Bảo vệ trẻ em gái Khmer trước vấn nạn bạo lực, tảo hôn

Ngày 21/12, UBND thị xã Tịnh Biên phối hợp Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Hồ Chí Minh) triển khai Dự án 'Tăng cường năng lực tự bảo vệ cho các bé gái người Khmer trước các vấn đề tảo hôn, bạo lực, xâm hại, bắt cóc, mua bán trẻ em gái ' tại thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang.

Phát biểu tại chương trình, ông Lâm Văn Bá, Phó chủ tịch UBND thị xã Tịnh Biên cho biết, tình trạng bạo lực trẻ em trong gia đình và ngoài xã hội ngày một gia tăng cả về số lượng lẫn mức độ. Trẻ em bị bạo lực từ hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; xúc phạm danh dự, nhân phẩm đến các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Các trường hợp trẻ em bị xâm hại, bạo lực thường do sự thiếu quan tâm của chính gia đình, ảnh hưởng của các phong tục lạc hậu, sự hạn chế về nhận thức hiểu biết của một số ít bà con đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số Khmer. “Việc bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái Khmer trước nguy cơ bị bạo lực, xâm hại là trách nhiệm của mỗi gia đình, mỗi người và toàn xã hội”, ông Bá nhấn mạnh.

Học sinh người Khmer thị xã Tịnh Biên biểu diễn nhạc ngũ âm.

Học sinh người Khmer thị xã Tịnh Biên biểu diễn nhạc ngũ âm.

TS. Nguyễn Thị Hảo, Trưởng khoa Khoa học liên ngành - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề tảo hôn, bạo lực, xâm hại, bắt cóc và mua bán trẻ em gái là thách thức chung của nhiều cộng đồng dân tộc thiểu số trên khắp cả nước. Những thách thức này ảnh hưởng nghiêm trọng đến tương lai của các em gái – những người lẽ ra phải được đến trường, được học tập và phát triển toàn diện. Trong bối cảnh đó, việc triển khai dự án này là cơ hội để phát triển năng lực bảo vệ các em gái trước những nguy cơ tảo hôn, bạo lực, xâm hại, bắt cóc, mua bán người, trẻ em gái cho các bên liên quan như bản thân các em, gia đình, nhà trường và cộng đồng.

Dự án triển khai đến 2/2025 với các hoạt động chính gồm, tập huấn cho 100 lãnh đạo cộng đồng, trưởng thôn, đoàn viên Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, giáo viên – những người có vai trò quan trọng trong việc tiếp xúc và hỗ trợ các bé gái Khmer. Đồng thời, tập huấn cho khoảng 400 nữ sinh trung học cơ sở Khmer để hướng dẫn các em các kỹ năng tự vệ và ứng phó với các tình huống nguy hiểm.

Tặng quà cho học sinh người Khmer tại thị xã Tịnh Biên (An Giang).

Tặng quà cho học sinh người Khmer tại thị xã Tịnh Biên (An Giang).

Bên cạnh đó, dự án hướng tới việc tạo nên một cộng đồng nhận thức rõ hơn về quyền và trách nhiệm bảo vệ trẻ em, trong đó có các bé gái Khmer. Đồng thời, dự án được kỳ vọng góp phần xây dựng một thế hệ trẻ tự tin, có kiến thức và kỹ năng cần thiết để đối mặt với những thách thức trong cuộc sống. Dự án do Quỹ Canada dành cho sáng kiến địa phương (CFLI) tài trợ thông qua Đại sứ quán Canada tại Việt Nam.

THANH HUYỀN

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/bao-ve-tre-em-gai-khmer-truoc-van-nan-bao-luc-tao-hon-post1703143.tpo