Bảo vệ tài nguyên đất và nước lưu vực sông Đồng Nai
Bên cạnh cung cấp nước cho sinh hoạt, hoạt động nông nghiệp, công nghiệp lưu vực sông Đồng Nai còn đóng góp bởi các công trình thủy điện. Tuy nhiên, nhiều năm qua, tình trạng khô kiệt dòng chảy vào mùa khô, lũ lụt cục bộ do mưa và thủy điện xả lũ vào mùa mưa đã ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất và đời sống của người dân trong vùng. Việc quản lý lưu vực sông Đồng Nai là một quá trình phức hợp đòi hỏi sự tham gia của nhiều ngành, lĩnh vực và địa phương.
NGHIÊN cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên đất và nước lưu vực sông Đồng Nai cùng việc đề xuất giải pháp thích ứng là vấn đề cấp thiết. Thời gian qua, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã dành thời gian đi dọc lưu vực sông Đồng Nai, các luồng lạch, suối nguồn đổ ra sông nhằm đo đạc chính xác từng thời điểm trong năm. Qua đó phân tích, đánh giá thực trạng và xu thế biến đổi khí hậu, đặc biệt là những tác động của biến đổi khí hậu đến tài nguyên nước và đất tại lưu vực thượng nguồn dòng sông.
Theo các dữ liệu đã phân tích, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thời gian qua, nhiệt độ trung bình tại lưu vực sông Đồng Nai tăng cao rõ rệt. Điều này sẽ làm tăng tần suất các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng và hạn hán, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nông nghiệp và tài nguyên nước. Biến đổi lượng mưa cũng cho thấy có phân bố không đồng đều giữa các khu vực và có xu hướng giảm vào mùa khô; từ đó đã gây ra hạn hán vào mùa khô và lũ lụt vào mùa mưa. Điều này sẽ làm gia tăng áp lực lên nguồn nước, đặc biệt là trong các tháng khô hạn; sẽ tạo ra sự bất thường trong dòng chảy và làm gia tăng nguy cơ lũ lụt, hạn hán tại khu vực. Các nghiên cứu cũng chỉ ra, lưu vực sông Đồng Nai đã trải qua nhiều biến động về dòng chảy, gây khó khăn cho việc cung cấp nước tưới tiêu và sinh hoạt, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thủy điện và các ngành công nghiệp phụ thuộc vào nước. Dưới tác động của biến đổi khí hậu, xói mòn đất đã gia tăng mạnh, đặc biệt tại các khu vực đồi núi, khu vực có thảm thực vật suy giảm…Trước thực trạng nêu trên, các nhà khoa học đã đề xuất các giải pháp về quản lý và kỹ thuật nhằm bảo vệ và phát triển tài nguyên đất và nước, thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Trong đó có các giải pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước, như: Cải tiến hệ thống tưới tiêu, xây dựng hồ chứa nhỏ, ao trữ nước và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp; tăng cường năng lực dự báo và cảnh báo thiên tai để giảm thiểu rủi ro cho người dân; điều chỉnh chính sách và triển khai các biện pháp thích ứng sớm nhằm bảo đảm phát triển bền vững. Đề xuất các giải pháp tổng thể quản lý bền vững tài nguyên đất đai, bao gồm công tác quy hoạch sử dụng đất và các biện pháp kỹ thuật, như: thủy lợi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, biện pháp canh tác; giải pháp quản lý nước cho các lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, đô thị, nông thôn và các hoạt động dịch vụ…