Bảo vệ tài nguyên nước trước thách thức biến đổi khí hậu

Nước là tài nguyên thiết yếu, gắn bó mật thiết với sự sống và sự phát triển bền vững của con người. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, tài nguyên nước đang phải đối mặt với những thách thức lớn: Khô hạn kéo dài, mưa lũ bất thường, suy giảm nguồn nước mặt và nước ngầm… ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất và sức khỏe người dân.

Cách trung tâm xã Mường Tùng (huyện Mường Chà) khoảng 30km, bản Nậm Cang nằm chênh vênh trên sườn núi khô cằn. Hơn 300 nhân khẩu ở đây đã nhiều năm liền phải sống trong tình cảnh thiếu nước sinh hoạt triền miên. Cả bản trông chờ vào dòng nước nhỏ dẫn về từ khe núi cách đó gần 1km. Nước ít, dòng chảy yếu, người dân phải tính toán, chia nhau từng can nước để tắm giặt, rửa rau, vo gạo, chăn nuôi… Mọi sinh hoạt đều phải chắt chiu từng giọt nước như một thói quen của đồng bào nơi đây.

Chị Mùa Thị Di, người dân bản Nậm Cang chia sẻ: Không chỉ mùa khô mới thiếu, mà ngay cả những ngày mưa chúng tôi cũng khổ. Mưa xuống thì nước đục ngầu vì đất đá trôi về, không thể dùng. Đến mùa hanh khô, suối cạn nước, sinh hoạt bị đảo lộn hoàn toàn. Không đủ nước sản xuất đã đành, thiếu nước sinh hoạt mới thật sự khiến cuộc sống khốn khó từng ngày...

Đập đầu nguồn nhà máy nước tại huyện Mường Chà với lượng nước ít ỏi.

Đập đầu nguồn nhà máy nước tại huyện Mường Chà với lượng nước ít ỏi.

Không riêng các bản vùng cao, ngay tại trung tâm huyện Mường Chà, nơi có nhà máy nước hoạt động, song những năm gần đây, tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng trở nên đáng báo động. Thời điểm nắng nóng kéo dài, nguồn nước từ khe suối cạn kiệt khiến các hộ trên địa bàn thị trấn cùng nhiều cơ quan, đơn vị phải chật vật xoay xở từng ngày.

Bà Nguyễn Thị Liên, tổ dân phố 8, thị trấn Mường Chà, chia sẻ: 3 năm gần đây, lượng nước ở các khe suối cạn dần do thời tiết thất thường. Có thời điểm, lượng nước chảy về ít chúng tôi phải dùng rất tiết kiệm. Nước khan hiếm, mọi sinh hoạt trong gia đình từ nấu nướng, rửa bát, vệ sinh cá nhân… đều bị xáo trộn, rất bất tiện.

Tình trạng thiếu nước sinh hoạt không chỉ diễn ra vào mùa khô mà còn gây phiền toái cả trong những ngày mưa. Tại nhiều địa bàn như Keo Lôm, Xa Dung, Háng Lìa (huyện Điện Biên Đông); Trung Thu, Lao Xả Phình, Sín Chải, Tả Sìn Thàng (Tủa Chùa); Rạng Đông, Pú Nhung, Phình Sáng, Pú Xi (Tuần Giáo); Vàng Đán, Nậm Tin, Na Cô Sa (Nậm Pồ)… tình trạng khan hiếm nước sạch diễn ra phổ biến. Mùa khô, suối cạn, bể chứa trơ đáy; mùa mưa, nước đục ngầu, không đảm bảo vệ sinh, không thể sử dụng cho sinh hoạt hàng ngày.

Công nhân nhà máy nước Mường Chà kiểm tra nguồn nước.

Công nhân nhà máy nước Mường Chà kiểm tra nguồn nước.

Ông Trần Thanh Bình, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Tủa Chùa cho biết: Địa hình đồi núi, độ dốc lớn, cùng với thiên tai, mưa lũ thường xuyên khiến nhiều công trình cấp nước bị hư hỏng, sạt lở. Nhiều công trình được xây dựng từ lâu, nay đã xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng lớn đến việc cung cấp nước sinh hoạt, nhất là vào mùa nắng nóng.

