Bảo vệ sức khỏe khi nhiệt độ chênh lệch
Thời tiết giao mùa, nhiệt độ có sự chênh lệch rất lớn giữa ngày và đêm, khiến cơ thể không kịp thích nghi, dễ mắc bệnh. Hơn nữa, đây cũng là thời điểm thuận lợi cho các loại vi khuẩn, vi rút gây bệnh cúm mùa, vi rút hợp bào hô hấp (RSV), các bệnh về da… phát triển, kéo theo nguy cơ làm dịch bệnh bùng phát, lây lan trong cộng đồng.
Một tháng nhập viện 2-3 lần
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hằng năm nước ta ghi nhận 600.000-1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa. Số ca mắc ghi nhận quanh năm và có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa như hiện nay. PGS.TS Tạ Anh Tuấn, Trưởng khoa Điều trị tích cực nội khoa (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, cúm mùa có 4 type: A, B, C, D. Kể từ sau đại dịch Covid-19, các nghiên cứu cho thấy, cúm B gặp khoảng 40%, cúm A chiếm 60% trong các trường hợp cúm mùa, rất hiếm gặp cúm C, D.
Gần đây, thời tiết thay đổi thất thường, số lượng trẻ mắc các bệnh về hô hấp có xu hướng gia tăng, trong đó có nhiều trẻ mắc cúm B. Đối với cúm B, phần lớn các ca bệnh nhẹ đều tự khỏi. Tuy nhiên, khi trẻ mắc cúm trên nền các bệnh mạn tính về gan, thận, phổi, ung thư, bệnh máu, béo phì… dễ có nguy cơ biến chứng nặng. Điển hình như bệnh nhi 13 tuổi (ở Nam Định) bị cúm B biến chứng nặng, kèm nhiễm khuẩn huyết do tụ cầu, được đưa vào Bệnh viện Nhi trung ương trong tình trạng nguy kịch, phải thở máy. Bệnh nhi này nặng tới 80kg và là ca bệnh điển hình mắc cúm bị biến chứng nặng trên cơ địa béo phì.
Tương tự, tại Khoa Nhi (Bệnh viện Đa khoa Đống Đa) mỗi ngày tiếp nhận gần 100 bệnh nhi đến khám, trong đó có đến 75% trẻ có các triệu chứng ho, sốt, hắt hơi, sổ mũi, đau đầu, đau người. Qua xét nghiệm cho thấy, có nhiều trường hợp dương tính với cúm B, chủ yếu ở nhóm trẻ 6-14 tuổi. Bác sĩ Đặng Khánh Ly, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa Đống Đa lưu ý, bệnh cúm thường gặp ở nhóm trẻ trong độ tuổi đi học.
Khi thấy trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, đau đầu, chảy nước mũi, ho, sốt…, người nhà nên cho nghỉ học để tránh lây lan bệnh dịch trong lớp học.
Còn theo ghi nhận tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, mỗi ngày tiếp nhận gần 100 lượt người đến khám và điều trị các bệnh về hô hấp. Trong đó, không hiếm trường hợp nhập viện 2-3 lần chỉ trong 1 tháng. Mới đây, ông T.V.A (70 tuổi, huyện Đông Anh) được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng nguy kịch. Trước đó một tháng, bệnh nhân mắc cúm A, được gia đình đưa đến bệnh viện gần nhà điều trị và bệnh đã thuyên giảm. Gần đây, do nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm, khiến ông tái phát cơn ho, đi kèm tức ngực, khó thở… Kết quả xét nghiệm cho thấy, ông A. dương tính với vi rút hợp bào hô hấp (RSV).
Không chỉ các bệnh liên quan đến đường hô hấp, những ngày gần đây, tại các bệnh viện chuyên khoa da liễu cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám các bệnh về da, như: Viêm da cơ địa, vảy nến, mề đay, da khô, ngứa, chàm, nứt nẻ... Bác sĩ Phạm Thị Minh Phương, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Da liễu trung ương cho hay, bệnh về da chịu nhiều ảnh hưởng của không khí, thời tiết. Khi thời tiết hanh khô, có sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm, khiến các bệnh lý về da tăng nặng, nhất là các bệnh mạn tính về da liên quan đến tiền sử cá nhân, gia đình có cơ địa dị ứng.
Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh
Để bảo vệ sức khỏe, theo bác sĩ Bạch Thị Chính, Giám đốc Y khoa Hệ thống tiêm chủng VNVC, người dân cần duy trì chế độ dinh dưỡng cân bằng, hợp lý mỗi ngày. Chú ý ăn nhiều rau củ, uống đủ nước, giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh, nhất là với người già, người có bệnh nền. Bên cạnh đó, người dân nên tiêm phòng những bệnh đã có vắc xin. Những loại vắc xin phòng cúm mùa, phế cầu khuẩn, ho gà… đã được chứng minh mang lại hiệu quả cao trong việc phòng bệnh, những biến chứng của bệnh. Đơn cử như tiêm phòng cúm ở người lớn giảm 37% nguy cơ nhập viện, giảm 82% nguy cơ phải điều trị hồi sức tích cực hay vắc xin phế cầu Prevenar 13 giúp người cao tuổi phòng ngừa hiệu quả viêm phổi và các bệnh do phế cầu khuẩn, như: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não, viêm tai giữa…
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Xuân, Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba), cúm B nói riêng và bệnh cúm nói chung thuộc nhóm bệnh viêm đường hô hấp trên, rất dễ lây sang người khỏe mạnh khi người bệnh ho, hắt hơi trong khoảng cách 2m, hoặc khi tiếp xúc với bề mặt có nhiễm vi rút. Do đó, nên đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và khi ho hoặc hắt hơi nên che miệng, mũi... Người dân khi mắc bệnh không nên tự mua thuốc điều trị, mà cần liên hệ với cơ sở y tế để được khám, tư vấn kịp thời.
Với các bệnh về da, bác sĩ Phạm Thị Minh Phương khuyến cáo, người dân không nên tắm lâu, tắm nhiều lần trong ngày. Không nên tắm nước quá nóng, dùng nước nóng để rửa mặt. Ngoài ra, sau khi tắm xong cần bôi kem dưỡng ẩm. Khi ra ngoài đường cần bảo vệ, che chắn cho da cẩn thận, bôi thêm kem chống nắng.