Bảo vệ trẻ em trước những tác động của ngành công nghiệp thuốc lá
Đó là chủ đề của Ngày Thế giới không thuốc lá 31/5 năm nay được Tổ chức Y tế thế giới phát động. Đó cũng là diễn đàn để giới trẻ trên toàn thế giới yêu cầu ngành công nghiệp thuốc lá ngừng việc nhắm tới trẻ em, thanh thiếu niên bằng những sản phẩm có hại cho sức khỏe; kêu gọi chính phủ các nước thực hiện các biện pháp phòng, chống tác hại thuốc lá mạnh mẽ...
Báo cáo tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá của Bộ Y tế cho thấy, tỉ lệ sử dụng thuốc lá điếu thông thường trong nam giới trưởng thành giảm trung bình 0,5% mỗi năm từ 47,4% năm 2010 xuống còn 38,9% năm 2023. Tỉ lệ hút thuốc ở thanh thiếu niên cũng đã giảm; trong đó, ở nhóm 13-17 tuổi đã giảm từ 5,36% năm 2013 xuống còn 2,78% năm 2019, ở nhóm 13-25 tuổi giảm từ 2,5% (năm 2014) xuống còn 1,9% (năm 2022). Tỉ lệ phơi nhiễm với khói thuốc thụ động cũng giảm đáng kể cả ở hộ gia đình, nơi công cộng và nơi làm việc.
Đây là những kết quả rất đáng khích lệ trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, những thành tựu này có nguy cơ bị phá bỏ bởi việc gia tăng nhanh chóng tỉ lệ sử dụng thuốc lá mới, chủ yếu là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Đặc biệt là trong giới trẻ, ở nhóm 13-15 tuổi, tỉ lệ đã tăng gấp đôi từ 3,5% năm 2022, lên 8% năm 2023.
Với quyết tâm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, ngày 24/5/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2030. Trong đó, việc giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá trong cộng đồng là mục tiêu quan trọng. Ngày 13/5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành công điện chỉ đạo các bộ, ngành, các cơ quan liên quan trong việc tăng cường các biện pháp để kịp thời ngăn ngừa các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trên toàn quốc.
Thời gian qua, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, UBND các tỉnh, thành phố tích cực thúc đẩy các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng về tác hại của việc sử dụng các sản phẩm thuốc lá, xây dựng môi trường không khói thuốc.
Nhiều hoạt động thiết thực đã được triển khai như chiến dịch “Thanh niên Việt Nam nói không với thuốc lá và thuốc lá điện tử”, “Thanh niên Việt Nam vì môi trường không khói thuốc” của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; hội thi sáng kiến truyền thông “Gia đình có sức khỏe, không khói thuốc” của Hội LHPN Việt Nam đã được triển khai và có tác động sâu rộng tới cộng đồng, đặc biệt là trong thanh niên, phụ nữ và trẻ em gái.
Tại Phú Yên, Ban chỉ đạo phòng chống tác hại của rượu bia tỉnh vừa phối hợp với Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá tổ chức mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới không thuốc lá (31/5) và Tuần lễ Quốc gia không thuốc lá (25-31/5). Phó Giám đốc Sở Y tế Huỳnh Lê Xuân Bích đề nghị các sở, ban ngành, hội đoàn thể và các cấp chính quyền xây dựng, tổ chức triển khai kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 tại các địa phương, đơn vị, đưa chỉ tiêu giảm tỉ lệ sử dụng thuốc lá vào chỉ tiêu phát triển KT-XH của địa phương theo từng thời kỳ; lồng ghép hoạt động phòng chống tác hại của thuốc lá trong các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; nhân rộng các mô hình xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị không khói thuốc; tuyên truyền, vận động người dân, cộng đồng thực hiện các quy định của pháp luật về phòng chống tác hại của thuốc lá; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm…
Các cơ quan, đoàn thể và mọi người dân Phú Yên vì sức khỏe của bản thân, của gia đình mình và cộng đồng, hãy tiếp tục có những hành động thiết thực xây dựng môi trường không khói thuốc, thực thi nghiêm Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá.