Bảo vệ trẻ trước nguy cơ bị xâm hại – Bài cuối

Bài cuối: Giải pháp ngăn ngừa xâm hại trẻ em

Nếu gia đình, nhà trường và xã hội phối hợp chặt chẽ trong việc xây dựng môi trường sống, học tập an toàn, lành mạnh cho trẻ em thì đây được xem là giải pháp hiệu quả đối với việc phòng ngừa, bảo vệ trẻ trước những nguy cơ bị xâm hại tình dục (XHTD).

Thông qua diễn đàn lấy ý kiến trẻ em, giúp ngành chức năng TP.Dĩ An làm tốt hơn công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em

Quan tâm chăm sóc và bảo vệ trẻ em

Trong những năm qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo công tác trẻ em nói chung và phòng, chống XHTD nói riêng; đồng thời lồng ghép các mục tiêu về trẻ em vào nghị quyết, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của tỉnh. Trên cơ sở chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành, đoàn thể tỉnh và địa phương đã cụ thể hóa thành các chương trình, kế hoạch chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em theo từng năm, từng giai đoạn, phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể, Công an tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện kế hoạch phòng, chống tội phạm xâm hạu trẻ em (XHTE) và phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Thông qua việc thực hiện kế hoạch trên góp phần từng bước kiềm chế, tiến tới kéo giảm tội phạm XHTE và tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến người dưới 18 tuổi. Bên cạnh đó, Công an tỉnh thường xuyên vận động toàn dân tham gia xây dựng địa bàn an toàn về an ninh trật tự và phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; phát huy các mô hình tự quản về an ninh trật tự; thường xuyên hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường nâng cao trách nhiệm phòng ngừa tội phạm XHTD trẻ em, tai nạn giao thông, đuối nước đối với trẻ em. Thông qua công tác nghiệp vụ, Công an tỉnh lồng ghép tuyên truyền tới từng gia đình, nhà trường các quy định, kiến thức cần thiết về quyền của trẻ em.

Với vai trò của mình, song song với công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, ngành lao động - thương binh và xã hội (LĐTB&XH) tỉnh còn chú trọng đến việc nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ làm công tác này tại cơ sở. Hàng năm, đội ngũ công chức, người làm công tác trẻ em các cấp đều được tập huấn nâng cao năng lực quản lý, phòng chống tai nạn thương tích, XHTD trẻ em. Riêng trong năm 2023, Sở LĐTB&XH đã tổ chức 60 lớp tập huấn về tuyên truyền, phổ biến Luật Trẻ em 2016, cùng các chính sách pháp luật, chương trình, dự án về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em với gần 6.000 lượt người tham dự.

Việc tổ chức các hoạt động vui chơi lành mạnh ngoài trời sẽ giúp trẻ phát triển toàn diện, có thêm kỹ năng sống và bảo vệ bản thân. Trong ảnh: Thành đoàn Thuận An tổ chức trại hè cho học sinh

Tương tự, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh cũng triển khai thực hiện hiệu quả việc xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện; phòng chống bạo lực học đường nhằm góp phần bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ bị xâm hại. Tính đến nay, 100% các trường học trên địa bàn tỉnh có bộ phận tư vấn cho học sinh để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và phối hợp giải quyết các vụ việc xâm hại, bạo lực trẻ em; thông báo, cung cấp thông tin và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền bảo đảm thực hiện việc điều tra, xử lý, bảo vệ trẻ em theo quy định.

Các trường học đều xây dựng chương trình, nội dung giáo dục phù hợp với từng độ tuổi và bảo đảm chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện của trẻ em; bảo đảm trẻ em được hoàn thành chương trình giáo dục phổ cập và tạo điều kiện học ở trình độ cao hơn. Không những thế, ngành giáo dục và đào tạo còn triển khai công tác xã hội trong trường học, trong đó tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ học sinh, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn.

