Bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng
Yêu cầu này được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sáng 15/2, cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
2 vấn đề xin ý kiến
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) Lê Quang Huy cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, QH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (BVQLNTD) (sửa đổi).
Theo ông Lê Quang Huy, các vấn đề đã thống nhất tiếp thu, chỉnh lý có bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong sử dụng dịch vụ công; trách nhiệm của người tiêu dùng, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương, trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa khuyết tật và dịch vụ không bảo đảm chất lượng…
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho hay, có 2 vấn đề xin ý kiến, bao gồm khái niệm người tiêu dùng và giải quyết tranh chấp tại Tòa án.
Trong đó, về khái niệm người tiêu dùng, có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức trong dự thảo Luật. Loại ý kiến thứ hai cho rằng không cần thiết đưa “tổ chức” vào khái niệm “người tiêu dùng”. Đây cũng là phương án Chính phủ trình QH.
Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề xuất 2 phương án tiếp thu như trong dự thảo Luật để xin ý kiến UBTVQH.
Phương án 1 giữ như Luật hiện hành, đồng thời bổ sung nội dung “và không vì mục đích thương mại”, cụ thể như sau: “Người tiêu dùng là người mua, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt
Phương án 2 giữ như dự thảo Luật Chính phủ trình QH, cụ thể như sau: “Người tiêu dùng là cá nhân mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình và không vì mục đích thương mại”. Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thống nhất theo Phương án 1.
Về thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về BVQLNTD cũng còn có 2 loại ý kiến khác nhau. Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề xuất 2 phương án dự kiến tiếp thu để xin ý kiến UBTVQH.
Phương án 1 kế thừa Luật hiện hành, đồng thời đảm bảo thống nhất với quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, trên cơ sở dự thảo Luật do Chính phủ trình, dự thảo Luật tiếp tục quy định các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn trong việc giải quyết các vụ án dân sự về BVQLNTD; sửa đổi, bổ sung Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự.
Cụ thể, tại điểm d khoản 2 Điều 69 dự thảo Luật quy định: “Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng”; bổ sung tại khoản 3 Điều 69 nội dung “Tòa án nhân dân tối cao quy định chi tiết việc áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết vụ án dân sự về BVQLNTD”. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung một số khoản của Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự tại Điều 78 dự thảo Luật .
Phương án 2 không quy định thủ tục rút gọn đối với vụ án dân sự về BVQLNTD trong dự thảo Luật. Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thống nhất theo Phương án 1.
Làm rõ căn cứ để lựa chọn
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ cho biết, hiện nay có tình trạng trong giai đoạn 2 của quy trình lập pháp lại sa vào các vấn đề còn ý kiến khác nhau. Trong khi đó, còn nhiều vấn đề cần bám sát vào những nguyên tắc, quan điểm, định hướng, mục tiêu sửa luật để xem các điều khoản sửa đổi có đáp ứng được yêu cầu đặt ra hay không thì lại ít quan tâm.
Do đó, Chủ tịch QH đề nghị rà soát lại, xem xét ngoài 2 vấn đề lớn hiện nay còn có vấn đề nào khác cần xin ý kiến nữa không.
Đối với những vấn đề xin ý kiến, cần xin ý kiến những vấn đề lớn quan trọng và qua quá trình thảo luận cho đến nay so với mục tiêu, yêu cầu của luật cần gì phải hoàn thiện sửa đổi, bổ sung hay không để bảo đảm xem xét căn cơ.
Về các vấn đề xin ý kiến, Chủ tịch QH cho biết, đối với khái niệm, Luật hiện hành đang quy định khái niệm người tiêu dùng gồm cả cá nhân và các tổ chức. Do đó, Chủ tịch QH cho rằng khi thay đổi quy định này cần đánh giá kĩ hơn về đặc thù của Việt Nam, thực tiễn áp dụng pháp luật của Việt Nam.
Chủ tịch QH đặt vấn đề trong bối cảnh pháp luật đang bảo vệ cả tổ chức và cả cá nhân mà quyền lợi người tiêu dùng còn bị xâm phạm thì việc đề xuất bỏ đi một chủ thể quan trọng và rất khá phổ biến đối với Việt Nam có nên hay không?
Do đó, Chủ tịch QH đề nghị cần làm rõ căn cứ để lựa chọn để bảo vệ tốt nhất quyền lợi của người tiêu dùng và thúc đẩy phát triển một cách lành mạnh kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ tịch QH cho biết thiên về phương án trình QH xem xét để chấp nhận quy định như hiện hành.
Về vấn đề giải quyết tranh chấp tại tòa án, Chủ tịch QH bày tỏ tán thành với phương án 1, đồng thời lưu ý để đảm bảo tính thống nhất của Bộ luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Bộ luật tố tụng dân sự cần tiếp tục rà soát kỹ các điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều 69 của dự thảo Luật này để đảm bảo thống nhất với các điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn tại Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành.
Về một số vấn đề khác, Chủ tịch QH nhấn mạnh, khi tập trung bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì nghĩa vụ, trách nhiệm gắn theo cần được quy định để bảo đảm ngang bằng trong quyền và nghĩa vụ bảo vệ, các chủ thể người tiêu dùng, người sản xuất hay phân phối cũng đều ngang bằng, bình đẳng với nhau trước pháp luật.
Nhấn mạnh yêu cầu không được làm phương hại đến quyền nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân khác có liên quan và nhất là vấn đề chi phí tuân thủ pháp luật, Chủ tịch QH đề nghị cần tiếp tục rà soát, xem xét lại các nguyên tắc, các quan điểm lớn đã đặt ra khi trình xây dựng dự án luật này, đảm bảo không tạo thêm những gánh nặng chi phí vô lý, bảo đảm ngang bằng với quyền lợi và không được phương hại đến lợi ích của người cung cấp hàng hóa sản phẩm, dịch vụ.
Cơ bản thống nhất nội dung giải trình của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch QH cũng cho rằng, về khái niệm “người tiêu dùng”, cần nêu rõ người tiêu dùng gồm cả tổ chức, cá nhân, hộ gia đình để luật bao quát và giải quyết được các vấn đề liên quan đến tiêu dùng giữa các tổ chức, vốn là vấn đề tương đối phức tạp, khó xử lý hiện nay.
Liên quan đến thủ tục rút gọn, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga đồng ý cần có thủ tục rút gọn đối với những vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và có quy định riêng trong dự thảo luật này.
Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị cần có đánh giá kỹ lưỡng tại sao trong thực tế thủ tục rút gọn rất ít được áp dụng, làm rõ những bất cập, vướng mắc, để có những quy định phù hợp, đảm bảo khả thi khi luật có hiệu lực.