Bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới: Tiếp cận dựa vào cộng đồng vì sự phát triển bền vững

Đây là chủ đề của cuộc hội thảo khoa học quốc tế do Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Bộ Ngoại giao phối hợp với Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và UBND TP. Hà Nội tổ chức ngày 21/5 tại khu di sản thế giới Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội.

Hội thảo diễn ra dưới sự điều hành của ông Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới; ông Hoàng Đạo Cương, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam; bà Lê Thị Hồng Vân, Cục trưởng Cục Ngoại vụ và Ngoại giao văn hóa, Bộ Ngoại giao, Tổng thư ký Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam.

Quang cảnh hội thảo diễn ra tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: Thành Long)

Quang cảnh hội thảo diễn ra tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long. (Ảnh: Thành Long)

Hội thảo có sự tham dự của Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, lãnh đạo bộ ngành trung ương, UBND các địa phương sở hữu di sản, các ban quản lý di sản thế giới tại Việt Nam, các chuyên gia, các nhà khoa học trong các lĩnh vực lịch sử, khảo cổ, bảo tồn, bảo tàng, di sản và đại diện cộng đồng.

Hội thảo là một sự kiện trong chuỗi các hoạt động triển khai Kế hoạch Hành động giai đoạn 2021-2025 của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, Bản ghi nhớ hợp tác Việt Nam-UNESCO giai đoạn 2021-2025, Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2030 và các kết luận của Hội nghị văn hóa toàn quốc nhấn mạnh vai trò của văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương sẽ diễn ra vào thời gian tới.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, cho biết Việt Nam hiện có 8 di sản văn hóa, thiên nhiên được UNESCO công nhận là di sản thế giới; cùng với đó, kể từ khi tham gia Công ước 1972 đến nay, Việt Nam đã 2 lần được tín nhiệm bầu là một trong 21 thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2013-2017 và nhiệm kỳ 2023-2027.

Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng về nhận thức, lý luận trong lĩnh vực bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới, thể hiện qua hệ thống pháp luật về di sản văn hóa ngày càng được hoàn thiện.

Đặc biệt, ngày 23/11/2024, Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa, góp phần thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về di sản văn hóa, với nhiều điểm mới, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống văn hóa, xã hội và kinh tế của đất nước, tạo nên bước chuyển cơ bản về thế và lực cho sự nghiệp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu khai mạc. (Ảnh: Thành Long)

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Đạo Cương phát biểu khai mạc. (Ảnh: Thành Long)

Luật Di sản văn hóa năm 2024 đã nội luật hóa nhiều quy định từ Công ước 1972, cùng với các hướng dẫn thực hiện và chính sách lồng ghép phát triển bền vững, tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các Di sản thế giới tại Việt Nam.

Trong những năm qua, công tác quy hoạch, xây dựng kế hoạch quản lý, đầu tư và hỗ trợ kinh phí cho các Di sản thế giới luôn được Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương chú trọng. Các di sản được tu bổ, bảo tồn theo hướng bền vững, bảo đảm tính xác thực, toàn vẹn và giá trị nổi bật toàn cầu. Hệ thống tổ chức và nhân lực quản lý di sản từ trung ương đến địa phương ngày càng được củng cố; nguồn lực phục vụ bảo vệ di sản được ưu tiên, huy động hiệu quả.

Nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành và cộng đồng, các di tích, danh thắng sau khi được UNESCO ghi danh đã thu hút ngày càng đông du khách tham quan, nghiên cứu.

Tuy nhiên, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương cho rằng, vẫn còn rất nhiều công việc cần phải làm để nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới ở Việt Nam trong những năm tới.

Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Thành Long)

Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, phát biểu tại sự kiện. (Ảnh: Thành Long)

Theo ông Hoàng Đạo Cương, trong thời đại số, việc bảo tồn và phát huy di sản cần gắn liền với đổi mới sáng tạo ứng dụng công nghệ số, tận dụng sức mạnh truyền thông mạng xã hội, phát triển các mô hình đối tác công - tư (PPP) để lan tỏa giá trị di sản đến đông đảo công chúng, nhất là thế hệ trẻ. Đặc biệt, vai trò trung tâm của cộng đồng trong quản lý và gìn giữ di sản - không chỉ với tư cách là người thụ hưởng mà là chủ thể sáng tạo.

