Bảo vệ trẻ bằng trách nhiệm và tình thương

Tai họa lặp lại sau gần 5 năm, một đứa trẻ lại bị bỏ quên trên xe đưa đón và tử vong. Một trẻ mất trên xe trong ngày tựu trường, một trẻ mất trong ngày tổng kết.

Hai đứa trẻ mãi mãi không có ngày bắt đầu và kết thúc năm học bởi sự cẩu thả, tắc trách của một số người trong quy trình đưa đón trẻ.

Có thể hiểu trong những ngày tựu trường, bế giảng, áp lực công việc của những người trong ngành sẽ cao hơn. Đồng thời, đặc thù việc đưa đón học sinh có tính lặp lại, nên con người thường máy móc khi thực hiện nhiệm vụ.

Tuy nhiên, càng như vậy càng không thể lơ đễnh, cẩu thả, bởi “sự cẩu thả trong bất cứ ngành gì cũng là một sự bất lương”; hơn hết là cần hiểu được ý nghĩa, trọng trách của mình quan trọng như thế nào đối với sự an toàn và phát triển của trẻ.

Bởi một khi rời nhà, rời vòng tay yêu thương chăm sóc của gia đình, đến với trường lớp, những đứa trẻ chỉ biết dựa dẫm vào tinh thần trách nhiệm, tình yêu thương của thầy cô. Về phía gia đình, họ gửi trẻ là gửi gắm cả sự tin tưởng, gửi cả sự ân cần chăm sóc, dạy bảo trẻ cho nhà trường, cho cô giáo. Sự hoảng loạn đối diện với cái chết của trẻ khi chỉ một mình; sự đau đớn tột cùng của gia đình chính là hồi chuông thức tỉnh tinh thần, thái độ làm việc trách nhiệm, cẩn trọng hơn của những người liên quan.

Để không xảy ra nỗi đau, bi kịch tương tự, các trường có dịch vụ đưa đón học sinh cần xây dựng, rà soát, thực hiện nghiêm túc quy trình đưa đón học sinh. Đồng thời bổ sung, đảm bảo yêu cầu về các trang thiết bị an toàn cần có trong điều kiện kinh doanh dịch vụ vận tải chuyên chở học sinh. Một khi quy trình đã có, công cụ hỗ trợ đã có nhưng xác suất xảy ra sự cố vẫn tiềm ẩn thì vai trò của con người trong thực hiện nhiệm vụ càng quan trọng.

Bởi thực tế cho thấy, trẻ bị bỏ quên không chỉ bởi một người, mà là cả dây chuyền, mỗi người là một mắt xích, chỉ cần mắt xích có vấn đề, tất gây ra hậu quả đau lòng. Tài xế đảm bảo không còn người trên xe, việc này chỉ cần kiểm tra kỹ một lượt từ trước ra sau, ở mọi hàng ghế, trước khi đóng sập cửa. Cô giáo quản lý học sinh trên xe đưa đón chỉ cần rà soát nhanh, đảm bảo số lượng học sinh khi lên và xuống xe. Giáo viên phụ trách lớp kết nối tốt hơn với phụ huynh khi học sinh vắng...

Mỗi người chỉ cần tự ý thức, cẩn trọng, trách nhiệm cao, thêm một phút kiểm tra chính phần việc của mình và kiểm tra chéo phần việc của người khác trong quy trình, sẽ giảm hậu quả từ một phút lơ đễnh, tránh xảy ra bi kịch đau lòng. Quan trọng, việc làm này cần phải chuyển hóa thành ý thức, thành hành động, thành thói quen thường trực.

“Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em” là chủ đề của Tháng Hành động vì trẻ em năm 2024. Thực tế, trẻ đã được dạy không theo người lạ, tránh bị bắt cóc; được hướng dẫn cách thoát nạn trong đám cháy; được dạy bơi, phòng tránh tai nạn đuối nước… Đây là những việc làm hết sức thiết thực.

Xã hội ngày càng hiện đại, càng phổ biến việc trẻ được di chuyển bằng ô tô gia đình, trên xe đưa đón, phương tiện công cộng…, trẻ càng cần được dạy cách thoát hiểm trên ô tô. Hy vọng rằng, khi chúng ta tìm được nguyên nhân, và nhanh chóng vá lỗ hổng từ phía nhà trường, đơn vị hợp đồng chuyên chở học sinh, gia đình và bản thân trẻ…, những vụ việc vô lý bỏ quên một con người trên xe sẽ không còn tái diễn.

NGỌC DUYÊN

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/317087/bao-ve-tre-bang-trach-nhiem-va-tinh-thuong.html