Đại diện Sở LĐTB&XH cho biết đã tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai Tháng hành động vì trẻ em năm 2024 với chủ đề “Hành động thiết thực, ưu tiên nguồn lực cho trẻ em” nhằm mục đích bảo đảm môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ em sống và phát triển một cách toàn diện, thực hiện đầy đủ quyền trẻ em, nhất là thực hiện các biện pháp ngăn ngừa, giảm thiểu thấp nhất nguy cơ trẻ em bị bạo lực, xâm hại.

Song song với việc tổ chức chương trình cho trẻ em tại địa phương, UBND tỉnh đã chọn TP.Tân Uyên làm điểm tổ chức Tháng hành động vì trẻ em năm 2024. Tại chương trình, UBND tỉnh dự kiến tặng quà cho 3.833 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và tổ chức nhiều hoạt động vui chơi cho các em.

Nâng cao trách nhiệm bảo vệ trẻ em

Theo ông Bùi Văn Thuyết, Trưởng phòng Trẻ em, bình đẳng giới và phòng, chống tệ nạn xã hội Sở LĐTB&XH, thời gian tới, sở tiếp tục tham mưu UBND tỉnh tăng cường triển khai thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em. Trong đó ưu tiên bố trí nguồn lực để bảo đảm việc hỗ trợ, can thiệp cho trẻ em khi bị bạo lực, xâm hại… Đồng thời tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng bảo vệ trẻ em, đặc biệt là phòng ngừa XHTD và bạo lực đối với trẻ em.

Đối với công tác truyền thông, ngành LĐTB&XH tiếp tục phối hợp tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường và toàn xã hội trong công tác bảo vệ trẻ em, ngăn ngừa và giải quyết tình trạng trẻ em bị xâm hại, lạm dụng. Trong đó, chú trọng hình thức tư vấn, tham vấn và vận động trực tiếp đối với gia đình và nhà trường về kỹ năng bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị XHTD, qua đó góp phần phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh đối với các hành vi lệch chuẩn này; đồng thời, giúp các em có ý thức cảnh giác, phát hiện sớm, tự phòng ngừa và bảo vệ bản thân.

Cũng theo ông Bùi Văn Thuyết, đối với nhà trường, cần xây dựng chương trình, kế hoạch giáo dục về kỹ năng sống cho học sinh trong các hoạt động giáo dục trong năm học; phát huy vai trò, trách nhiệm của đội ngũ giáo viên chủ nhiệm lớp trong việc nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của từng học sinh. “Thầy, cô cần quan tâm những học sinh có biểu hiện bất an, không tập trung; cần lắng nghe và quan tâm đến học sinh yếu kém, ít chơi đùa cùng bạn. Thầy, cô cần sẵn sàng nói chuyện, trao đổi riêng về tình bạn, tình yêu, tư vấn tâm lý, giải đáp những vướng mắc cho các em trong cuộc sống cũng như trong học tập. Về phía gia đình, cha mẹ cần thường xuyên để mắt, quan tâm chia sẻ với con em mình để kịp thời nhận thấy những thay đổi tâm sinh lý; trang bị cho con cái trong gia đình biết cách thức phòng vệ trước những đối tượng có ý định thực hiện hành vi đồi bại; chia sẻ với con về giới tính, tình dục tuổi mới lớn”, ông Bùi Văn Thuyết nói thêm.

Phát huy hiệu quả các mô hình bảo vệ trẻ em

Trên địa bàn tỉnh hiện có 118 câu lạc bộ bảo vệ và trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng tại các khu, ấp; 45 câu lạc bộ trẻ em với phòng, chống tai nạn thương tích tại các trường tiểu học, trung học cơ sở và 40 câu lạc bộ trẻ em với phòng, chống HIV/ AIDS tại TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An, TP.Tân Uyên và TP.Bến Cát với 1.200 em tham dự. Việc duy trì hoạt động các mô hình trên đã và đang góp phần phát huy vai trò của các ban ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, chăm sóc và bảo vệ trẻ em, nhất là trẻ có hoàn cảnh khó khăn, trẻ bị XHTD.

NGUYỄN HẬU

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/bao-ve-tre-truoc-nguy-co-bi-xam-hai-bai-cuoi-a322837.html