi xoang dị ứng sẽ còn tiếp tục tăng. Đặc biệt, những người đã có bệnh viêm mũi xoang từ trước sẽ càng tăng nặng. Hít phải bụi mịn, các hạt khí thải động cơ diesel từ phương tiện giao thông, hút phải nấm mốc trong nhà… là nguồn cơn chính gây ra các phản ứng dị ứng” – BS Linh thông tin.

Theo các số liệu ước tính, ô nhiễm không khí ngoài trời ở đô thị là nguyên nhân gây ra 4,2 triệu ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm. Ô nhiễm không khí cũng được cho là làm tăng nguy cơ phát triển các bệnh về đường hô hấp bao gồm viêm mũi dị ứng không khí, hen suyễn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Ô nhiễm môi trường tại Hà Nội diễn ra từ cuối tháng 11 đến nay, nguyên nhân chủ yếu do bụi mịn PM2.5. Lượng ô nhiễm bụi mịn ở khu vực Thủ đô luôn cao, nhiều ngày chỉ số ô nhiễm vượt quá giới hạn so với tiêu chuẩn cho phép.

Bụi mịn PM2.5 là nguyên nhân gây ra gần 4 triệu ca tử vong trên toàn cầu liên quan đến tim mạch, nhiễm trùng đường hô hấp, bệnh phổi mạn tính, ung thư, sinh non. Tiếp xúc thời gian dài với bụi mịn sẽ làm nặng thêm các bệnh về đường hô hấp, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn. Trong đó, người lớn tuổi và trẻ em chịu ảnh hưởng nặng nhất.

Chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân khi ra đường nên sử dụng khẩu trang đảm bảo chất lượng và đeo khẩu trang đúng quy cách (đảm bảo kín, khít mặt). Vệ sinh mũi, súc họng sáng tối bằng nước muối sinh lý, đặc biệt sau khi ra đường. Tra rửa mắt bằng nước muối sinh lý vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Với người hút thuốc lá nên bỏ hẳn hoặc hạn chế. Với người không hút thuốc lá nên tránh xa khói thuốc lá. Nên hạn chế mở cửa sổ, cửa ra vào thời điểm không khí bị ô nhiễm nặng, đặc biệt các gia đình gần đường giao thông, gần khu vực ô nhiễm.

Thường xuyên vệ sinh phòng ở và nhà cửa, dọn dẹp thông thoáng môi trường sống. Hạn chế sử dụng hoặc thay thế sử dụng bếp than tổ ong, củi, rơm rạ bằng bếp điện, bếp từ hoặc bếp ga. Trồng cây xanh trong và quanh nhà giúp ngăn bụi và làm sạch không khí.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/bao-ve-suc-khoe-khi-khong-khi-o-nhiem-10271127.html