Không chỉ ảnh hưởng đến sinh hoạt, tình trạng thiếu nước còn tác động nặng nề đến sản xuất nông nghiệp, nhất là tại các huyện vùng cao và cả khu vực có hồ chứa quy mô lớn. Nhiều diện tích lúa, hoa màu ở các địa phương như Điện Biên, Mường Nhé, Tủa Chùa, Điện Biên Đông… canh tác kém hiệu quả do khan hiếm nước tưới, đặc biệt vào mùa khô.

Ông Lê Văn Thành, người dân xã Thanh Yên, chia sẻ: Gia đình tôi có gần 1ha trồng rau màu các loại. Thời tiết thất thường, mực nước ngầm giảm mạnh buộc chúng tôi phải khoan giếng sâu hơn, chi phí bơm tưới, giá điện, xăng dầu cũng đội lên. Trước đây, năng suất đạt gần 12 tấn/ha/vụ, thu nhập khoảng 150 triệu đồng mỗi năm, thì nay thu nhập chỉ còn một phần ba.

Biển thông báo tại đập đầu mối khu vực huyện Mường Chà để người dân chung tay bảo vệ nguồn nước.

Biển thông báo tại đập đầu mối khu vực huyện Mường Chà để người dân chung tay bảo vệ nguồn nước.

Trong khi đó, hệ sinh thái rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn đang chịu tác động mạnh từ biến đổi khí hậu và thiếu nước. Mùa khô, nhiều khu rừng ở Mường Ảng, Mường Nhé, Tuần Giáo, Nậm Pồ, Tủa Chùa... luôn trong tình trạng báo động nguy cơ cháy do thực bì khô nẻ, độ ẩm không khí giảm thấp. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng đã nhiều lần phát đi cảnh báo cấp độ cháy rừng ở mức cực kỳ nguy hiểm (cấp V) tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Ông Diệp Văn Chính, Giám đốc Khu Dự trữ thiên nhiên Mường Nhé cho biết: “Thời tiết cực đoan, nắng nóng kéo dài, kết hợp với tập quán đốt nương làm rẫy của một bộ phận người dân là những nguyên nhân chính làm gia tăng nguy cơ cháy rừng trong khu vực. Chỉ cần một chút bất cẩn trong khâu phát dọn, xử lý thực bì cũng có thể dẫn đến cháy lan, gây thiệt hại lớn cho rừng tự nhiên, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn. Chính vì vậy, việc bảo vệ rừng không chỉ góp phần phòng cháy chữa cháy mà còn giữ vai trò quan trọng trong bảo vệ tài nguyên nước, giữ nguồn sinh thủy cho hạ du, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan.

Hội phụ nữ các học viện, trường Công an nhân dân và đơn vị tài trợ tặng công trình nước sạch cho Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ).

Hội phụ nữ các học viện, trường Công an nhân dân và đơn vị tài trợ tặng công trình nước sạch cho Trường Phổ thông DTBT Tiểu học và THCS Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ).

Trước thực trạng khan hiếm nước, các cấp, ngành chức năng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên nước. Từ các nguồn vốn đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia và nguồn xã hội hóa, nhiều công trình cấp nước sinh hoạt tập trung đã được xây mới, cải tạo hoặc mở rộng.

Việc có công trình nước sạch giúp học sinh đảm bảo sức khỏe.

Việc có công trình nước sạch giúp học sinh đảm bảo sức khỏe.

Tuy nhiên, theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 9 hệ thống cấp nước sạch tập trung, tổng công suất thiết kế khoảng 31.100m³/ngày đêm, đáp ứng khoảng 67% nhu cầu sử dụng nước. Trong khi đó, với dân số hơn 630.000 người, nhu cầu sử dụng nước của tỉnh ước tính hơn 225 triệu m³/năm. Chưa kể, hơn 1.000 công trình cấp nước tập trung ở vùng nông thôn chủ yếu do cộng đồng tự quản có nơi đã xuống cấp, hoạt động kém hiệu quả, hoặc thiếu kinh phí duy tu, bảo dưỡng.

Để bảo vệ tài nguyên nước một cách bền vững, bên cạnh việc đầu tư xây dựng hạ tầng cấp nước, cần đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân về tiết kiệm và bảo vệ nguồn nước thông qua các hoạt động truyền thông, giáo dục gắn với sinh hoạt cộng đồng, trường học...

Quang Long

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.vn/bai-thuong/xa-hoi/bao-ve-tai-nguyen-nuoc-truoc-thach-thuc-bien-doi-khi-hau