“Với tinh thần đó, hội thảo là định hướng hết sức đúng đắn, kịp thời và thiết thực, đồng thời góp phần thực hiện những nội dung quan trọng của các hội nghị quốc tế như Hội nghị thượng đỉnh Tương lai (Future Summit), các cam kết tại Hội nghị P4G vừa qua - nơi Việt Nam thể hiện vai trò trách nhiệm và tích cực trong thúc đẩy hợp tác đa phương vì một tương lai xanh và bền vững", ông nhấn mạnh.

Chia sẻ tại đây, bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, bày tỏ niềm tự hào khi Thủ đô được biết đến là “thành phố di sản” với số lượng di sản vô cùng phong phú, đa dạng gồm 6.494 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có những di sản mang tầm nhân loại đã được UNESCO vinh danh.

Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội khẳng định: “Hà Nội xác định đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững, trong đó việc bảo vệ, phát huy giá trị các di sản là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội và của mỗi người dân.

Chúng tôi mong muốn nhận được những ý kiến đóng góp, chia sẻ kinh nghiệm và định hướng phát huy giá trị di sản, hướng tới mục tiêu quản lý bền vững các khu di sản, với cách tiếp cận dựa vào cộng đồng”.

Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: Thành Long)

Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo chia sẻ tại hội thảo. (Ảnh: Thành Long)

Hội thảo nhằm đánh giá tổng quan công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới tại Việt Nam, đồng thời làm rõ đóng góp của di sản thế giới đối với phát triển kinh tế - xã hội địa phương, đặc biệt từ góc độ tiếp cận cộng đồng. Sự kiện cũng hướng tới nâng cao vai trò và giá trị của di sản trong chiến lược phát triển bền vững; thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan như tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng; tăng cường cam kết đồng hành của Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và UNESCO trong hỗ trợ chính quyền địa phương, đơn vị quản lý di sản trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới.

Đây đồng thời là dịp thể hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với UNESCO trong việc thực thi Công ước Di sản thế giới; thể hiện mong muốn đóng góp tích cực cho công tác bảo tồn toàn cầu thông qua việc ứng cử vào Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027. Hội thảo cũng là diễn đàn trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm giữa các chuyên gia, nhà nghiên cứu trong và ngoài nước, đồng thời là cơ sở khoa học để các khu di sản xây dựng phương án tiếp cận cộng đồng, hướng tới phát triển bền vững.

Ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, đánh giá cao những kết quả thành phố Hà Nội đạt được trong thời gian qua trong bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. (Ảnh: Thành Long)

Ông Jonathan Wallace Baker, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội, đánh giá cao những kết quả thành phố Hà Nội đạt được trong thời gian qua trong bảo tồn, phát huy giá trị của di sản. (Ảnh: Thành Long)

Tại đây, các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm từ góc độ quản lý nhà nước, sở hữu di sản trong việc phát huy giá trị di sản thế giới phục vụ phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nâng cao đời sống của người dân.

Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Eloundou Assomo giải đáp một số vấn đề mà các đại biểu đặt ra, tư vấn về chuyên môn công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản thế giới trong phương pháp tiếp cận dựa vào cộng đồng, cũng như chia sẻ một số kinh nghiệm quốc tế.

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Thành Long)

Các đại biểu tham dự hội thảo chụp ảnh lưu niệm. (Ảnh: Thành Long)

Hội thảo đã rút ra một số kiến nghị, đề xuất cho công tác quản lý di sản: Tiếp tục hoàn thiện các cơ sở pháp lý trong quản lý di sản; tuyên truyền, nâng cao hơn nữa nhận thức và vai trò, sự tham gia của cộng đồng; tăng cường công tác bảo vệ môi trường, sử dụng bền vững tài nguyên, phát triển du lịch bền vững; thúc đẩy hợp tác quốc tế trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản; đào tạo nâng cao năng lực của cán bộ quản lý di sản và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Trong phát biểu kết luận, Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội thảo quốc tế lần này, đồng thời tin tưởng những kinh nghiệm được chia sẻ, gợi mở sẽ là những định hướng quý báu để Bộ cùng các địa phương tiếp tục nghiên cứu, áp dụng vào thực tiễn quản lý di sản thế giới trong thời gian tới.

Lê An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bao-ve-va-phat-huy-gia-tri-di-san-the-gioi-tiep-can-dua-vao-cong-dong-vi-su-phat-trien-ben-vung-315022.html