Bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng

Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) đang được lấy ý kiến có nội dung bổ sung nước giải khát có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đã và đang thu hút sự quan tâm lớn của đối tượng chịu tác động trực tiếp là các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh mặt hàng này cùng hàng loạt các ngành hàng, công nghiệp phụ trợ.

Ảnh: minh họa

Ảnh: minh họa

Theo Bộ Tài chính, đề xuất đánh thuế TTĐB 10% đồ uống có hàm lượng đường trên 5g/100ml nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng tránh các bệnh như tiểu đường, béo phì, sâu răng, tim mạch, đột quỵ... Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo, trong 20 năm qua, người Việt tiêu thụ lượng đồ uống có đường tăng gấp 10 lần, kéo theo nhiều bệnh tật mạn tính. Năm 2021, trung bình một người Việt tiêu thụ 55,78 lít đồ uống có đường.

Đồ uống có đườngbao gồm tất cả loại đồ uống có chứa đường tự do (đường thêm vào), gồm nước ngọt không chứa cồn có ga hoặc không có ga; nước ép trái cây rau củ, đồ uống từ trái cây rau củ dưới dạng đồ uống; chất cô đặc dạng lỏng và bột, nước có pha chế hương liệu, nước tăng lực và đồ uống cho người chơi thể thao; trà pha sẵn; cà phê pha sẵn và đồ uống sữa có pha chế hương liệu.

Lạm dụng đồ uống có đường dẫn đến tình trạng thừa cân, béo phì đáng báo động ở trẻ em và thanh thiếu niên. Khảo sát ở các thành phố cho thấy, cứ 4 thanh thiếu niên trong độ tuổi 15-19 thì có hơn một người bị thừa cân hoặc béo phì.

Để đảo ngược những xu hướng trên, kịp thời ngăn ngừa và giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh tật liên quan đến nước giải khát có đường, biện pháp phổ biến được nhiều quốc gia áp dụng là áp thuế cao đối với đồ uống có đường. Giá tác động đến chi phí, giúp giảm lượng tiêu thụ. Theo tính toán của WHO, nếu thuế làm tăng giá đồ uống lên 10%, mọi người sẽ uống ít hơn khoảng 11% và chuyển sang đồ uống lành mạnh hơn như nước suối.

Hiện, hơn 100 quốc gia đã áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm này. Ngoài thuế, WHO cũng khuyến nghị áp dụng các biện pháp kiểm soát như ghi nhãn dinh dưỡng ở mặt trước đồ uống, hạn chế quảng cáo, hạn chế đồ uống có đường trong trường học, giáo dục về dinh dưỡng lành mạnh cho trẻ em và thanh thiếu niên

Bộ Tài chính cho rằng, giá nước ngọt có thể tăng 10% khi chịu thuế TTĐB, sẽ làm giảm sản lượng, doanh thu, lợi nhuận của các công ty sản xuất, nhập khẩu mặt hàng này trong thời gian đầu nhưng sẽ khuyến khích doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm tốt hơn cho sức khỏe người tiêu dùng. Đồng thời người tiêu dùng cũng nâng cao nhận thức chuyển sang dùng sản phẩm thay thế hoặc loại ít đường, tốt hơn cho sức khỏe.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của nhiều chuyên gia, đề xuất đánh thuế TTĐB đối với mặt hàng nước giải khát cần phải cân nhắc thật kỹ. Bởi, tình trạng thừa cân, béo phì ở Việt Nam do khẩu phần ăn và dinh dưỡng không cân bằng các chất; hoạt động thể lực kém; yếu tố di truyền; yếu tố kinh tế xã hội; suy dinh dưỡng thấp còi lúc nhỏ.

Do đó, nếu chỉ giảm tiêu thụ nước giải khát có đường thì không giải quyết được tình trạng thừa cân béo phì. Cần phải thực hiện các giải pháp chống thừa cân béo phí như giáo dục dinh dưỡng tại nhà trường; tăng cường truyền thông về dinh dưỡng và sức khỏe; sử dụng hợp lý các nguồn thực phẩm.

Mặt khác, việc đánh thuế đối với nước giải khát có đường dẫn tới doanh thu giảm trong khi chi phí đầu vào tăng sẽ khiến cho thu nhập của doanh nghiệp giảm và kéo theo thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) sẽ giảm tương ứng; nguy cơ giảm thu ngân sách từ thuế giá trị gia tăng và thuế TNDN không thể tránh khỏi. Đồng thời, cần đánh giá những tác động tiêu cực đối với các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng của ngành nước giải khát (bán lẻ, bao bì, mía đường...), nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ do khả năng tài chính hạn chế.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/bao-ve-suc-khoe-nguoi-tieu-dung-post479275.html