Bảo vệ trẻ em - đừng chạy theo phong trào!

Ngày mai (1-6) là ngày Quốc tế Thiếu nhi; riêng tại Việt Nam là ngày đầu tiên của Tháng hành động vì trẻ em.

Xem trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Quảng Bình thì thấy: "Ngày 13-5-2020, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 795/KH-UBND về việc triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2020". Theo đó, trẻ em được bảo vệ tuyệt đối, bằng rất nhiều biện pháp. Lật sang trang tin khác, bất ngờ bắt gặp thông tin: Ở xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, bé gái 12 tuổi bị phạt đòn bằng hình thức trói quặp hai tay (ra phía sau) vào thùng xe tải. Đáng nói, ra tay hành hạ em chính là mẹ ruột, chỉ vì em "trộm vặt" - theo lời người mẹ. Người đi đường thấy vậy liền can ngăn, người thân bé gái bảo chỉ trói cho sợ chứ không đánh. Chẳng may vụ việc không được phát hiện thì có khi nạn nhân này đã ốm đòn!

Khủng khiếp hơn, một ông bố trẻ ở thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng trói đứa con gái ruột mới 6 tuổi của mình vào cột rồi đánh, đạp không thương tiếc. Bé thoát khỏi dây trói, vùng chạy thì bị bố đuổi theo, chộp lại, quẳng vào sân rồi thượng cẳng chân - hạ cẳng tay liên tục, như đối xử với... kẻ thù (!). Lý do đánh chỉ vì bé nghịch, lấy gạo đổ vào cát. Kẻ mất nhân tính này bị bắt tạm giam sau khi clip đánh con bị người hàng xóm ghi lại, đăng lên mạng xã hội. Nếu như không có bằng chứng đó, cái ác làm sao được ngăn chặn kịp thời?

Vi phạm pháp luật về quyền trẻ em, xâm hại trẻ em... là tình trạng nhức nhối, kéo dài nhiều năm. Theo báo cáo của Chính phủ, giai đoạn từ ngày 1-1-2015 đến 30-6-2019, cả nước đã phát hiện, xử lý về hình sự, xử lý hành chính 8.442 vụ xâm hại trẻ em với 8.709 trẻ em bị xâm hại (hơn 19% trẻ em nam, gần 81% trẻ em nữ). Đáng lưu ý, tại một số địa phương, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ chiếm tỉ lệ lớn và có xu hướng gia tăng.

Chắc chắn số vụ việc xâm hại trẻ em đã bị phát hiện, xử lý nêu trong các báo cáo chưa phản ánh đầy đủ tình hình trẻ em bị xâm hại trên thực tế. Bởi trẻ em chưa đủ khả năng chủ động tố cáo khi bị xâm hại; người lớn dù biết chuyện song muốn tố cáo phải có bằng chứng; đó là chưa nói ở những vùng sâu, vùng xa, vùng cao, do không gian sống xa cách, hẻo lánh và điều kiện thông tin liên lạc đứt nghẽn nên những vụ trẻ bị xâm hại thường không được phát hiện, lôi ra ánh sáng.

Trong các hình thức xâm hại trẻ em, xâm hại tình dục phổ biến nhất, như trong giai đoạn 2015-2019, trong 8.709 trẻ bị xâm hại có tới 6.432 em bị xâm hại tình dục (73,85%). Khung hình phạt đối với tội phạm xâm hại tình dục trẻ em dưới 18 tuổi ở nước ta hiện nay là từ 5-15 năm tù. So với rất nhiều nước thì mức phạt này chưa đủ sức răn đe và chưa thích đáng so với những hậu quả nghiêm trọng mà tội phạm ấu dâm gây ra.

Không được xâm phạm trẻ em với bất kỳ lý do và dưới bất kỳ hình thức nào. Để bảo đảm thực hiện quyền trẻ em và bảo vệ trẻ em thì những chương trình "hành động theo tháng" là chưa đủ. Tuyên truyền pháp luật thường xuyên, liên tục trên diện rộng và những bản án thích đáng, nghiêm khắc mới thực sự có tác dụng.

Y Qua

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/bao-ve-tre-em-dung-chay-theo-phong-trao-20200530223030185.htm